24/09/2023 09:57 GMT+7

Công đoàn làm mới mình để đồng hành tốt hơn với người lao động

Không thể phủ nhận với gần 1,4 triệu thành viên, lại rơi đúng thời điểm đại dịch COVID-19 tác động sâu đến kinh tế - xã hội thời gian qua, Công đoàn TP.HCM đã chuyển mình, thay đổi nhiều hoạt động kiểu "chuyện xưa nếp cũ", đến hẹn lại lên.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy (thứ hai, từ phải qua) cùng đại diện Tổ chức Tài chính vi mô CEP đến thăm gia đình công nhân khó khăn được quỹ này hỗ trợ - Ảnh: VŨ THỦY

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy (thứ hai, từ phải qua) cùng đại diện Tổ chức Tài chính vi mô CEP đến thăm gia đình công nhân khó khăn được quỹ này hỗ trợ - Ảnh: VŨ THỦY

Tuy vậy, để đồng hành tốt hơn với công nhân, nhất là người lao động khó khăn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn TP phải tự làm mới mình trở thành yêu cầu tiên quyết. Bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - chia sẻ cùng Tuổi Trẻ:

- Có thể coi nhiệm kỳ vừa qua là "nhiệm kỳ của sự linh hoạt". Trong hoàn cảnh dịch bệnh thay đổi, đảo lộn mọi thứ, các phương án chăm lo cho người lao động không thể theo kiểu đến hẹn lại lên như trong điều kiện bình thường. Điều này đặt ra cách nghĩ, cách làm mới, sao cho những thay đổi của công đoàn phải "thực sự chạm tới người lao động".

Công đoàn xuất hiện trong việc bảo vệ người lao động ngày càng chuyên nghiệp và rõ nét. Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở phải thực sự hiểu được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể và am hiểu quy định pháp luật khi bảo vệ người lao động.

Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY

Ở vị trí "người bạn tin cậy"

* Đâu là những thay đổi lớn đáng ghi nhận của Công đoàn TP khi đồng hành, hỗ trợ người lao động, thưa bà?

- Dịch bệnh làm cho vai trò của công đoàn cũng khác hơn, thấy vấn đề gì của người lao động là tìm cách hỗ trợ ngay. Chúng tôi có chương trình chăm lo cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh. Năm 2020, người lao động F0, F1 nhận hỗ trợ hai mức 3 triệu và 1 triệu đồng/người. Năm 2021 khi dịch bệnh nghiêm trọng, công đoàn đã có hàng trăm ngàn gói an sinh riêng đến tay người lao động.

Sau dịch, nhiều người bị mất việc, rồi biến động kinh tế làm giảm sút thu nhập, việc làm, công đoàn có chính sách cho người lao động bị giảm lương, mất việc với khoản hỗ trợ được chuyển trực tiếp đến tài khoản người lao động.

Thời điểm hiện tại, công đoàn phối hợp cùng y tế đang duy trì chương trình "Vì sức khỏe người lao động" hoàn toàn mới chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người lao động, tầm soát bệnh lý phụ khoa cho lao động nữ.

* Là đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bà đánh giá các cấp công đoàn ở TP đã đáp ứng được kỳ vọng của người lao động chưa?

- Các tình huống không đồng thuận về các chính sách dành cho người lao động xảy ra thường xuyên hơn thời gian qua. Cũng có trường hợp lợi dụng tình huống dịch bệnh, kinh tế khó khăn để không tăng lương định kỳ nên công đoàn phải lên tiếng. Rồi tăng hay không tăng lương theo định kỳ hợp đồng, tăng theo lương tối thiểu vùng thì có tăng lương theo hợp đồng hay không...

Có những dích dắc như vậy và công đoàn luôn đứng ra trao đổi, thương lượng, tranh luận. Nếu thương lượng không thành phải đấu tranh trước tòa. Công đoàn sử dụng rất hiệu quả các lực lượng hiện có như Trung tâm tư vấn pháp luật để hỗ trợ pháp lý cho người lao động, giúp giải quyết tranh chấp.

Nhiều cuộc thương lượng, đối thoại của công đoàn với chủ sử dụng lao động không còn theo trình tự, định kỳ như pháp luật quy định mà khi có vấn đề phát sinh, công đoàn xuất hiện đại diện người lao động thương lượng ngay.

Chẳng hạn trường hợp Công ty PouYuen thời gian gần đây. Công ty có chuẩn bị phương án cụ thể nhưng để đạt được mức hỗ trợ mong muốn, công đoàn phải làm việc với công ty nhiều lần. Kết quả cuối cùng trong nhiều trường hợp không phải do chính sách của người sử dụng lao động đã có ngay từ đầu mà qua đấu tranh của công đoàn.

Nhiều công nhân đã được công đoàn đơn vị phối hợp khám sức khỏe ngay tại nơi làm việc - Ảnh: VŨ THỦY

Nhiều công nhân đã được công đoàn đơn vị phối hợp khám sức khỏe ngay tại nơi làm việc - Ảnh: VŨ THỦY

Chọn mục tiêu, đối mặt với thách thức

* Bà cho rằng Công đoàn TP đang đối mặt với những thách thức nào?

- Thống kê TP.HCM có hơn 4 triệu lao động nhưng chỉ có gần 1,4 triệu công đoàn viên. Nhiệm kỳ vừa qua đã thành lập cả trăm nghiệp đoàn tập hợp người lao động ở khu vực phi chính thức, từ xe ôm công nghệ đến người giữ trẻ, người thu gom rác dân lập, người sửa xe... nhưng chắc chắn vẫn cần rất nhiều nỗ lực.

Thách thức khác từ quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Điều này luật hóa quyền của người lao động phải có tổ chức đại diện và rất quan trọng vì thời gian qua nhiều đơn vị sử dụng lao động nhất quyết không thành lập công đoàn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người lao động không chọn công đoàn đại diện cho họ? Công đoàn đang sửa điều lệ theo hướng khi người lao động có tổ chức đại diện và được tập thể người lao động công nhận sẽ tham gia vào tổ chức công đoàn hiện hữu, trở thành một thành viên của công đoàn.

* Mục tiêu trọng tâm Công đoàn TP hướng đến sắp tới sẽ ra sao, thưa bà?

- Công đoàn cơ sở phải thực sự mạnh, tạo dựng hình ảnh, uy tín với người lao động và doanh nghiệp. Điều này phải được đầu tư từ cơ sở. Nên nhiệm kỳ này sẽ đầu tư nhiều phong trào về cơ sở, tạo ra sự tương tác thường xuyên giữa đoàn viên với công đoàn.

Đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở phải có uy tín với cả doanh nghiệp và công nhân. Việc chọn chủ tịch công đoàn phải trên cơ sở công ty đồng thuận để họ phải đứng được giữa hai bên, làm cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Công việc này thực sự đòi hỏi người tâm huyết, có tâm, có tầm bởi nếu tính toán thiệt hơn chắc không ai muốn làm chủ tịch công đoàn.

Bầu nhân sự, "chọn mặt gửi vàng" cho nhiệm kỳ mới

Sáng nay 24-9, phiên bế mạc cũng là phiên trọng thể của Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII. Đại hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; báo cáo kết quả bầu cử và ra mắt Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM khóa XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028).

Dự kiến lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phát biểu định hướng cùng đại hội cho hoạt động nhiệm kỳ mới.

Tại các phiên làm việc trước đó, đại hội đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ XI, phương hướng nhiệm kỳ XII. 549 đại biểu đã chia thành các tổ thảo luận những vấn đề đặt ra của nhiệm kỳ XII, bầu Ban chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 và nghe công bố kết quả 55 thành viên trúng cử.

5 năm đồng hành cùng gần 1,4 triệu đoàn viên công đoàn5 năm đồng hành cùng gần 1,4 triệu đoàn viên công đoàn

Sáng 23-9, Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII chính thức khai mạc, với sự tham dự của 549 đại biểu đại diện cho gần 1,4 triệu đoàn viên công đoàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên