23/05/2012 08:15 GMT+7

Công bố sai phạm tại Vinalines

C.MAI ghi
C.MAI ghi

TT - Ngày 22-5, thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - đã chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả điều tra ban đầu về các sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).

Lhre30Hx.jpgPhóng to

Đại tá Trần Duy Thanh trong cuộc gặp gỡ báo chí để công bố sai phạm tại Vinalines - Ảnh: Quang Thế

Tại cuộc gặp, đại tá Trần Duy Thanh - cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) - khẳng định hành vi của các bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều là cố ý làm trái với quyết định của Thủ tướng, trái Luật đấu thầu, Luật đầu tư.

Đại tá Thanh nhấn mạnh sau khi làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tham ô trong quá trình sửa chữa ụ nổi

Đại tá Trần Duy Thanh cho biết từ tháng 1-2012, cơ quan điều tra đã tổ chức làm rõ dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện sửa chữa ụ nổi No83M.

Theo đó, xác định ông Trần Hải Sơn (tổng giám đốc), ông Trần Văn Quang (trưởng phòng kế hoạch) cùng một số cán bộ liên quan thuộc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thông đồng với Trần Bá Hùng (cán bộ Hyundai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (giám đốc Công ty Nguyên Ân, Nha Trang) sử dụng pháp nhân của Công ty Nguyên Ân thực hiện hành vi lập hai bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi, đồng thời nâng giá 10.000 đồng/kg thép hàn vào hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Vinalines.

Trong vụ này, các cán bộ thuộc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines được chia 2,543 tỉ đồng, Trần Hải Sơn chiếm hưởng 900 triệu đồng, số còn lại Trần Văn Quang chiếm hưởng. Ngày 1-2, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố và bắt tạm giam bốn bị can trên.

Đến nay, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội và tự giác nộp lại hơn 1,2 tỉ đồng. C48 đã có quyết định trưng cầu giám định và kết luận ở hai hợp đồng trên, các bị can đã chiếm đoạt, gây thiệt hại 2,9 tỉ đồng.

Cố ý làm trái

Cùng với việc điều tra hành vi sai phạm trong vụ sửa chữa ụ nổi No83M, cơ quan cảnh sát điều tra mở rộng điều tra việc mua ụ nổi này và việc phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển. Qua đó xác định ngày 31-8-2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “đồng ý về mặt nguyên tắc cho Vinalines lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đúng các quy định hiện hành; giao Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Lúc nào thì truy nã đặc biệt?

Theo giải thích của một điều tra viên cao cấp (Công an TP.HCM), những trường hợp quyết định truy nã bị can được đóng dấu “đặc biệt” là những bị can đã thực hiện hành vi có dấu hiệu của những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, những bị can có vai trò quan trọng (chủ mưu, cầm đầu) trong vụ án hoặc là những mắt xích cực kỳ quan trọng của vụ án.

Quyết định truy nã “đặc biệt” có phạm vi truy nã trên toàn quốc: trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới tận các phường, xã, cửa khẩu, cảng, sân bay... Bởi tính chất đặc biệt quan trọng, nguy hiểm của bị can trong vụ án nên cơ quan truy nã (Cục Cảnh sát truy nã tội phạm thuộc Bộ Công an hoặc phòng cảnh sát truy nã tội phạm công an tỉnh, thành phố tùy theo thẩm quyền điều tra vụ án) sẽ tổ chức một chuyên án để truy bắt tội phạm bị truy nã. Trường hợp xác định được bị can bị truy nã đã bỏ trốn ra nước ngoài thì cơ quan điều tra mới ra quyết định truy nã quốc tế.

Khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch thì ngày 27-6-2007, ông Dương Chí Dũng (khi đó là chủ tịch HĐQT Vinalines) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt một ụ nổi. Đến ngày 17-7-2008, ông Mai Văn Phúc (tổng giám đốc) có văn bản trình và ngày 3-10-2008 ông Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chính thức, trong đó tổng mức đầu tư được nâng lên thành 6.489 tỉ đồng.

Trước đó một năm, theo đề nghị của ông Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc, trưởng ban quản lý dự án), ngày 4-10-2007 ông Mai Văn Phúc ký văn bản trình và ông Dương Chí Dũng ký quyết định ngày 8-10-2007 về việc phê duyệt mua ụ nổi 83M (thành phần không tách rời của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển). Đây là ụ nổi sản xuất năm 1965 (42 tuổi), sức nâng 25.000 tấn với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD, trong đó chi phí mua, sửa chữa tại Nga, cước vận chuyển là 12,5 triệu USD.

Tuy nhiên, sau đó Vinalines không thực hiện mua ụ nổi theo phương án trên. Ngày 14-2-2008, theo đề nghị của ông Trần Hữu Chiều, ông Mai Văn Phúc lại ký văn bản trình ông Dương Chí Dũng phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua ụ nổi. Ngày 15-2-2008, ông Dương Chí Dũng phê duyệt phương án này, dẫn đến chi phí thực tế việc mua, vận chuyển ụ nổi về Việt Nam với tổng chi phí lên đến 24,3 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay ụ nổi 83M vẫn không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định trong việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, lãnh đạo Vinalines có các sai phạm như tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch... và chưa trình Thủ tướng xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản ngày 31-8-2006. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinalines trình, phê duyệt, tổ chức mua ụ nổi 83M (hạng mục chính của nhà máy) trước thời điểm ông Dũng phê duyệt dự án nhà máy một năm. Khi ụ nổi đưa về thì chưa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao mặt bằng xây dựng nhà máy nên không có địa điểm để lắp đặt, đưa vào khai thác, dẫn đến hậu quả Vinalines phải chi 30 tỉ đồng thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) và hơn 70 tỉ đồng trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa ụ nổi 83M, gây thiệt hại 100 tỉ đồng (tính đến tháng 4-2010).

Cơ quan điều tra cũng cho rằng việc ông Trần Hữu Chiều đề nghị, ông Mai Văn Phúc trình, ông Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 và đã bị cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép, kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu là trái với quy định hiện hành.

Cục Đăng kiểm đã làm hết trách nhiệm?

Trao đổi qua điện thoại về việc có ý kiến cho rằng trong vụ Vinalines mua ụ nổi No83M có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, cụ thể là Chi cục Đăng kiểm 6 đã giám định ụ nổi này, ông Trịnh Ngọc Giao - cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - cho biết: “Theo hồ sơ và tài liệu chúng tôi đang lưu giữ, cán bộ Cục Đăng kiểm đã thực hiện đúng quy trình về giám định tình trạng kỹ thuật của ụ nổi như tính năng, chất lượng, các thông số kỹ thuật... Còn việc mua ụ nổi hay không là do chủ đầu tư quyết định, cơ quan đăng kiểm không tham gia”.

Liệu khi giám định, Cục Đăng kiểm có phát hiện ụ nổi kém chất lượng và có khuyến cáo gì với Vinalines? Ông Giao nói: “Tôi có thể khẳng định anh em đăng kiểm làm việc rất nghiêm túc và đúng quy trình giám định về kỹ thuật ụ nổi, có thông báo đầy đủ cho chủ đầu tư là Vinalines. Cục Đăng kiểm đã cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ ụ nổi No83M cho cơ quan điều tra”.

Bên cạnh ụ nổi, Cục Đăng kiểm đã tham gia giám định tất cả tàu biển cũ đã qua sử dụng quá già cỗi mà Vinalines mua từ nước ngoài, liệu trong vụ này Cục Đăng kiểm có sai phạm?

Ông Giao khẳng định: “Không chỉ có Cục Đăng kiểm VN giám định kỹ thuật tàu biển, các chủ đầu tư còn được chọn đăng kiểm nước ngoài thực hiện. Tôi cho rằng chúng tôi không có sai phạm và sẽ không có ai xử lý Cục Đăng kiểm. Tôi có thể khẳng định anh em cán bộ Cục Đăng kiểm đã giám định các tàu biển rất nghiêm túc và không tham gia việc mua bán tàu biển ở Vinalines”.

C.MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên