Những kỳ vọng từ các mùa festival trước đã đạt được, nhưng khoảng trống "hậu festival" vẫn là một thách thức cho Huế.
Phóng to |
Chương trình Đêm phương Đông (trình diễn thời trang các nước Á Đông) là một trong hai chương trình nghệ thuật (cùng với Chút thiên thu còn lại) thu hút nhiều khán giả nhất Festival Huế 2012 - Ảnh: Nguyên Linh |
Sau những đêm ngập tràn với bữa "tiệc buffet nghệ thuật" với hàng chục món ngon, mới, lạ ở Ðại Nội và cung An Ðịnh, chúng tôi bước ra phố đi bộ bên bờ sông Hương và bị cuốn hút ngay vào không khí lễ hội sôi động tràn trề sức sống. Ở đó có ban nhạc đường phố của những sinh viên, giáo chức Huế chơi tự do tùy hứng; có sân chơi của các nhà thơ; có những họa sĩ vẽ tranh chân dung và hóa trang làm nhân tượng cho công chúng ngắm nhìn thỏa thích; có những người thợ thủ công miệt mài gấp hình châu chấu, cào cào bằng lá dừa bán cho du khách...
Không để ai đứng ngoài cuộc
Không sản xuất băng đĩa, bỏ qua một cơ hội quảng bá Thiên hạ thái bình là chương trình đầu tư công phu, được xem là lễ hội chính, nhưng chỉ diễn ra một lần rất lãng phí nếu không quay phim để sản xuất đĩa. Tương tự như thế, nhiều chương trình hấp dẫn khác mà bản quyền thuộc về ban tổ chức (như Thao diễn thủy binh triều Nguyễn, Hành trình mở cõi hồi Festival Huế 2010), nhưng vẫn không sản xuất băng đĩa. Mất đi một khoản thu không nhỏ, người xem không thể tiếp cận Festival Huế qua băng đĩa, và bỏ qua một cơ hội quảng bá hình ảnh Huế. Trong khi đó lễ tế Giao vẫn tiếp tục tình trạng "thật giả lẫn lộn", không rõ mục đích, hầu như chẳng có khách nào đến xem, vì vậy đây là một chương trình lãng phí. |
"Tính cộng đồng là điểm nổi bật nhất của kỳ festival này" - ông Nguyễn Duy Hiền - phó thường trực ban tổ chức Festival Huế 2012, nhấn mạnh điều đó khi trả lời báo Tuổi Trẻ vào ngày cuối cùng của lễ hội. Theo ông Hiền, đến lúc này mới có thể nói rằng Festival Huế đã thật sự là sân chơi của mọi người. Sự có mặt của nghệ sĩ cả năm châu lục và mọi miền đất nước khiến hầu hết nghệ sĩ cũng như giới hoạt động văn hóa ở Huế không thể đứng ngoài cuộc chơi. Tiếp đó là doanh nhân, doanh nghiệp và đông nhất là dân chúng đủ mọi lứa tuổi, đều đem sản phẩm của mình tham gia lễ hội.
Ðêm nào ở Ðại Nội và cung An Ðịnh cũng đông nghịt khách, và khán giả Huế đã chiếm số đông hơn nhiều so với các kỳ festival trước. "Ðêm nào vợ chồng tôi cũng tranh thủ đi xem cho đủ các chương trình - ông Nguyễn Văn Hoa, giảng viên khoa sử Trường ÐH Sư phạm Huế, kể - Toàn của ngon vật lạ của thiên hạ mang đến, không nếm thử thì uổng lắm".
Cùng chính sự nhập cuộc của cả cộng đồng, nên chi phí cho Festival Huế 2012 không vượt hơn Festival Huế 2010, trong khi nguồn tài trợ thì tăng gấp đôi (gần 20 tỉ đồng). Gần 60 hoạt động hưởng ứng của cộng đồng đều sử dụng tiền túi của cá nhân và doanh nghiệp. Ðó là dấu hiệu cho thấy Festival Huế đang đi dần đến cái đích xã hội hóa, ban tổ chức chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ dùng tiền ngân sách cho chương trình chính, còn lại giao hết cho người dân làm festival bằng tiền của họ. Và đó mới chính là lễ hội.
Dấu hiệu đáng mừng
Với gần 1.200 nghệ sĩ chuyên nghiệp của 65 đoàn nghệ thuật, đến từ năm châu lục và khắp mọi miền Việt Nam, Festival Huế 2012 đã thật sự hội tụ văn hóa bốn phương, một "đại tiệc" đầy ắp "của ngon, vật lạ". Vấn đề còn lại là Huế đã bán "bữa tiệc" ấy như thế nào để người dân thật sự thấy rằng đây là một cơ hội làm ăn, chứ không phải là một cuộc vui xa xỉ?
Câu trả lời là của cả tỉnh Thừa Thiên - Huế, cụ thể hơn là của nhiều ngành kinh tế; trong đó ngành du lịch phải giữ trọng trách trong việc "gặt hái" những vụ mùa mà Festival Huế đã gieo hạt. Ông Phan Tiến Dũng - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, cho hay trong tám ngày (từ ngày 6 đến hết 13-4) đã có 161.981 lượt khách đến Huế, trong đó 74.813 khách nước ngoài đến từ 104 quốc gia trên thế giới, gấp gần ba lần so với festival 2010. Hơn 7.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ trong những ngày festival đạt 80%. Lượng khách trong những ngày đầu rất đông, có giảm vào những ngày giữa và về cuối thì tăng trở lại, là một dấu hiệu đáng mừng của Festival Huế trong việc thu hút khách.
Ông Dũng cho rằng Festival Huế đã chứng tỏ là một địa chỉ giao lưu mang tầm quốc tế và có đẳng cấp cao trong khu vực. Du lịch Huế qua đó đã được quảng bá thương hiệu một cách đầy ấn tượng. Ngoài nguồn thu từ dịch vụ, khách sạn, Festival Huế còn mang lại nguồn thu cho nhiều người dân thông qua kinh doanh buôn bán.
Khoảng trống "hậu festival"
Quả là những con số rất vui, tuy nhiên, như mọi lần, festival hạ màn thì Huế lại trở về với bình lặng. Khoảng trống giữa hai kỳ festival khiến người Huế lẫn du khách sốt ruột. Trả lời về mối lo này, ông Phan Tiến Dũng cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động kế thừa những gì festival mang lại; ngay trước mắt là các lễ hội ở biển Thuận An, Lăng Cô, phá Tam Giang, lễ hội hoa đăng trên sông Hương, mở thêm các tour hội nghị, hội thảo kéo dài đến hết năm 2012. Tỉnh cũng đang tính đến việc duy trì các sản phẩm du lịch như "Chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, "Hương xưa làng cổ" ở làng Phước Tích, làng hoa giấy Thanh Tiên. Chương trình Ðêm hoàng cung ở Hoàng thành cũng được tính toán để tổ chức định kỳ phục vụ khách tham quan vào ban đêm...
Sau festival, Huế vẫn còn Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ 2012. Những hoạt động mà ông Dũng nêu là thuộc khuôn khổ của sự kiện này. Vậy thì du lịch Huế sẽ như thế nào trong năm 2013, khi không còn "năm du lịch" mà Festival Huế cũng chưa đến hẹn để lại lên?
Tính nhân văn của festival Festival Huế tiếp tục về làng và lần này người dân quê ở Phú Vang, Phú Lộc hay tận miền núi Nam Đông, A Lưới đã nếm được “món ngon” của lễ hội. Nếu không có Festival Huế thì người dân ở Phú Lộc thật khó mà xem được những màn trình diễn của nghệ sĩ Max Vandervorst - “quái kiệt” của nước Bỉ. Người dân quê ở Phú Đa (huyện Phú Vang) không ngờ có ngày mình được xem tận mắt các nghệ sĩ múa của đoàn Raduga đến từ Nga. Một nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp ở Pháp - Francois Audrain - đã dành riêng một chương trình cho học sinh vạn đò ở Trường tiểu học Kim Long. Lần đầu tiên, Festival Huế cũng đã đến với những người ốm đau ở bệnh viện và dành ba suất diễn cho công nhân vệ sinh, công trình đô thị và công an - những người đã đổ mồ hôi phục vụ lễ hội từ bao năm nay. Ông Hiền nói tính nhân văn của một lễ hội, đó là điều mà ban tổ chức thật sự tâm đắc và lần này đã làm được. |
MINH TỰ - THÁI LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận