02/11/2016 07:00 GMT+7

'Công đầu đổi mới là của ông Chín Cần'

P.VŨ
P.VŨ

TTO - Đêm trước khi chia tay ông Chín Cần, những câu chuyện về ông lại được nhắc, những bài báo về ông được truyền tay. Chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại đặc biệt.

Ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính), nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An - tổng chỉ huy công trình bù giá vào lương ở Long An - Ảnh: Q.Thiện
Ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính), nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An - tổng chỉ huy công trình bù giá vào lương ở Long An - Ảnh: Q.Thiện

Nhà báo lão thành Thái Duy hồ hởi nói từ Hà Nội: “Hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã dùng đúng từ ngữ dành cho ông Chín Cần: người tiên phong đổi mới. Với tư cách người làm báo thời bấy giờ, tôi muốn khẳng định lại một lần nữa: công cuộc đổi mới của cả nước phải ghi công ông Chín Cần, người đi tiên phong”.

Ở tuổi 90, những ký ức của ông Thái Duy vẫn sống động, mạch lạc, rõ ràng như hơn 30 năm trước.

Ông nhắc chuyện Long An là địa phương đầu tiên xóa bỏ tem phiếu, sử dụng một giá, bù vào lương từ năm 1980.

Ông đọc lại mấy trang hồi ký của ông Trần Nhâm (thư ký của cố tổng bí thư Trường Chinh) về những trăn trở của chủ tịch nước Trường Chinh trước cuộc khủng hoảng nghèo - thiếu - đói - bí bức lan tràn khắp đất nước, và nét mặt giãn ra của ông Trường Chinh khi đến Long An năm 1983.

Ông Trần Nhâm đã viết: “Chưa bao giờ thấy ông Trường Chinh cười tươi như vậy” khi lần thứ ba quay lại Long An, đã nghiên cứu và chứng kiến những tiến bộ của cơ chế một giá, thấy rõ câu trả lời cho những bế tắc mình hằng đêm trăn trở.

Ông Thái Duy nhắc nhở: “Cần phải nhắc lại điều này: năm 1984, tại kỳ họp trung ương lần thứ 6 Đại hội V, ông Trường Chinh đã đọc bản báo cáo về tình hình kinh tế, nói lên sự thật là nhiều gia đình, nhiều công nhân đã đứt bữa, không có cơm ăn.

Bản báo cáo ấy nhắc nhiều lần đến mô hình Long An đã áp dụng, nhận định “cơ chế thị trường là sáng tạo của nhân dân”, khẳng định “phải chuyển sang cơ chế thị trường, phải cứu giai cấp công nhân, cơ chế một giá ở Long An cần được nhân rộng”.

Nhiều người vỗ tay, và người phát biểu ý kiến ủng hộ công khai chính là ông Chín Cần”.  

Sau hội nghị, bản báo cáo ấy chưa được sự thống nhất, chưa được phép đăng báo công khai, nhưng nó đã được truyền đi bằng nhiều cách. Riêng ông Thái Duy, phải đến 5 tháng sau ông mới có dịp đưa nội dung ấy lên mặt báo.  

Sau hội nghị, 22 tỉnh thành đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở Long An. Đồng thời, cũng có nhiều sóng gió đến với ông Chín Cần và cả ban lãnh đạo tỉnh. Nhưng ông đã có những chỗ dựa, là thực tế thành công của cơ chế một giá và những nhà lãnh đạo đã nhìn rõ tính chất sống còn của việc phải thay đổi.

Ông Thái Duy nghẹn lời nhắc: “Cách đây vài năm, tôi có dịp đến thăm ông Chín Cần. Khi ấy ông vừa qua trận ốm, không nói được. Hai ông bạn già ngồi ăn cơm, nhìn nhau. Tôi nhắc chuyện xưa, ông nghe gật đầu. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu hết tại sao khi ấy ông Chín Cần lại có bước đột phá xuất sắc như thế. Có thể như ông nói “nhìn vào gương mặt người dân”, có thể do ông biết lắng nghe và sử dụng những người cố vấn giỏi như ông Bùi Văn Giao... Dẫu thế nào, công cuộc đổi mới phải ghi công đầu cho ông Chín Cần”.

Sáng 2-11, ông Chín Cần - Nguyễn Văn Chính, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - sẽ về với lòng đất mẹ. Những người đồng chí đã từng sát vai, chung tay với ông, những người dân mà ông một đời phục vụ, sẽ nhớ về ông với những câu chuyện như thế.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên