Anh thấy nếu đẩy văn bản qua lại thì không biết bao giờ dự án được triển khai. Trong khi nếu dự án được triển khai sớm thì địa phương, người dân, doanh nghiệp đều được lợi.
Cho nên anh đã chủ động tổ chức họp các sở, ngành và lấy ý kiến tại cuộc họp, làm cơ sở pháp lý để tiến hành các công việc tiếp theo.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự năng động của một công chức mà tôi biết chứ không phải là cách làm phổ biến. Bây giờ, chuyện công chức "chuyền bóng" đã không còn là chuyện hiếm hoi.
Chuyện cơ quan thụ lý hồ sơ và đủ thẩm quyền để quyết định nhưng lãnh đạo cơ quan vẫn phát hành nhiều văn bản, hỏi ý kiến các ban ngành đáng buồn đang trở thành điều rất bình thường.
Cho nên thay vì hồ sơ đó được giải quyết nhanh trong vòng 1-2 tuần thì kéo dài ra vài tháng. Chưa kể một số sở, ngành cho rằng họ không liên quan và không phát hành văn bản trả lời thì coi như bế tắc. Người chịu thiệt thòi nhất là doanh nghiệp. Muốn xong việc, doanh nghiệp lại chạy đôn chạy đáo để có đủ văn bản trả lời, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Hiện nay nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng, một vấn đề có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Cho nên doanh nghiệp thường xuyên phải gửi văn bản hỏi ý kiến hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước. Tùy vào góc nhìn của công chức thụ lý sẽ có nhiều cách trả lời. Và để "bảo vệ" mình, công chức sẽ trả lời theo cách an toàn cho họ nhất. Còn doanh nghiệp có triển khai được tiếp theo sau công văn đó hay không là chuyện của người khác!
Có lần tôi hỏi một vị lãnh đạo về thực trạng này. Câu trả lời là: "Anh thông cảm, chuyên viên tham mưu ký nháy vẫn chịu trách nhiệm và vẫn bị vô tù nếu tham mưu sai. Cho nên anh em luôn "thủ thế" cho mình". Ở đây tùy vào năng lực, trách nhiệm và tâm huyết của lãnh đạo - người ký chính của văn bản, họ sẽ sửa lại văn bản đó theo hướng mở hay chấp nhận nó. Và nếu lãnh đạo cũng "thủ" luôn thì doanh nghiệp sẽ không biết đường triển khai tiếp.
Khi tâm tình với một lãnh đạo, tôi nói: Theo góc nhìn của tôi, khó khăn lớn nhất của nền hành chính hiện nay là thái độ và tinh thần làm việc của nhiều công chức, viên chức. Tâm lý sợ trách nhiệm, không làm không sai, "chuyền bóng"... đang là thực trạng chung đáng buồn.
Thật ra tôi hiểu, cảm thông vì bạn bè, anh em của tôi hiện đang là công chức khá nhiều. Tôi thấy đa số họ đều muốn đóng góp cho cái chung và nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên vì khối lượng công việc nhiều nên ký không ít và không chắc 100% chữ ký của mình là đúng; hoặc khi có vụ việc xảy ra, cái đúng và cái sai vẫn còn có thể bị mập mờ trong tình trạng rừng quy định chưa rõ ràng, được hiểu theo nhiều cách khác nhau, điều đó làm không ít công chức phải "thủ thế".
Cho nên để giải quyết triệt để vấn nạn "chuyền bóng" hoặc ban hành những văn bản làm khó doanh nghiệp, theo tôi, cần làm những việc sau:
- Nhà nước chỉ nên làm các công việc/dịch vụ mà tư nhân không làm được. Đẩy mạnh số hóa trong quản lý nhà nước. Mô hình cho "công chứng tư nhân" đang phát huy hiệu quả cho thấy còn rất nhiều dịch vụ công có thể giao cho tư nhân làm với những điều kiện ràng buộc hợp lý. Điều này giúp giảm tải và giảm số lượng công chức.
- Tiếp tục rà soát để tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Trả thu nhập xứng đáng cho công chức, viên chức.
- Triển khai đánh giá công chức dựa trên kết quả làm việc và nội dung các văn bản phát hành. Tiến hành lấy ý kiến của các bên có liên quan về các chính sách, văn bản do đơn vị phát hành và có giải trình khi gặp sự phản đối, không hài lòng.
Có biện pháp kỷ luật những cá nhân có liên quan đến việc đưa ra/phát hành những chủ trương, chính sách, văn bản làm khó cho doanh nghiệp, người dân.
- Ban hành văn bản pháp lý bảo vệ những công chức dám nghĩ, dám làm nhưng có sơ sót trong khi xử lý công việc.
Việc công chức "chuyền bóng" hoặc đưa ra những văn bản làm khó doanh nghiệp đang làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội. Tuy nhiên để khắc phục được rất cần sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng sự ủng hộ và giám sát của toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận