Phóng to |
Những Việt kiều trẻ trong một lần đến New Orleans hỗ trợ đồng bào dựng nhà - Ảnh: T.L. |
Trong bài viết có tựa đề “Cộng đồng Việt trỗi dậy ở phía đông New Orleans” - nhà báo Valerie Faciane của tờ New Orleans Times Picayune ghi nhận: Khu ngoại ô Làng phía Đông, một vùng định cư nổi tiếng của những người châu Á cùng gia đình của họ, đã mạnh mẽ vượt qua khó khăn sau cơn bão so với một vài vùng khác của New Orleans, dù tất cả những nơi này đã từng bị tàn phá nặng nề bởi bão và nước lụt sau đó (trận bão Katrina đổ bộ vào Mỹ tháng 8-2005 từng gây thiệt hại vật chất đến 125 tỉ USD).
Ước tính có khoảng 90% người gốc Việt đã quay trở lại New Orleans sau cơn bão. Những người chưa quay trở lại là những người già đang chờ đợi thành phố cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhiều gia đình không muốn con cái bị dở dang việc học trước khi năm học kết thúc. Các vị cao niên trong cộng đồng khẳng định ý nghĩa của cộng đồng cũng như sự sẵn lòng tương trợ để đối phó với mọi thử thách, đã giúp ích nhiều cho họ trong lúc quay trở về để tái xây dựng.
Hoạt động bình thường của khu vực đã trở lại như trước. Những tô phở bốc khói, món cơm, chả giò và món xào được phục vụ sáu ngày trong một tuần lễ tại nhà hàng Ba Miền. Nhà hàng này nằm gọn giữa một tiệm bán bàn ghế của người Việt và nhà hàng đãi tiệc cưới Kim Anh, nằm cạnh xa lộ Chef Menteur. Cũng như các chủ doanh nghiệp nhỏ trong khu vực, cô Mai Nguyễn không trông chờ tiền bạc trợ cấp từ Road Home hoặc bất cứ chương trình nào của chính phủ để mở cửa nhà hàng trở lại. Cô đã dốc hết tiền dành dụm của mình để làm việc này.
Nhà hàng của cô trong số khoảng 80 doanh nghiệp mà cộng đồng gọi là Làng Việt, một khu thương mại trải dài cạnh xa lộ Chef Menteur, phủ kín một hoặc hai khu phố từ đường Alcee đến đường Michoud. Các nhà hàng, tiệm tạp hóa, xưởng sửa xe, tiệm làm móng, thẩm mỹ viện, nhà thuốc tây, tiệm may và cơ sở y tế, tất cả đều được biết dễ dàng nhờ ngoài mặt tiền có các tấm bảng hiệu ghi tên tiệm bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.
Cô Mai Nguyễn, 47 tuổi, và gia đình đã di tản đến Houston, Texas trong đợt bão và quay trở về vào tháng 10-2005. Cô trả lời với nhà báo: “Tôi lớn lên ở đây và tôi muốn quay trở lại, nhà tôi ở đây, công việc làm ăn của tôi ở đây. Tôi là một trong những người quay trở về đầu tiên. Khi chúng tôi trở về không còn gì cả, không có điện. Chúng tôi đã ở nhà mà không có điện, nước suốt cả ba tháng”. Nhưng điều đó đã không làm họ sợ hãi.
Họ đã bắt tay vào gầy dựng cuộc sống trở lại, có khi từ sự hỗ trợ của chính phủ. Trong tháng gần đây, chủ nhân vài doanh nghiệp nhỏ của Làng Việt đã nhận những khoản vay mượn từ quĩ phục hồi thương mại của tiểu bang Louisiana. Một số dùng số tiền này để mở lại cửa tiệm trong khi số khác dùng để dành làm quĩ dự phòng mà thời gian trước họ đã tiêu xài hết để nhanh chóng mở lại doanh nghiệp, theo lời của May Nguyễn, giám đốc phát triển thương mại của ban hỗ trợ. Bà May Nguyễn cho biết các đồng nghiệp của bà đã xem xét trên 600 đơn vay mượn, trong số đó có khoảng 260 đơn là của người Việt trong khắp các khu vực của thành phố New Orleans.
Cộng đồng người Việt còn chuẩn bị cả các dự án cho tương lai. Như chương trình Huấn luyện kinh tế - sáng tạo cho người Việt (viết tắt rất dễ hiểu là VIET) nhằm giúp đỡ thanh niên tìm việc sau khi ra trường hay vào mùa hè. Cô Hoàng Lan, điều phối viên của cơ quan phi lợi nhuận VIET, cho biết chương trình không chỉ dạy kỹ năng việc làm cho thanh niên mà còn mở lớp dạy phụ đạo và các sinh hoạt cho trẻ em từ tuổi mẫu giáo cho đến lớp 8.
Hoàng Lan và Cyndi Nguyen, giám đốc điều hành của VIET, đã điều hành công việc của VIET từ đầu năm 2006, mặc dù vẫn đang lo xây dựng lại nhà cửa sau cơn lũ lụt. “Chúng tôi không để cơn bão Katrina lấy đi những gì mà cộng đồng người Việt đã xây dựng tại đây” - Hoàng Lan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận