Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (phải) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt tay xác nhận trong buổi lễ ký kết thành lập Cộng đồng ASEAN ngày 22-11 tại Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters |
“ASEAN có thể tự hào rằng chúng ta đã duy trì được những tham vọng lớn cho cả ba trụ cột: kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội. ASEAN không chỉ ngày càng hội nhập vào nền kinh tế, cấu trúc an ninh toàn cầu mà còn là khu vực của những cơ hội to lớn |
Thủ tướng Malaysia Najib Razak |
Sáng 22-11, ước tính hơn 1.000 quan khách, trong đó có Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã tề tựu tại khán phòng lớn ở Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur chứng kiến thời khắc lịch sử khi các nhà lãnh đạo ASEAN cùng nhau ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN.
Sau khi ký kết, lãnh đạo các quốc gia khối ASEAN đồng loạt đánh trống điện tử bên dưới sân khấu tuyên bố thành lập cộng đồng vào ngày 31-12-2015. “GDP của ASEAN dự kiến đạt 4.700 tỉ USD vào năm 2020.
Theo một dự báo, ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Do vậy có rất nhiều lợi ích kinh tế mà chúng ta sẽ gặt hái được, qua đó mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả người dân ASEAN” - Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak phát biểu tại lễ ký kết.
Trong tuyên bố tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các lãnh đạo nêu rõ: “Chúng tôi quyết tâm củng cố sự vững mạnh của cộng đồng chúng ta, phát huy những kết quả đạt được và làm sâu sắc tiến trình liên kết để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân của chúng ta được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN”.
Màn biểu diễn nghệ thuật đầy màu sắc của các nghệ sĩ chủ nhà sau đó cũng gây ấn tượng mạnh, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Adi, nhà báo làm việc cho tờ New Straits Times của Malaysia và là một trong những người có mặt tại lễ ký sáng 22-11, cho biết rất thích không khí buổi lễ này.
“Buổi lễ diễn ra rất hiện đại, hoành tráng và giàu tính giải trí. Sau lễ ký lần này, ASEAN sẽ chính thức về chung một mái nhà” - anh Adi nói.
“Tôi nghĩ thành lập Cộng đồng ASEAN là một hướng đi đúng bởi chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để khám phá nền văn hóa lẫn nhau, đi lại tự do hơn nữa và cùng nhau phát triển” - Adi bày tỏ.
Trả lời báo chí tại Kuala Lumpur, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết kể từ khi ASEAN thông qua lộ trình tổng thể xây dựng cộng đồng cũng như ba lộ trình xây dựng cộng đồng trên ba trụ cột gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, đến cuối tháng 10 ASEAN đã thực hiện được 97% các biện pháp đề ra.
Trong đó, trụ cột chính trị - an ninh đã đưa vào thực hiện được 100% biện pháp. Trụ cột văn hóa - xã hội cũng đưa vào thực hiện được 100% các biện pháp. Trụ cột kinh tế đã thực hiện được 93% các biện pháp.
Như vậy, ASEAN đã cơ bản hoàn thành được hầu hết biện pháp đề ra trong quá trình thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Lương Minh, có nhiều biện pháp cần phải tiếp tục thực hiện và đây cũng là những biện pháp đa dự án.
Ví dụ, cộng đồng văn hóa - xã hội dù đã đưa vào thực hiện 100% các biện pháp, nhưng 97% các biện pháp này cần phải tiếp tục thực hiện giai đoạn sau năm 2015. Nhiều biện pháp trong lộ trình xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh cũng cần phải thực hiện sau năm 2015.
Đặc biệt, trong lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế, mặc dù đã thực hiện được 93% nhưng đó là 506 biện pháp ưu tiên trong khi tổng thể 611 biện pháp.
Do đó những biện pháp còn lại chưa thực hiện hoặc đang thực hiện vẫn phải tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sau năm 2015.
Những con số đáng nhớ * Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất cho một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 600 triệu người và GDP hằng năm gần 3.000 tỉ USD, cơ bản không còn hàng rào thuế quan. * Bốn trụ cột ưu tiên là tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, tạo ra một khu vực kinh tế cạnh tranh, tạo ra một khu vực phát triển kinh tế công bằng và tạo ra một khu vực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. * Kể từ khi gia nhập ASEAN, xuất nhập khẩu của VN với ASEAN luôn giữ một tỉ trọng lớn trong cán cân xuất nhập khẩu. Giá trị thương mại tính theo số tuyệt đối giữa VN với ASEAN tăng liên tục, từ 4,8 tỉ USD năm 1996 lên 29,7 tỉ USD năm 2008 và 39,7 tỉ USD năm 2013. * Năm 2014, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của VN, chỉ đứng sau Mỹ và EU, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới. * Trong giai đoạn 1990 - 2009, tổng lượng vốn FDI (đăng ký) từ ASEAN vào VN đạt 40 tỉ USD (1.517 dự án), chiếm 26% tổng nguồn vốn FDI (13,8% tổng số dự án) vào VN. Ngược lại, FDI của VN sang ASEAN đạt 4,8 tỉ USD (269 dự án) trong những năm 2006 - 2009, chủ yếu đầu tư sang các nước Campuchia, Lào và Myanmar. * Tổng đầu tư vào ASEAN hiện nay là 2.185 dự án với 43,7 tỉ USD, trung bình mỗi dự án là 21,6 triệu USD, trong khi trung bình mỗi dự án FDI ở VN hơn 14 triệu USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận