Những người biểu tình, bao gồm các thành viên của Ủy ban người Mỹ gốc Á ở Massachusetts, phản đối sự phân biệt chủng tộc với các cộng đồng gốc Á trong mùa dịch COVID-19 tại Mỹ vào ngày 12-3-2020 - Ảnh: AP
Thảo luận về các báo cáo nói rằng người châu Á tại Mỹ đang bị xa lánh hoặc tấn công bởi nhiều người tin rằng họ ít nhiều có liên quan đến nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), Leesa Lin, một học giả trường y khoa Harvard, cho rằng các phản ứng dữ dội như vậy có thể ngăn nhóm này tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
"Những người bị bệnh có thể phải trì hoãn việc đi xét nghiệm hay được điều trị vì sợ bị phân biệt đối xử. Những người bệnh hay khỏe mạnh có nghĩ đến việc đeo khẩu trang, trong trường hợp này cũng sợ mà không dám làm thế" - bà Lin nói trong cuộc thảo luận trực tuyến do Hiệp hội châu Á tổ chức.
Ngoài ra, bà Lin cho rằng việc nhắm mục tiêu kỳ thị vào những người châu Á cũng tạo ra cảm giác an toàn sai lầm và mất cảnh giác, bỏ qua việc giãn cách xã hội với những người khác do chỉ dựa vào ngoại hình để phán đoán.
Báo South China Morning Post cho biết dự án Stop AAPI Hate, theo dõi các sự cố liên quan đến việc phỉ báng, tấn công và các hình thức phân biệt đối xử khác chống lại người châu Á trong dịch COVID-19, cho thấy có gần 100 sự cố như vậy xảy ra hằng ngày ở Mỹ.
Kể từ khi khởi động dự án vào ngày 19-3 đến nay, Stop AAPI Hate đã nhận được hơn 750 báo cáo liên quan đến một số hình thức phân biệt đối xử hoặc tấn công.
Vấn đề phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á đã xuất hiện từ đầu tháng 3, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vấp phải sự chỉ trích dữ dội do liên tục gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc". Ông Trump đã ngừng sử dụng cụm từ này ở nơi công cộng, và tuần trước ông đã kêu gọi mọi người chấm dứt đổ lỗi cho Trung Quốc và người Mỹ gốc Á vì dịch bệnh này.
Tuy nhiên, người phát ngôn của dự án Stop AAPI Hate là Cynthia Choi cho biết điều này đã không ngăn số vụ thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á giảm đi. "Chúng tôi không thấy số lượng báo cáo về các vụ thù ghét giảm" - bà Choi nói.
Ông Charlie Woo, chủ tịch chính sách công cộng của Ủy ban 100, một tổ chức nổi tiếng của người Mỹ gốc Hoa, lưu ý rằng Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2015 đã công bố các hướng dẫn mới nhằm chấm dứt việc sử dụng vị trí địa lý để đặt tên cho các virus gây bệnh truyền nhiễm như SARS-CoV-2.
Ông Woo, cũng tham gia thảo luận cùng với học giả Lin, cho rằng: "Tại thời điểm này, chúng ta nên tập trung vào cách cứu sống nhiều người và ngừng đổ lỗi cho mọi người và chỉ ngón tay về người khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận