Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sáng 13-9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã tống đạt, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Lê Vũ Nam (công chức hải quan thuộc đội văn phòng, Chi cục Hải quan khu vực II, Cục Hải quan TP.HCM) để điều tra hành vi buôn lậu.
Ông Nam được xác định liên quan vụ "hô biến" 213 container hàng tạm nhập tái xuất.
Trước đó, ông Nam là công chức hải quan làm việc tại đội quản lý hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - cảng Cát Lái, được điều chuyển về một đơn vị khác nữa trước khi điều chuyển về Hải quan khu vực II - cảng Khánh Hội và bị bắt.
Điều đáng nói là ông Nam được xác định đã bị điều chuyển khỏi bộ phận có trách nhiệm làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hàng tạm nhập tái xuất trong khoảng thời gian vụ việc "hô biến" 213 container hàng xảy ra vào khoảng năm 2015.
Vì vậy, việc ông Nam bị bắt đặt ra nhiều câu hỏi về việc ông là người trực tiếp xử lý các thủ tục liên quan tới lô hàng này hay là người đứng sau… giật dây.
Đây là công chức hải quan thứ ba của Cục Hải quan TP.HCM bị bắt tạm giam do có liên quan tới việc thực hiện các thủ tục, quản lý, giám sát lô 213 container hàng tạm nhập tái xuất nhưng sau đó không tái xuất mà "biến mất" trên thị trường Việt Nam.
Trước đó, hai công chức hải quan đã bị khởi tố là Nguyễn Văn lâm (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) và Trần Thanh Tùng (công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - trước đó ông Tùng làm việc tại đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1).
Theo Tổng cục Hải quan, các công chức này đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành hải quan, tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Các cán bộ này biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý theo quy định của Tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng cục Hải quan khẳng định một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ (cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hóa, truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...).
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn tiếp tục làm việc với nhiều cán bộ, công chức hải quan khác có liên quan tới 213 container hàng bị "hô biến" tại Việt Nam để mở rộng điều tra vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận