Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Phạm Thế Anh, trưởng khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, đưa ra quan điểm về việc sử dụng thuế quan làm công cụ trên bàn đàm phán của chính quyền Trump.
Nhắm đến lợi ích sát sườn
* Theo ông, khi nhìn nhận về quyết định áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump chỉ sau 10 ngày nhậm chức và rồi lại ngừng áp thuế (với Mexico và Canada) ngay trước khi chính sách có hiệu lực, chúng ta cần chú ý điều gì?
- Việc sử dụng công cụ thuế quan, hay có thể gọi là chiến tranh thương mại qua công cụ thuế quan, không bên nào có lợi.
Thương mại quốc tế phát triển nhờ chuyên môn hóa, giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và mang lợi ích cho tất cả các bên. Chính quyền Trump hiểu rất rõ điều này.
Tôi không thấy bất ngờ khi chính quyền Trump hoãn áp thuế 25% với Canada và Mexico thêm một tháng. Áp thuế chỉ được thực hiện khi các bên không tìm được tiếng nói chung khi đàm phán.
Ông Trump luôn hành động vì lợi ích nước Mỹ. Bề ngoài có thể ông dùng nhiều thủ thuật, chiêu trò khác nhau nhưng vẫn phải bảo vệ lợi ích của quốc gia.
Động tác ở đây có thể tạm xem là "giơ cao đánh khẽ", tức là một mặt rất hiếu chiến trong thuế quan, nhưng mặt khác cũng hiểu rằng việc áp thuế quan chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể đòi được lợi ích cho nước Mỹ.
* Lệnh áp thuế mới có điều khoản ngừng miễn thuế đối với các lô hàng giá trị dưới 800 USD, vốn được cho là lỗ hổng giúp cho buôn lậu fentanyl và các tiền chất vào Mỹ mang ý nghĩa như thế nào?
- Chính quyền Trump sẽ nhắm vào những loại hàng hóa mà đối tác thương mại của mình đang phụ thuộc nhiều vào và nước Mỹ tạm thời có thể thay thế được một phần. Chiến lược này giúp họ có thể tạo áp lực đàm phán.
Khi dùng công cụ thuế quan, ông Trump sẽ đưa ra các biện pháp để đối tác thương mại phải nhượng bộ. Nhắm vào các bên mà có thể đổi chác lại lợi ích cho nước Mỹ, đó là chiến thuật của chính quyền Trump.
Đối với Mexico và Canada, yếu tố an ninh biên giới, nhập cư và buôn lậu fentanyl cũng là những vấn đề đều đáp ứng được để đổi chác cho các điều chỉnh về thuế quan.
Trong khi đó, những quốc gia khác, dù có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, chưa phải đối tượng bị nhắm đến ngay lập tức, do quy mô chưa đủ lớn để đổi chác.
* Thuế quan là "vũ khí" ưa thích của ông Trump để đưa các ngành công nghiệp trở lại Mỹ và đạt một số mục tiêu khác. Liệu bất kỳ quốc gia nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bất kể là đồng minh hay đối thủ, đều có thể bị gọi tên trong danh sách những quốc gia bị áp thuế?
- Theo đánh giá của tôi, chính quyền Trump sẽ nhắm đến những quốc gia có thể đổi chác lợi ích với nước Mỹ. Các quốc gia chưa có lợi ích gì hoặc lợi ích rất nhỏ thì sẽ chưa bị "sờ tới".
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là đối tác có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, đứng thứ ba trong tổng số đối tác. Tuy nhiên, quy mô kinh tế Việt Nam khá nhỏ, nghĩa là thâm hụt lớn nhưng trong quy mô nhỏ.
Chỉ có vài mặt hàng giá trị lớn mà Việt Nam có thể mua từ nước Mỹ như khí hóa lỏng, máy bay... nên khả năng đổi chác lợi ích về thương mại cũng hạn chế.
Mexico, Canada hay Trung Quốc có giá trị giao dịch thương mại đối với Mỹ rất lớn. Đó là lợi ích sát sườn có thể trao đổi.
Trong khi đó, lợi ích thương mại với Việt Nam nhỏ và gián tiếp nên có thể chưa bị nhắm đến. EU cũng chưa phải là đối tượng sát sườn ngay.
Tôi cho rằng chính sách của chính quyền Trump là nhắm tới những quốc gia cận kề và có thể hiện thực hóa việc đổi chác ngay để từ đó làm cơ sở cảnh báo những nước khác.
Khi "nắn gân" được những nước đồng minh thân cận có quy mô lớn như Canada, Mexico thì việc đàm phán với các đối tác khác có thể dễ dàng hơn.
Ba việc quan trọng
* Sáng 5-2, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu có giải pháp để phản ứng nhanh, giữ nhịp tăng trưởng trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới. Theo ông, có những giải pháp gì để tránh bị "ăn đòn oan"?
- Có ba giải pháp quan trọng.
Một là tập trung vào sản xuất, cung cấp những loại hàng hóa thiết yếu mà nước Mỹ không có lợi thế hoặc có thể sản xuất nhưng cả chi phí và giá trị không cạnh tranh bằng hàng Việt Nam. Ví dụ như ngành hàng dệt may da giày.
Trong khi đó, những sản phẩm như phụ tùng ô tô, sữa hay sản phẩm nông nghiệp nói chung thì Mỹ cũng nhiều.
Nhìn lại vấn đề vừa qua, chính quyền Trump dùng chiêu bài thuế quan đe dọa Mexico và Canada thì đều áp thuế với các ngành hàng mà Mỹ có thể tự cung ứng phần nào.
Hai là minh bạch xuất xứ hàng hoá. Việt Nam cần xây dựng hệ thống giám sát quy chuẩn xuất xứ hàng hóa thật minh bạch, không được nhập nhèm.
Không được để xảy ra chuyện mượn xuất xứ Việt Nam rồi xuất sang các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Đó là vấn đề nguy hiểm phải có biện pháp phòng ngừa.
Thứ ba là đa dạng thị trường.
* Ông nhận định những ngành nào có rủi ro cao liên quan đến thuế quan dưới chính quyền Trump?
- Máy móc, thiết bị phụ tùng của Việt Nam xuất vào Mỹ khá lớn, đặc biệt tăng cao một cách đột biến khi thương chiến lần đầu xảy ra từ năm 2018.
Ngoài ra, cần chú ý các hàng dệt may da giày, ngành xuất khẩu chủ lực. Các ngành này đang phải nhập nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.
Nếu chỉ gia công rồi xuất khẩu, ngành này sẽ gặp rủi ro cao, vì thuế quan có thể áp dụng đối với các nguyên liệu nhập khẩu.
* Đông Nam Á có 10 quốc gia, được xem là khu vực có cơ hội lớn trong thu hút đầu tư trước rủi ro thương chiến. Điều gì có thể giúp Việt Nam hấp dẫn hơn các quốc gia còn lại?
- Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng được hưởng những lợi thế nhất định. Nhưng cần cẩn trọng và tỉnh táo.
Việt Nam được xem là một trong những nước có rủi ro chịu thuế quan cao vì thâm hụt thương mại với Mỹ khá lớn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia bị xem xét kỹ về xuất xứ sản phẩm. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, vì nếu bị áp thuế, họ có thể chịu rủi ro lớn.
Họ cũng sẽ rất cân nhắc chọn địa điểm dừng chân, không chỉ riêng Việt Nam mà còn có thể Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ hay Indonesia và các nước Nam Á như Bangladesh, Ấn Độ.
Việt Nam hoàn toàn có thể đón được cơ hội nếu vấn đề minh bạch xuất xứ hàng hóa được thực hiện rõ ràng hơn nữa và cần có những trao đổi lợi ích nhất định với Mỹ, góp phần giảm thiểu rủi ro xuống thấp nhất có thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận