Theo dự báo từ năm 2009 của Tổng cục Thống kê, đến năm 2017-2018, Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, tức là số người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% dân số. Tuy nhiên, con số này đã hiện hữu ở nước ta từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo.
Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam đã thực hiện thành công công tác kế hoạch hóa gia đình, trong đó số trẻ em sinh ra giảm nhanh khiến tỉ trọng người cao tuổi tăng. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, số người trên 60 tuổi ở nước ta có thể đạt 30 triệu người, chiếm 1/5 dân số.
Theo đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), số người cao tuổi tăng là một thành tựu vì nó khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân được nâng cao. Đặc biệt, người cao tuổi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi số người cao tuổi tăng thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng tăng cao, nhất là khi nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỉ trọng những người có bệnh là người cao tuổi cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (tức là một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, phải chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên.
Bên cạnh đó, khi người cao tuổi tăng thì làm thế nào để đảm bảo an toàn, ổn định đối với các quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế..., với những người cao tuổi không thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình thì làm thế nào để có được mô hình phù hợp trong điều kiện người cao tuổi có thể đáp ứng được... không phải là chuyện dễ dàng.
Một xã hội có đông người cao tuổi sẽ dẫn đến mô hình tiêu dùng thay đổi do nhu cầu của nhóm này tăng lên… Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, cả về chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa và sản xuất những hàng hóa, dịch vụ phù hợp nhu cầu của người cao tuổi.
Trước những cơ hội và thách thức trên, ngành dân số đã chọn thông điệp “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” làm chủ đề cho Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12, đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Từ đó, nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề chăm sóc người cao tuổi, để hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận