Với tiệc thảm đỏ dập dìu tài tử giai nhân, cùng lễ công bố và trao giải đậm tính nghệ thuật do “phù thủy” Phạm Hoàng Nam làm đạo diễn, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp cho đông đảo công chúng theo dõi, giải Cống hiến đã bắt đầu cho thấy sự lớn mạnh cũng như nỗ lực tiếp cận gần và rộng hơn với bạn yêu nhạc. Tuy thế, dù muốn được số đông quan tâm, giải thưởng âm nhạc tương đối khác biệt này vẫn quyết tâm giữ lấy “cá tính” của riêng mình.
“Đúng định hướng báo chí”
Cho đến hôm nay, sau nhiều năm tranh luận, các nhà báo, phóng viên tham gia bình chọn cho giải Cống hiến đã không còn quay quắt với cái tên thật “kêu” của Cống hiến. Cũng không còn những thắc mắc kiểu nghệ sĩ ở “tầm” nào thì xứng đáng được đưa vào Cống hiến, quá trình tham gia nghệ thuật bao lâu thì đạt chuẩn Cống hiến...
Ban tổ chức giải thưởng (báo Thể Thao & Văn Hóa) đã nhanh chóng xác định những cá nhân hay tập thể có tên trong “bảng vàng Cống hiến” không phân biệt tuổi đời lẫn tuổi nghề, chỉ cần có những sáng tạo, lao động nghệ thuật có sức ảnh hưởng tích cực đến làng âm nhạc hay thị trường âm nhạc trong năm sẽ có cơ hội chạm đến giải thưởng.
Với tiêu chí rõ ràng cùng quyết tâm xây dựng một giải thưởng “đúng định hướng báo chí”, kết quả giải Cống hiến từ năm 2004 đến 2010 làm vui lòng hầu hết “người trong nghề” nhưng vẫn tương đối xa lạ với công chúng, bởi những lễ trao giải không ồn ào và những người thắng giải không phải lúc nào cũng là những cái tên “hot” nhất thị trường.
Hiển nhiên, Cống hiến không phải là giải thưởng nhà nước hay của những hiệp hội ngành nghề để buộc phải quá thiên về chuyên môn hay thâm niên tham gia hoạt động âm nhạc. Giải do một cơ quan ngôn luận tạo dựng lên và được sự ủng hộ từ rất nhiều cơ quan ngôn luận và truyền thông khác nên cũng rất cần có sự tương tác với công chúng.
Để tạo được sự quan tâm hay tò mò nhiều hơn của dư luận, Cống hiến đã nhanh nhạy “tạo dư luận” ở mùa giải 2011 với sự xuất hiện của giọng ca còn chưa được thừa nhận: Uyên Linh ở hạng mục ca sĩ của năm và Lê Cát Trọng Lý chỉ với một ca khúc được nhiều người biết đến là Chênh vênh (từng đoạt nhiều giải thưởng khác từ các năm trước) ở hạng mục nhạc sĩ của năm. Sự xuất hiện của hai gương mặt đang gây nhiều tranh cãi này cộng với chiến thắng của Lý trước một Huy Tuấn rất thành công trong năm 2011 cùng bề dày nghề nghiệp đáng ngưỡng mộ khiến Cống hiến bắt đầu “có dư luận”.
Thách thức cho Cống hiến
Dẫu thế, những cái tên chiến thắng ở Cống hiến vẫn là những cá tính đáng trân trọng trong môi trường âm nhạc quá hỗn tạp như hiện nay. Và khó ai có thể phủ nhận tài năng của những gương mặt đoạt giải Cống hiến, dù đó là những gương mặt đang gây nhiều tranh cãi. Thừa thắng xông lên, Cống hiến mùa giải 2011 tiếp tục giới thiệu những gương mặt được cho là chưa được sự công nhận của số đông khán giả lẫn người trong nghề, chưa thật sự dốc sức cho nghề nghiệp hay chưa thật nổi bật trong năm như: Lê Cát Trọng Lý ở ba hạng mục: nhạc sĩ của năm, album của năm và chương trình của năm; Nguyên Thảo ở hạng mục ca sĩ của năm và Nguyễn Công Hải (Bột, thành viên nhóm Quái Vật Tí Hon) ở hạng mục nhạc sĩ của năm.
Lần đầu tiên trong các cuộc họp trước khi công bố đề cử lẫn trao giải, Cống hiến gặp nhiều chất vấn từ các nhà báo tham gia bỏ phiếu trước những đề cử (do ban tổ chức quyết định) chưa thật sự ổn với “tinh thần Cống hiến” như thế.
Tuy vậy, ban tổ chức cũng cho rằng gương mặt của Cống hiến ngoài những sáng tạo, đóng góp tạo được sự ảnh hưởng tích cực đến công chúng, việc theo đuổi một con đường âm nhạc hoàn toàn khác biệt hoặc tính phát hiện cũng là một trong những tiêu chí giúp tạo nên cá tính riêng của Cống hiến trước rất nhiều giải thưởng âm nhạc khác.
Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để tôn vinh những “phát hiện” hay những “khác biệt” này, Cống hiến hoàn toàn có thể dành tặng cho họ những giải ở các hạng mục phù hợp hơn như: phát hiện của năm hay nghệ sĩ mới.
Để nhận được sự chia sẻ nhiều hơn từ các đồng nghiệp, ban tổ chức giải Cống hiến cũng đã tương đối dễ dãi trong việc mời gọi quá nhiều đơn vị báo đài cùng tham gia bình chọn, mặc cho đối tượng bạn đọc/khán thính giả, “gu” và tiêu chí lựa chọn của các đơn vị đó trái ngược hoàn toàn với mình, khiến kết quả giải thưởng được cho là uy tín nhất nhì này đôi khi lệch với “cá tính” của Cống hiến.
Tuy vậy, những kỳ vọng dành cho Cống hiến vẫn còn rất lớn, đặc biệt là khi ban tổ chức tuyên bố sẽ bổ sung vài hạng mục cho mùa giải năm sau, giúp giải Cống hiến ngày một đầy đặn. Và dĩ nhiên, những thách thức để giữ được uy tín cùng những kỳ vọng đó sẽ còn nhiều...
Không chỉ giữ được phương châm “công khai, minh bạch, bí mật và bất ngờ”, lễ trao giải Cống hiến 2011 còn khá hài hước và đầy tính châm biếm qua phần dẫn dắt của “giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng và “gương mặt bí mật” Hà Anh Tuấn. Buổi lễ mở màn bằng ca khúc được cho là nhạc hiệu của giải Cống hiến, Tháng tư về của nhạc sĩ Dương Thụ, sang trọng mà gần gũi, thân thuộc qua phần thể hiện của dàn nhạc giao hưởng Lụa Là và ba giọng hát: Mỹ Linh, Tùng Dương và Nguyên Thảo. Trên sân khấu lấy khuôn nhạc cách điệu như những “nấc thang” trên con đường nghệ thuật của các nghệ sĩ, bốn “cống hiến của năm” đã lần lượt được xướng tên. Không có những bứt phá dữ dội trong năm 2011 nhưng chiến thắng của nhạc sĩ Anh Quân ở hạng mục Nhạc sĩ của năm vẫn rất xứng đáng bởi những đóng góp thầm lặng và không mệt mỏi của anh cho nền nhạc nhẹ VN trong hơn 10 năm qua. Hồ Ngọc Hà Live Concert được vinh danh ở hạng mục Chương trình của năm. Album của năm được trao cho Tóc ngắn - Acoustic Một ngày của nữ ca sĩ Mỹ Linh. Và Ca sĩ của năm một lần nữa đã thuộc về Tùng Dương (nam ca sĩ duy nhất có tên trong đề cử năm nay) với rất nhiều nỗ lực khẳng định giá trị giọng hát tại nhiều chương trình thật sự đặc sắc. Dẫu có những đề cử hơi “tung tẩy” nhưng kết quả của Cống hiến 2011, qua phần bình chọn của 100 phóng viên trong cả nước, vẫn rất thuyết phục và chuẩn xác trong môi trường hoạt động âm nhạc của năm qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận