Phóng to |
Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm bố mẹ - Ảnh: marshalbajaj.wordpress |
Đó là những dòng tâm sự đầy xúc động trong lá thư gửi con của một người tên Pierre Antoine (Việt kiều Pháp). Lá thư này khi được đăng trên nhiều trang mạng và các blogs đã khiến cư dân mạng thổn thức những ngày qua.
Với giọng văn nhẹ nhàng như vỗ về con vào giấc ngủ, người viết đã kể ra rất nhiều phiền phức mà người già thường gặp phải như ăn uống rơi vung vãi, không tự tắm rửa được thường xuyên, ít hiểu biết về đời sống văn minh, đãng trí hoặc không nhớ hết những gì con nói…
Mỗi dòng tâm sự là lời nhắc nhở con về khoảng thời gian khi con còn thơ ấu và khi bố mẹ đã già đi. “Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời” - đó là mong muốn không chỉ của tác giả Pierre Antoine mà còn của rất nhiều bậc cha mẹ có con cái trưởng thành.
Lá thư này đã nhanh chóng chạm đến trái tim những đứa con khiến họ phải xem xét lại thái độ và tình cảm của mình đối với bố mẹ. Bạn có nick Manly Girl trên diễn đàn sinh viên ĐH Văn Lang xúc động: “Bài viết thật ý nghĩa. Đọc đến dòng 9 thì mình khóc... Nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi với ba mẹ thiệt... nhất là cách ăn nói với ba mẹ... cả mấy vụ cãi mẹ ngang xương nữa... Không biết mẹ đã khóc vì mình bao nhiêu lần... vẫn biết sai đấy nhưng không chịu sửa... và nhiều lần cố sửa nhưng không sửa được...”.
Phóng to |
Mẹ già - Ảnh: Gia Tiến (ảnhminh họa) |
Trên diễn đàn Tuoitregiabinh, bạn có nick Thienbuithe đã chia sẻ bức thư này cùng với lời nhắn: “Sắp đến ngày 20-10 - Ngày phụ nữ Việt Nam - tớ xin có một lá thư để gửi đến bố và mẹ của mình, mong bố và mẹ luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ và hạnh phúc bên các con cháu. Mong cho bố luôn lái xe an toàn, mong cho mẹ làm việc điều độ để bảo vệ đôi mắt quý giá. Con cảm ơn bố, mẹ của con.
Bạn sẽ làm gì khi bố mẹ già đi, khó tính hơn, bảo thủ hơn? Bạn sẽ nhẫn nại yêu thương họ như chính họ từng làm cho bạn thuở ấu thơ? Bài viết ngắn nhưng đầy ý nghĩa của Piere Antoine đã thật sự làm nhiều người xúc động và suy ngẫm. Mời mọi người cùng xem để hiểu và thương yêu bố mẹ khi họ già đi…”.
Không những vậy, rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ lá thư này trên Facebook, blog… kèm theo những dòng tâm sự bày tỏ sự hối hận của mình khi chưa làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Nhiều bạn cho biết đã gọi điện về cho bố mẹ ở xa ngay sau khi đọc lá thư này. Có bạn đã ngay lập tức trở về thăm gia đình vì “thấy thương bố mẹ quá”.
Anh N.T.Lâm (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Đọc những dòng tâm sự này, tôi chợt nghĩ về ba mẹ mình. Ba mẹ đã già, nhiều lúc khó tính, thậm chí còn làm nũng như trẻ con, nhiều lúc tôi cằn nhằn lại ba mẹ. Nhưng giờ tôi thấy thương ba mẹ mình nhiều hơn. Chợt thấy mình bất hiếu quá. Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.
TTO chưa xác định được tác giả Pierre Antoine là ai. Chúng tôi đăng nguyên văn bức thư để bạn đọc tham khảo và chia sẻ.
Nguyên văn bức thư:
Hãy bao dung nếu bố mẹ già đi
Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... xin con hãy bao dung!
Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hằng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ, vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn”.
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...
Hãy giúp bố mẹ những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều...
Bố mẹ...
Cùng với bức thư, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ đoạn phim ngắn mang tên Father and daughter (Cha và con gái) của đạo diễn Michaël Dudok De Wit, cũng nói về tình cảm gia đình trên trang YouTube để đánh thức lòng hiếu thảo của những đứa con đối với cha mẹ mình. |
Bộ phim Father and daughter - Nguồn: YouTube |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận