Các nền tảng mạng xã hội trả tiền theo lượt xem khiến nhiều chủ kênh tìm mọi cách câu view - Ảnh: Milicad
Câu chuyện cô gái nhảy múa và hay hàng loạt video, hình ảnh gây sốc khác của các TikToker, Facebooker, YouTuber… trong những năm gần đây không còn là chuyện hiếm hoi.
Điều gì đang kích thích trào lưu này mạnh lên như vậy thời gian qua?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada (TP.HCM), cho rằng:
Không thể phủ nhận, bất kể đó là những hành vi bị lên án, hàng triệu hay hàng trăm ngàn người vẫn bấm vào để xem các video gây sốc đó, và các công ty quản lý những nền tảng trên vẫn trả tiền cho chủ kênh dựa trên số lượt tương tác. Hình thức kiếm (rất nhiều) tiền này thu hút một số lượng không nhỏ người dùng.
Tâm lý thông thường của con người là đều bị thu hút bởi những hình ảnh, âm thanh hay thông tin nói chung mới lạ, độc đáo. Do đó, những người sở hữu các kênh truyền thông đều phải duy trì sức nóng của kênh bằng các thông tin, hình ảnh, hành động khác biệt, chưa có ai từng làm hoặc từng đăng tải.
Xét về đạo đức và pháp luật, điều này không có gì sai trái nếu đó là thông tin, hình ảnh, hành động không gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho ai, bao gồm cả người thực hiện.
Đáng tiếc, các ý tưởng về thông tin, hình ảnh, hành động tích cực lại ít hơn các ý tưởng ở chiều ngược lại.
Có những người thực hiện các video, hình ảnh gây sốc không hẳn có mục đích lớn nhất là kiếm tiền, mà đơn thuần là gây sự chú ý, trở thành chủ đề được bàn tán, một nhân vật được nhận diện ở trên mạng và ngoài đời sống thực.
Nhu cầu được chú ý có ở trẻ nhỏ lẫn người lớn. Khác biệt ở điểm, trẻ ở tuổi rất nhỏ không ý thức được hành động gây chú ý của mình là phù hợp (chuẩn mực) hay không, do đó người lớn phải hướng dẫn. Ví dụ: trẻ chọc phá bạn trong lớp để cô chú ý nhắc nhở mình.
Với người lớn, đa số hiểu được hành vi gây chú ý của mình là phù hợp hay không phù hợp.
Do đó, phần lớn các hành vi gây chú ý không phù hợp là cố ý. Điều này có thể do sự hạn chế trong năng lực của bản thân người đó, không có thành tựu tích cực để gây chú ý mà phải dùng hành động phản cảm, tiêu cực, gây sốc. Đơn giản hơn, đó là một lựa chọn của họ để thỏa mãn nhu cầu được chú ý của mình.
Để hạn chế truyền thông gây sốc trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta cần sự chung tay của cộng đồng và các cơ quan quản lý. Các đơn vị cung cấp nền tảng nếu kiên quyết khóa chức năng kiếm tiền hoặc xóa kênh sẽ hạn chế đáng kể các kênh độc hại.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần can thiệp vào chính sách kinh doanh của các công ty này.
Tuy nhiên, trên hết là cách ứng xử của cộng đồng. Một nguyên tắc trong xử lý hành vi có mục đích gây chú ý là: không chú ý khi cá nhân thực hiện hành vi gây chú ý một cách không phù hợp, nói khác hơn, không tạo điều kiện để cá nhân đó thỏa mãn được nhu cầu "được chú ý" của mình.
Khi điều này được thực hiện kiên định, thống nhất trong cộng đồng nói chung, tức phớt lờ các hành vi gây sốc, không bàn tán, không đăng tải lại thì chủ nhân của hành vi đó thấy mục đích của mình không đạt được mà dần từ bỏ.
Từ đó, những người xung quanh thấy cách ứng xử đó mà dần bỏ đi ý định tương tự để được chú ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận