Trong những ngày hè nắng nóng, đậu xanh được tin dùng để chế biến các món ăn hoặc thức uống giải nhiệt, trừ các bệnh do nóng trong gây ra. Ngoài đặc tính giải nhiệt, đậu xanh còn được biết đến với hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như chất xơ, chất đạm, sắt, magie, canxi… Đậu xanh bổ dưỡng là vậy nên cần hiểu rõ về đặc tính của chúng để phát huy tốt nhất tác dụng trị bệnh, đồng thời phòng ngừa sinh độc do nấu đậu xanh sai cách.
Công dụng giải nhiệt của đậu xanh
Trong Đông y, đậu xanh vị ngọt, hơi lạnh, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ mát, điều trị các bệnh nhiệt. Ngoài ra khi thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ đổ mồ hôi để mất nhiệt nhanh hơn, dẫn tới tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải. Khi đó uống nước đậu xanh giúp bổ sung lượng nước và muối vô cơ còn thiếu, cân bằng lượng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, xua tan cơn khát và lợi tiểu.
Ngoài nấu thành nước uống, đậu xanh có thể dùng để nấu cháo ăn khi bị cảm sốt vào mùa hè, say nắng, tiêu khát. Đậu xanh có lợi cho việc điều trị các bệnh nhiệt ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, cao huyết áp, viêm gan mãn tính…
- Giải độc
Theo quan niệm của y học cổ truyền Trung Quốc, đậu xanh có đặc tính giải độc, dùng cho các trường hợp ngộ độc cá, ngộ độc sắn… Khi say rượu, uống một bát nước đậu xanh có thể làm giảm một phần nồng độ chất độc trong cơ thể. Với người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, uống nước đậu xanh giúp cung cấp chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và giải độc hiệu quả.
- Hạ lipid máu
Đậu xanh giàu globulin và polysaccharid, giúp tăng cường sự chuyển hóa axit mật và bài trừ ra ngoài, từ đó làm giảm cholesterol máu, giảm sự lắng đọng cholesterol ở thành động mạch. Từ đó giúp giảm cân và điều chỉnh mỡ máu.
- Phòng bệnh tim mạch
Thành phần đậu xanh chứa nhiều polysaccharide – chất này có lợi cho hoạt động của lipoprotein trong huyết thanh, đảm bảo cân bằng lipid máu, bảo vệ tim mạch, phòng ngừa các bệnh tim mạch vành và đột quỵ, đặc biệt khi trời nắng nóng.
- Trị sưng tấy
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, đậu xanh tính mát, dùng để tiêu sưng, hạ khí hiệu quả. Bạn có thể dùng đậu xanh bằng cách ép thành nước hoặc nấu thành nước uống (có thể cho thêm đường).
4 sai lầm cần tránh khi ăn đậu xanh:
1. Nấu nhiều đậu xanh, ít nước
Tỉ lệ nước với đậu xanh khi chế biến chuẩn nhất là 10:1. Uống nhiều nước đậu xanh, giảm lượng bã đậu tiêu thụ giúp hạn chế lượng calo được nạp vào, từ đó phòng ngừa bệnh tiểu đường, béo phì. Khi ninh nước đậu xanh chỉ cần cho một ít đường và mật ong, nếu dùng quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường huyết trong máu.
2. Ăn quá nhiều đậu xanh trong một lúc
Đậu xanh là thực phẩm giàu chất xơ, trong thời gian ngắn khó tiêu hóa hết dẫn đến đầy bụng và khó chịu. Ngoài ra, đậu xanh giàu calo và carbohydrate phức hợp, không phù hợp cho sức khỏe bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng 25gr đậu xanh/ngày để không làm bệnh trầm trọng hơn. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, bệnh về đường tiêu hóa cần cẩn trọng khi ăn.
3. Ninh đậu xanh quá lâu
Ninh đậu xanh trong thời gian dài sẽ phá hủy các axit hữu cơ, vitamin và nhiều chất dinh dưỡng khác. Cách chế biến này cũng khiến tinh bột trong đậu xanh tăng độ hồ hóa, khiến cơ thể dễ hấp thụ tinh bột, từ đó gia tăng lượng đường huyết, gây hại cho cơ thể.
4. Người có tay chân lạnh, thể chất yếu vẫn ăn đậu xanh
Trong Đông y, đậu xanh tính mát, có công dụng thanh nhiệt. Vậy nên, người bệnh có tay chân lạnh, đau thắt lưng ăn nhiều đậu xanh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, thậm chí dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, mất nước.
Ngoài ra, người có thể trạng yếu, đường tiêu hóa kém, nếu dùng nhiều đậu xanh sẽ không cung cấp đủ men để phân giải hàm lượng protein cao trong thực phẩm, dẫn đến khó tiêu, đầy bụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận