Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đội chiếc nón lá được các em học sinh Trường Thực nghiệm (Hà Nội) gửi tặng hôm 6-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Công chúa nhỏ ngày ấy là Victoria đang có chuyến thăm Việt Nam trong nỗ lực vun đắp quan hệ Việt Nam - Thụy Điển.
Ít gây sự chú ý như hoàng gia Anh, nhưng hoàng gia Thụy Điển dưới thời vua Carl XVI Gustaf đã làm một việc khiến các vương triều hiện đại ở châu Âu noi gương và tạo ra cuộc tranh luận ở nhiều nơi khác: chọn con đầu lòng kế vị, bất kể giới tính.
Thay đổi đạo luật trăm năm
Đạo luật kế vị năm 1810 (Successionsordningen) cùng với ba đạo luật khác được xem là những đạo luật cơ bản tạo nên hiến pháp Thụy Điển. Trong hơn 100 năm sau khi đạo luật kế vị được thông qua, nó đã được sửa đổi và bổ sung nhiều lần song vẫn mặc định trao quyền thừa kế vương vị cho các hoàng tử theo thứ tự.
Vua Carl XVI Gustaf, người đăng cơ vào năm 1973, vẫn tiếp tục truyền thống này. Nhưng hoàng tử Carl Philip, con trai trưởng của nhà vua và là em ruột của công chúa Victoria, chỉ được mặc nhiên là người kế vị được 8 tháng tính từ lúc sinh ra.
Một cuộc cải tổ hiến pháp Thụy Điển đã diễn ra năm 1979 dẫn đến việc thay đổi cả đạo luật kế vị hoàng gia. Theo đó, nguyên tắc kế vị sẽ được chuyển từ Agnatic primogeniture - tức lập trưởng nam làm thái tử, sang Absolute primogeniture - lập con đầu lòng làm người kế vị, bất kể giới tính.
Ngay sau khi đạo luật sửa đổi có hiệu lực vào tháng 1-1980, công chúa Victoria - con đầu lòng của vua Carl XVI Gustaf - được suy tôn trở thành người kế vị của nhà Bernadotte. Đây là điều chưa từng có tiền lệ với các vương triều hiện đại trên thế giới và nếu công chúa kế vị Victoria chính thức nhận vương vị trong tương lai như người ta kỳ vọng, bà sẽ trở thành nữ hoàng thứ tư của Thụy Điển và là nữ hoàng đầu tiên của nước này kể từ năm 1720.
Việc thay đổi quyền thừa kế vương vị từ em trai sang chị gái dường như không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa công chúa và hoàng tử, những người chỉ vừa lên ba và một tuổi khi đó, theo nhận định của giới quan sát.
Kết hôn với thường dân
Tháng 2-2009, công chúa kế vị Victoria thông báo đã đính hôn với Daniel Westling, một huấn luyện viên thể dục. Hôn lễ được tổ chức vào tháng 6-2010. Sau lễ thành hôn, ông Daniel Westling được trao tước vị công tước xứ Västergötland. Hai người có hai con, một công chúa và một hoàng tử.
Người kế vị giản dị
Có lẽ vì là người thừa kế vương vị nên công chúa Victoria luôn bị chú ý chuyện tình cảm. Điều này dường như làm lu mờ các hoạt động và những thành tích đáng nể khác của công chúa.
Ít ai biết công chúa Victoria từng tham gia quân đội một thời gian ngắn vào năm 2003 và tham gia làm việc tại Liên Hiệp Quốc một năm trước đó. Cô còn tham gia các khóa học, làm nghiên cứu về các nỗ lực xây dựng và thúc đẩy hòa bình thế giới.
Quỹ vì trẻ em và người khuyết tật mang tên công chúa Victoria được thành lập từ năm 1997 đã hỗ trợ tài chính cho nhiều tổ chức với các nguồn tiền từ những doanh nghiệp và các hoạt động gây quỹ như "tuần lễ bánh ngọt công chúa" được tổ chức hằng năm.
Năm 2017, người ta bắt gặp cảnh công chúa Victoria đi thăm một nhà máy xử lý nước thải ở Stockholm trong trang phục bảo hộ công nhân rồi ghé một hồ nước gần nhà, tự tay múc lấy nước đổ vào một thùng nhựa lớn và tự vác đi. Hôm đó là Ngày nước quốc tế - một trong những vấn đề luôn được công chúa kế vị quan tâm và thúc đẩy.
Sau cuộc chuyển giao kế vị cho công chúa Victoria ở Thụy Điển, hoàng gia các nước châu Âu cũng bắt đầu noi theo tiền lệ này: Hà Lan năm 1983, Na Uy năm 1990, Bỉ năm 1991, Đan Mạch năm 2009 và Luxembourg năm 2011. Năm 2015, đến lượt hoàng gia Anh và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh quốc cũng thay đổi mặc dù nó chỉ được áp dụng đối với các hoàng tử, công chúa sinh sau tháng 10-2011.
Công chúa Victoria thăm TP.HCM hôm nay
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, công chúa kế vị Victoria đã bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 6-5. Hôm nay 8-5, công chúa kế vị Victoria có chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM, trong đó sẽ đi thuyền trên sông Sài Gòn và lắng nghe một doanh nghiệp Thụy Điển chia sẻ mô hình xử lý nước thải, trước khi có cuộc làm việc song phương với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận