28/04/2020 09:32 GMT+7

'Công dân trẻ' của thành phố nghĩa tình - Kỳ 2: 'Giấc mơ' của Thống 'giang hồ'

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - 13 tuổi, Hồ Quốc Thống theo cậu rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán vé số. Anh chưa một lần nghĩ có ngày mình lại thành thợ chụp ảnh, rồi trở thành điển hình trẻ của TP này.

Công dân trẻ của thành phố nghĩa tình - Kỳ 2: Giấc mơ của Thống giang hồ - Ảnh 1.

Hồ Quốc Thống cùng gia đình nhỏ của mình tại tiệm ảnh Dreams - Ảnh: Q.L.

"Tôi có được nhiều thứ, nếu không muốn nói là có tất cả, như hôm nay đều nhờ vòng tay yêu thương của TP này. Danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới mà nhiều khi tôi nghĩ như một giấc mơ" - Quốc Thống tâm sự.

1 Hồi đó Thống có biết Sài Gòn chi mô. Chỉ là ở quê nghèo quá, học cũng chẳng tới đâu, nghe người cậu rủ nên theo vào đất này kiếm sống. Sài Gòn ngày Thống đặt chân xuống bến xe cơ man nào là người, là xe, tấp nập quá mức. Thống theo về ở chung nhà với nhiều người cùng quê trong xóm trọ gần ga Sài Gòn.

Mỗi ngày, nhận cọc vé số, Thống đi bán lang thang khắp ngõ ngách. Được hai năm thì anh chàng không bán vé số nữa, chuyển qua bán báo, đi phụ hồ, đánh giày và có cả "nghề"... đánh lộn! "Thường đánh giày phải có nhóm, phân chia địa bàn rồi nên đứa nào léng phéng mò qua địa bàn của nhóm khác sẽ bị xử ngay. Tụi tui đánh nhau bất chấp, hở ra là đánh" - Thống nhớ lại.

Không bán vé số nên không còn ở nhà chung nữa. Những ngày sống lang thang đường phố cũng bắt đầu. Thống bảo sống gần như... giang hồ, ngày đánh giày, tối tìm góc vỉa hè chung cư ngủ. 

Nhưng rồi có đêm đang ngủ thì công an đến, "hốt" cả đám về phường. Là dân chung cư thấy cái đám loai choai cứ ngủ ở đó hoài, sợ mất an ninh, báo công an. 

"Bị hốt vài lần, tụi tui không nằm vỉa hè nữa mà tối leo cây bàng ngủ. Dãy bàng dọc kênh Nhiêu Lộc hồi đó giờ không còn" - Thống nói.

2 Lang bạt mãi nhưng Thống không hư! Đánh nhau như cơm bữa. Lay lắt kiếm sống lề đường vậy nhưng tay Thống chưa một lần nhúng chàm. Cũng bởi anh luôn tự nhắc mình về giới hạn cuối cùng, để không làm chuyện bậy.

Qua một người bạn cùng quê, Thống xin được vào mái ấm dành cho trẻ lớn ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Nhờ thầy Nguyễn Văn Tuyển - quản lý mái ấm, "thằng Thống giang hồ" được giới thiệu đi học miễn phí lớp chụp ảnh trong dự án dành cho trẻ đường phố, rồi gửi qua học nghề xử lý ảnh ở một cửa tiệm.

Đều đặn đạp xe mỗi ngày từ Bình Thạnh qua Q.5 học nghề, mà chỉ đứng nhìn là chính. Nên trưa nào Thống cũng canh mấy người thợ chính của tiệm đi ăn thì xin vào máy vọc, làm lại đúng những gì học lóm trước đó. Cũng nhờ thầy Tuyển, Thống mua được chiếc máy tính cũ, mang về mái ấm vừa luyện nghề, vừa tranh thủ chỉ lại bạn nào muốn học.

3 Tháng lương đầu tiên ra nghề, Thống bỏ túi 1,8 triệu đồng. Nhờ tay nghề ổn, Thống được chủ một tiệm ảnh ở Hóc Môn mời về làm, bao ăn ở, trả lương 3,5 triệu/tháng, số tiền quá mơ ước khi ấy. Tại tiệm ảnh này, anh đã gặp người bạn đời, giờ là thợ trang điểm chính của Dreams.

Tiệm ảnh kèm trang điểm, dịch vụ cưới riêng ấy ra đời sau khi Thống được vinh danh "công dân trẻ". Một phần nhờ sự tiếp sức từ quỹ vay vốn giúp thanh niên làm kinh tế của Hội LHTN VN TP.HCM. 

Danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" vinh danh nỗ lực vượt khó, hành trình vươn lên của Thống dù trong cảnh ngặt nghèo. Đó cũng là năm đầu tiên giải thưởng ra đời, năm 2006.

Có gia đình ở tận Tiền Giang, sau khi đọc báo biết trường hợp của Thống đã lần theo địa chỉ, chở cả nhà từ quê lên Q.12 chụp bộ ảnh gia đình, coi như ủng hộ "một bạn trẻ biết vượt lên số phận". 

Thống bộc bạch: "Danh hiệu ấy là món quà quá bất ngờ, nó mở ra một trang đời khác với tôi, cho tôi mọi thứ như hôm nay. Nên làm gì tôi cũng luôn nghĩ phải giữ gìn để đời mình xứng đáng với danh hiệu đã nhận".

4 Hơn tuần trước Thống nhập viện vì chứng bệnh đau bao tử tái phát. Trước đó nữa anh từng nằm viện hai tuần nhưng không ổn. Anh bảo tranh thủ lúc giãn cách xã hội, người ta cũng hoãn cưới xin, thôi thì mình vào viện mong trị dứt hẳn đặng còn yên tâm làm việc. 

Câu chuyện ngay căngtin bệnh viện đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn đau. Nhưng nói về chụp ảnh, về cửa hiệu Dreams, Thống như một con người khác dù gần hai tháng nay do dịch COVID-19, tiệm đóng cửa, khoản tiền thuê nhà 15 triệu mỗi tháng cũng khá "đuối".

"Giờ chụp ảnh giá cả cạnh tranh chỉ là một phần, hơn nhau ở chỗ có bắt kịp "trend" không chứ đâu chỉ cầm máy bấm cái ra ảnh là xong. Tôi cũng phải nghe ngóng, đón bắt xu hướng của khách theo từng giai đoạn, rồi bà xã trang điểm cũng phải bắt trend mới sống được" - Thống nói.

Và anh nói về ý tưởng mới, thao thức làm mới công việc của mình, về xu hướng chụp ảnh hiện tại, về một phim trường chụp ảnh cho khách hàng nhí. "Có bạn trẻ nào muốn học nghề, tôi luôn sẵn sàng. Ngày xưa được giúp thế nào, nay tôi cũng muốn giúp lại như vậy" - Thống nói lúc chia tay.

Đào tạo thợ miễn phí

Lúc còn sống trong mái ấm, Hồ Quốc Thống đã bắt đầu sự nghiệp truyền nghề của mình cho các bạn khác. Đến nay, sau gần hai chục năm làm nghề, có cửa hàng riêng, Thống đã đào tạo cho gần 60 thợ từ chụp ảnh, quay phim đến xử lý ảnh.

Các bạn đều đã ra nghề, có tiệm riêng nhưng vẫn liên lạc, hỗ trợ nhau khi cần. "Tôi từng sống lang thang, hiểu cái khổ của nghèo khó, giờ công việc ổn định rồi, giúp được ai thì giúp. Phần lớn các bạn đến học đều nghèo khổ như tôi ngày trước. Có bạn do người quen gửi đến, cũng có bạn đọc tin qua báo đài biết nên tự tìm đến, vì vậy giúp được gì tôi luôn sẵn sàng" - Thống bộc bạch.

Nguyễn Trường Hận - học viên đang được Thống đào tạo - kể anh Thống dễ tính và rất nhiệt tình với học trò, không bao giờ giấu nghề.

"Dù ảnh chỉ biết mình qua giới thiệu của một người quen nhưng sẵn sàng nhận vào, không lấy phí mà còn nuôi ăn ở luôn. Ngoài việc dạy xử lý ảnh trên máy tính, anh Thống luôn cho mình theo mỗi khi đi chụp ảnh ngoại cảnh để chỉ mình công việc thực tế. Vợ chồng ảnh còn kêu học xong muốn về quê thì về, không thì ở lại Sài Gòn làm luôn với ảnh" - Hận cho biết.

'Công dân trẻ' của thành phố nghĩa tình - Kỳ 1: Tiến sĩ chân đất của bà con nuôi tôm

TTO - Từ sáng kiến của Thành đoàn TP.HCM, danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' được bình chọn và tuyên dương mỗi năm.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên