Phóng to |
Bức thư yêu cầu Bộ Giáo dục - đào tạo xin lỗi “tín đồ Kpop” lan truyền nhanh chóng trên cộng đồng mạng với rất nhiều bình luận phản đối |
"Yêu cầu Bộ GD-ĐT xin lỗi"?
Nhiều bạn trẻ tự nhận là fan của Kpop (nhạc Hàn Quốc) phản đối dữ dội đề thi đại học khối D, cho rằng đề thi đã “công kích”, “đá xoáy” và làm ảnh hưởng đến thần tượng…
Nhiều bạn trẻ còn hưởng ứng thông điệp: cha mẹ là phù du, Suju (nhóm Super Junior) là tất cả; học hành là phù du, Suju là mãi mãi; thi cử là phù du, Suju là vĩnh cửu! |
Một số bạn cho biết đã không làm câu hỏi 3 điểm trong đề thi văn khối D để “bảo vệ tình yêu thần tượng”.
“Đại học không thi năm nay thì năm sau, trượt thì thôi, nhưng tình yêu mình dành cho Suju nó gọi là mãi mãi, vĩnh viễn không thay đổi, xin đảm bảo điều đó” - bạn N.A. viết trên Facebook.
Facebook tên Sasa Omiki Tara viết: "Kpop là một xã hội thu nhỏ, ở đây chúng tao có đầy đủ những thứ chúng tao cần: hạnh phúc, bình yên, sự thanh thản. Không như ở với gia đình chỉ có việc học, học, học, rồi chửi vài ba câu, đuổi đi một vài hôm, cũng được thôi, đuổi đi, cũng may là chưa đánh tao, không thì chắc cũng chả phải nể nang gì cái gia đình thối nát từ lâu này”.
Phóng to |
Trên Facebook rất nhiều hội được thành lập thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia bày tỏ ý kiến về đề thi văn đại học khối D năm nay |
Cá biệt, có bạn xưng là fan cuồng nhiệt Suju tên Lê Minh Hồ đã đăng tải thư yêu cầu Bộ GD-ĐT xin lỗi.
“Cái thời khắc đọc đề thi khối D của Bộ GD-ĐT, tôi bàng hoàng sửng sốt và không kìm được nước mắt. Với tri thức hiểu biết, dẫu không quá nhiều song cũng đủ để tôi hiểu rằng Bộ GD-ĐT đang cố tình trực tiếp đá xoáy tới chúng tôi và gián tiếp ảnh hưởng đến Suju thần thánh… Bởi thế, tôi viết lá thư này kính gửi Bộ GD-ĐT, tha thiết đề nghị nên có lời xin lỗi chính thức đối với những tín đồ Kpop chúng tôi đây” - Lê Minh Hồ viết.
Mê muội hay ngưỡng mộ
Trái lại, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện các hội như “Hội phát cuồng vì đề thi đại học môn văn”, “Hội phát sốt vì đề văn đại học khối D”, “Chúng tôi ủng hộ đề nghị luận xã hội khối D”…
Nhiều bạn trẻ khác trên cộng đồng mạng, trong đó có cả những fan của Kpop, lại tỏ ra bất bình trước những lời nói và hành động phản đối đề thi nói trên.
“Đề rất đúng! Mình là fan Kpop đây nhưng có thấy vấn đề gì đâu. Chính Bộ GD-ĐT cũng ra đề ngưỡng mộ thần tượng là nét văn hóa đẹp mà, chỉ có người nào kiểu "sinh ra cho Suju, chết của Suju" thì mới là thảm họa” - bạn Phan Như Quỳnh cho biết.
Bạn Hải Ly - Trường Trí Đức TP.HCM - nói: "Nếu các bạn là một fan tốt của các thần tượng thì hãy suy nghĩ tích cực hơn về hành động của mình. Kỳ thi đại học vừa rồi các bạn bỏ làm bài văn là đã bôi nhọ lên chính thần tượng của mình rồi đấy!”.
Phóng to |
Fan nhóm Super Junior ở TP.HCM nấu và phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là một nét đẹp bày tỏ sự ngưỡng mộ thần tượng - Ảnh: E.L.F HCM |
Trước phát ngôn mê muội của một fan “sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho đi xem Suju diễn”, bạn Nguyễn Trình bức xúc: “Việc các em ngưỡng mộ thần tượng là điều đương nhiên, nhưng như thế này là phát cuồng, phát điên. Cái gì mà có thể làm tất cả vì Kpop? Kpop có đánh đổi được với bố mẹ, đất nước mình không?”.
“Một người hâm mộ văn minh không bao giờ đặt thần tượng lên trên tất cả. Như vậy gọi là mù quáng. Không có nghệ sĩ nào muốn fan chết vì mình, cũng chẳng nghệ sĩ nào muốn con cái cãi lời cha mẹ vì mình. Âm nhạc và nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn, không phải để biến bạn thành con rối hay thành nô lệ của cái mà bạn gọi là "tình yêu với thần tượng" - bạn Nguyễn Phương Hòa khẳng định.
Câu 2 (3 điểm): “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Hãy viết một bài văn ngắn (600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên. (Đề thi văn đại học khối D 2012) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận