14/06/2020 14:12 GMT+7

'Cõng' cơm nuôi em trên đỉnh Ngọc Linh

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Những đứa trẻ vùng rẻo cao Quảng Nam không còn nghỉ học vì đói.

Cõng cơm nuôi em trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 1.

Chị Trân trong một chuyến đi khảo sát các điểm trường - Ảnh: BẢO NGUYÊN

Phần cơm đơn giản nhưng sự mong ngóng của các em khiến chúng tôi xúc động vô cùng. Với các em, như thế đã là quá hạnh phúc, còn chúng tôi nhìn các em ăn ngon thì cũng ấm lòng.

Chị Phạm Hoài Trân

Đường đến với cái chữ đã bớt nhọc nhằn.

Dự án ý nghĩa vì quê hương

Phần cơm với giá 8.500 đồng được chị Phạm Hoài Trân (30 tuổi) và các cộng sự của mình đưa đến miền núi xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam từ tháng 9-2019 đến nay.

Chị tâm sự dự án "Nuôi em" ở miền núi Quảng Nam là công sức của cả nhóm, cùng sự chung tay của các nhà hảo tâm. Nhưng mấy ai biết để có những phần cơm no đến với trẻ em nơi đây, chị đã từng nhận làm dự án với suy nghĩ "nếu không tìm được người hỗ trợ, mình sẽ bỏ tiền dành dụm nuôi em".

Cơ duyên từ việc chị Trân biết đến dự án "Nuôi em" do anh Hoàng Hoa Trung khởi xướng ở vùng núi phía Bắc, với hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, giúp giảm tỉ lệ nghỉ học của trẻ vùng cao từ 80% xuống 5%.

Sinh sống tại Đà Nẵng nhưng chị vẫn luôn đau đáu về hình ảnh những đứa trẻ miền núi quê nhà Quảng Nam chân trần, bụng đói đến lớp.

Chính điều ấy thôi thúc chị quyết tâm thực hiện dự án. Việc khó nhất là tạo lòng tin để kêu gọi các nhà hảo tâm nhận hỗ trợ. "Quyết là làm, mình còn mấy trăm triệu đồng dành dụm, nếu chưa ai nuôi thì mình sẽ nuôi các em năm đầu" - chị Trân nhớ lại.

Tháng 8-2019, chị Trân chủ động liên hệ với anh Hoàng Hoa Trung để nhờ hỗ trợ kinh nghiệm vận hành dự án. Rất nhanh chóng, chị lập nhóm tình nguyện viên triển khai ngay đầu năm học 2019.

Từ chuyến đi thực địa, chị Trân và các tình nguyện viên thu thập và thiết kế những biểu mẫu rút gọn gồm tên, ảnh và thông tin liên hệ của mỗi trẻ các lớp 1-2 ở những điểm trường khó khăn nhất gọi là "em nuôi".

Nhiệm vụ của nhóm là kết nối các hoàn cảnh này với nhà hảo tâm, được gọi là "anh chị nuôi" thông qua mạng xã hội. Mỗi anh chị nuôi sẽ nhận giúp ít nhất một em nhỏ suốt chín tháng đi học, với số tiền 850.000 đồng/năm. Lời kêu gọi chân thành, nhanh chóng nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của nhiều người.

Không để trẻ nghỉ học vì đói

Dự án được triển khai thí điểm tại điểm trường Tắc Lũ rồi mở rộng ra nhiều điểm trường của huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Từ ngày dự án "Nuôi em" đến các điểm trường vùng cao Quảng Nam, sau mỗi tiết dạy các thầy cô lại hối hả đỏ lửa, bắc bếp để kịp nấu bữa trưa cho trò. Có những điểm trường phụ huynh còn tình nguyện phân công nhau dành thời gian nghỉ trưa sau buổi rẫy về nấu cơm cho trẻ.

Mỗi phần cơm của các em hôm có cá, hôm có thịt, chả..., trẻ nhỏ hớn hở ra mặt. Hiện dự án triển khai tại 21 điểm trường huyện miền núi Nam Trà My với hơn 580 học sinh được nuôi cơm.

Các giáo viên cắm bản ở đây cho biết học sinh có hai ngày/tuần đi học hai buổi, nhưng vì nhà các em ở quá xa trường, nhiều em phải đi bộ vượt mấy ngọn đồi để về ăn trưa rồi chiều đến lớp học. Học sinh lớp 1-2 còn nhỏ, vừa mệt, vừa đói nên các em thường nghỉ học buổi chiều.

Nay những hôm học cả ngày, các em được ăn tại trường với bữa trưa đủ chất. "Chưa bao giờ các con vui như vậy. Mỗi giờ cơm là ngoan ngoãn phụ cô lấy tô, muỗng bày ra bàn, ngồi ngay ngắn... Tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng dự án để ngày càng có nhiều học sinh vùng núi không vì đói mà phải nghỉ học" - chị Trân bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1+2, điểm trường ở thôn 2, nóc Ông Hành, xã Trà Dơn, kể lại thời điểm trước, cứ đến giờ học là cô xách xe chạy vào từng nhà vận động trò đến lớp. Vì đói và mệt nên nhiều em chấp nhận theo gia đình vào rẫy hoặc ở nhà giữ em. Có em đến lớp mang theo vắt cơm trắng, cầm củ khoai ăn qua buổi trưa, khi giờ học chiều lại không tiếp thu bài được vì đói .

Từ khi có cơm ăn, tinh thần học sinh tốt hơn nhiều, "mê" đến lớp. "Điểm mình có 18 em. Ở trường quy định học tám buổi/tuần nhưng thấy học sinh yếu quá nên mình tự nguyện dạy chín buổi, trong đó có bốn ngày học cả ngày.

Chị Trân linh động xin thêm cho các em ăn hai buổi nữa so với các nóc khác chỉ hai buổi. Mình mừng lắm, phụ huynh cũng phấn khởi, vui nhất là các em" - cô Hà chia sẻ.

Cô Hà bảo chương trình rất ý nghĩa, những buổi cơm đã "níu" chân học trò, các em đi học đều hơn, chất lượng học sẽ đảm bảo hơn.

Ông Hồ Văn Hiên, người dân xã Trà Dơn, có tám đứa con đều đang tuổi đi học từ mẫu giáo đến cấp II. Ba mẹ không rõ tiếng Kinh, gia đình lại không thuộc hộ nghèo. Các con ông thường phải nghỉ học ở nhà bứt đót, giữ em.

Nay con đi học có cơm ăn, chiều cô giáo tắm rửa giúp nên mọi việc đỡ vất vả hơn. Ông bảo xã hội quan tâm vậy nên bản thân cũng muốn cho con đến lớp kiếm cái chữ, chỉ khi no bụng mới tính chuyện học hành được.

Không chỉ ở xã Trà Dơn, các điểm trường TakRang, Long Cheng, TuNak xã Trà Cang... tỉ lệ học sinh nghỉ học buổi chiều cũng giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Trần Vỹ - cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, dù mới triển khai được vài tháng nhưng dự án "Nuôi em" đã giúp con số học sinh nghỉ học giảm hẳn. Không chỉ nuôi cơm, nhóm thiện nguyện của chị Trân còn kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ bình lọc nước sạch, tủ sách cho trẻ tiểu học, đồ chơi cho trẻ mầm non...

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh

TTO - Ngày cuối năm, những ngôi làng cao chót vót nằm trên đỉnh Ngọc Linh mưa nhầy nhụa trong bùn đặc. Thế nhưng, những người thợ điện vẫn dầm mình trong mưa rét cần mẫn kéo từng mét dây để kịp đưa điện về chiếu sáng phục vụ tết cho người

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên