24/11/2015 07:35 GMT+7

Cộng đồng ASEAN - một lựa chọn đặc biệt

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ 
(giám đốc Trung tâm 
Nghiên cứu quốc tế, Đại học KHXH&NV TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ 
(giám đốc Trung tâm 
Nghiên cứu quốc tế, Đại học KHXH&NV TP.HCM)

TT - Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ đi vào lịch sử. Những quốc gia tầm trung và nhỏ ở Đông Nam Á đã làm nên một câu chuyện thần kỳ.

Khi cất tiếng nói cùng nhau, ASEAN tự tin sẽ đủ sức mạnh nói chuyện với các cường quốc - Ảnh: Reuters
Khi cất tiếng nói cùng nhau, ASEAN tự tin sẽ đủ sức mạnh nói chuyện với các cường quốc - Ảnh: Reuters

Các nước ASEAN có hơn 600 triệu người, nói các ngôn ngữ khác nhau, niềm tin vào các tôn giáo riêng biệt và được lãnh đạo dưới nhiều thể chế chính trị.

Trong quá khứ đến hiện tại, các nước thành viên đã có nhiều mâu thuẫn lớn nhỏ và một trong số đó vẫn còn dai dẳng đến nay.

Đó là lý do tại sao sự nghi ngại bao trùm khi các kế hoạch được lãnh đạo các nước ASEAN nêu ra về một cộng đồng trong các thượng đỉnh nối tiếp lẫn nhau.

Nhưng đó cũng là lý do việc sử dụng khái niệm cộng đồng của lãnh đạo các nước ASEAN được xem là một lựa chọn đặc biệt.

Cộng đồng - con đường thứ ba

Khác với “liên minh” hiểu như một liên kết chính thức hay bán chính thức về quân sự - chính trị nhằm đối đầu với mối đe dọa bên ngoài. Hay “thể chế” hoặc “tổ chức quốc tế” với sự gắn chặt nhau bằng các cam kết, ràng buộc pháp lý và biện pháp chế tài.

“Cộng đồng” trung dung trên con đường thứ ba: dựa trên các lợi ích chia sẻ tạo đồng thuận để hướng tới đồng nhất một luật chơi chung.

Với ASEAN, con đường này tham vọng bao quát cả ba phương diện về kinh tế, an ninh - chính trị lẫn văn hóa - xã hội và mong muốn tập hợp tất cả thành phần của các nước ASEAN tham gia: cả chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), mục tiêu khả dĩ gần nhất, được vạch ra vào năm 2002 và kế hoạch chi tiết hoàn tất vào năm 2007. Với xu hướng liên kết kinh tế quốc tế đang tăng tốc, AEC là một phát triển theo trào lưu.

Nhưng quan trọng hơn, việc tạo dựng một thị trường chung duy nhất cho hơn nửa tỉ người là sự phản ứng chính sách của các nước ASEAN trước những thách thức trong tình hình kinh tế thế giới và khu vực, trước hai sức mạnh kinh tế cũng vừa là láng giềng là Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy nhanh chóng.

Nếu đứng riêng lẻ, các quốc gia ASEAN có lẽ quá nhỏ bé để trở thành những người chơi quan trọng.

Còn nếu là một nhóm hợp nhất của hơn nửa tỉ người, họ có thể trở thành một tập hợp có tiếng nói. Sức mạnh của liên kết tạo nên khả năng thương lượng tập thể, một vũ khí quan trọng trên bàn đàm phán với các quốc gia bên ngoài.

Dĩ nhiên lộ trình biến hình dung thành thực tiễn còn dài. Giao thương nội khối hiện tại chỉ ở mức 24% tổng giao thương toàn cầu của ASEAN trong thập kỷ qua, thấp hơn hẳn mức 60% của EU. Liệu các nước ASEAN có tự hội nhập được với nhau để thiết lập một thị trường thống nhất?

Thách thức không nhỏ

Kinh tế không phải là điểm thắt duy nhất và chắc chắn chưa phải là điểm quan trọng nhất. Xu hướng thúc đẩy hội nhập ASEAN tăng tốc đang đi với vận tốc ôtô, trong khi việc tăng cường bộ máy điều hành ASEAN vẫn di chuyển bằng tốc độ của người đi bộ.

Xét cả nguồn lực tài chính và nhân sự, Ban thư ký ASEAN hiện vẫn còn rất khiêm tốn và đáng ngạc nhiên hơn như nhận xét của một nhà quan sát: các nguồn lực của bộ máy quan trọng nhất tổ chức ASEAN này vẫn không hề thay đổi trong 15 năm qua, ngay cả khi GDP của khu vực đã tăng hơn gấp 4 lần. Nhân lực và tài lực khiêm tốn cho một tổ chức đang gia tăng vị thế với các nhiệm vụ và hoạt động liên tục được mở rộng.

Thách thức cuối cùng và có thể quan trọng nhất là khả năng ASEAN điều phối luật chơi và phương cách tự giải quyết hay quản trị các mâu thuẫn hoặc xung đột.

Các thành viên ASEAN đang vật lộn với những vấn đề “an ninh cứng” giữa các quốc gia như xung đột lãnh thổ - lãnh hải tại Biển Đông, hoặc “mềm hơn” như sự bất lực của Indonesia trước vấn đề cháy rừng hằng năm với hệ quả trực tiếp là sương mù độc hại trên bầu trời Malaysia, Singapore và Thái Lan trong nhiều tháng liền.

Các sự kiện những năm gần đây đưa đến nhận định rằng ASEAN là một cộng đồng an ninh mỏng manh trên nhiều phương diện. Một trong số đó là niềm tin vào sức nặng của các quy chuẩn như một công cụ đảm bảo hòa bình. Công cụ này có thể tạo nên niềm tin trong nội khối ASEAN với nhau, nhưng gần như hoàn toàn vô hiệu hóa trong những cuộc tranh chấp giữa các nước trong lẫn ngoài khu vực ASEAN.

Tranh chấp Biển Đông là một ví dụ. Sự chia rẽ của các quốc gia vì khác biệt về địa lý, lợi ích và các tính toán địa chiến lược khiến các nỗ lực của ASEAN nói một tiếng nói chung nhiều lần thất bại. Qua đó còn cho thấy niềm tin vào “Phương cách ASEAN” - vốn nhấn mạnh việc xây dựng đồng thuận và luật mềm trong các hợp tác khu vực - đang tạo ra một ảo tưởng trong việc giải quyết vấn đề mâu thuẫn có dính líu đến một cường quốc bên ngoài.

Năm 2015 sẽ là điểm khởi đầu một khái niệm đang trong quá trình hình thành. Sự khởi đầu này cũng phải là hàm ý cho nhiều sự kết thúc.

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (trưởng SOM ASEAN Việt Nam):

Cần chủ động nắm bắt cơ hội

Lễ ký kết hình thành Cộng đồng ASEAN cũng giống như một sự cam kết chính thức về mặt pháp lý, khẳng định quyết tâm, nhận thức chung của các nước ASEAN về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác và liên kết để tranh thủ những cơ hội mới cũng như giải quyết các vấn đề thời cuộc.

Xét về mặt hình thức, sau thời điểm 31-12-2015 toàn khối ASEAN không có gì thay đổi bởi theo lộ trình, các nước đã thực thi cam kết những điều khoản gần như hết trước đó. Các doanh nghiệp không phải quá lo lắng bởi sự ra đời của Cộng đồng ASEAN chỉ đánh dấu một bước trưởng thành trong quá trình phát triển của ASEAN.

Mục tiêu rõ nhất của ASEAN là hướng đến một thị trường chung, không gian sản xuất thống nhất, khu vực phát triển kinh tế đồng đều, cơ bản không còn hàng rào thuế quan, do đó dịch vụ thương mại nội khối sẽ tăng nhanh.

Hầu hết ngành nghề, chế độ đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư từ các nước ASEAN đã được sáu nước ASEAN mở từ năm 2010 và Việt Nam mở từ năm 2013.

Điều cần bây giờ là sự chủ động của các doanh nghiệp, địa phương để kịp thời nắm bắt những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN đem lại, đặc biệt trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

* Ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty GIBC):

Hãy nghĩ đến thị trường hơn 600 triệu người tiêu dùng

Một trong những thách thức lớn khi các doanh nghiệp nghĩ đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là sức cạnh tranh nguồn nhân lực. Nhưng không đợi đến khi có AEC chúng ta mới có sức ép này.

Thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh từ khối doanh nghiệp này về cả tỉ trọng đóng góp kinh tế lẫn lao động.

Tham gia thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh phù hợp mới biến thách thức thành cơ hội.

Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam nghĩ đến khu vực hóa thị trường với hoạt động kinh doanh đúng đắn, có tầm nhìn dài hơi, nắm càng chi tiết về ngành nghề càng tốt để có thể đánh giá đúng tác động của AEC đối với ngành nghề mình đang kinh doanh.

Một doanh nghiệp lớn mạnh thì nhân tài sẽ đổ về. Các doanh nghiệp cần xem AEC là cơ hội của mình và cơ hội đó nằm trong tay mình, chính mình sẽ quyết định nắm bắt như thế nào.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước cũng cần thể hiện vai trò hỗ trợ của mình, đừng lãng phí đào tạo nhân lực như hiện nay, không thể để hội nhập với dòng luân chuyển lao động tự do mà lại có quá nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

N.BÌNH ghi

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ 
(giám đốc Trung tâm 
Nghiên cứu quốc tế, Đại học KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên