Nghiên cứu đăng tải ngày 26-5 trên tạp chí Science cho biết băng trên Sao Hỏa bắt đầu tan khoảng 370.000 năm trước. Phát hiện này dựa trên dữ liệu thu thập vệ tinh Reconnaissance của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã quay quanh Sao Hỏa trong 10 năm.
Thông tin mới này củng cố các phát hiện trước đó về việc thời kỳ băng đá trên Sao Hỏa kết thúc khoảng 400.000 năm trước. Nó cũng giúp tăng thêm sự hiểu biết các nhà khoa học về sự thay đổi khí hậu trên Sao Hỏa, và sự khác biệt so với trái đất.
Theo tuyên bố của NASA, Kỷ băng hà trên trái đất xảy ra khi các vùng cực và vĩ độ cao trở nên lạnh hơn mức trung bình trong hàng nghìn năm liên tiếp, khiến các sông băng mở rộng đến các vĩ độ thấp hơn.
Ngược lại, hiện tượng này trên Sao Hỏa là kết quả của hiện tượng thay đổi độ nghiêng của hành tinh này, khiến hai cực của nó trở nên ấm hơn so với các vĩ độ thấp. Kéo theo đó là sự tan băng tại hai cực Sao Hỏa và sự tích tụ của hơi nước về phía xích đạo, tạo thành băng trên mặt đất và sông băng ở các vĩ độ khoảng giữa. Giờ khi Kỷ băng hà mới nhất đã kết thúc, băng đá đang quay trở lại các cực.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Isaac Smith, thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam tại Boulder, bang Colorado (Mỹ), ghi nhận độ dày băng tối đa 320 m trên các vùng cực, khớp với dự đoán đưa ra trước đó trong năm 2003 và 2007. Điều này chứng tỏ giới khoa học đã thực sự xác định được thời kỳ băng hà gần đây nhất của Sao Hỏa. Sử dụng các phép đo này, các chuyên gia có thể tính toán khối lượng nước đang di chuyển giữa các cực và các vĩ độ, từ đó hiểu biết thêm về khí hậu Sao Hỏa.
Theo ông Smith, nghiên cứu băng trên Sao Hỏa rất quan trọng đối với tương lai thăm dò Sao Hỏa của con người vì liên quan đến nguồn nước trên hành tinh này.
NASA cho biết họ có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong tương lai, có thể từ năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận