Trước đó, tháng 10-2020, 1 gối cầu cao su đã bị rơi tại trụ P14-10, thuộc tuyến metro số 1. Ngay sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã rà soát toàn bộ gối cầu của tuyến metro số 1.
Đến nay, tổng cộng có 1 gối cầu bị rơi (chiếm 0,05%) và 9 vị trí gối cầu bị chuyển vị (chiếm 0,4%) trên tổng số 1.910 gối của tuyến metro số 1.
Việc đánh giá nguyên nhân sự việc trên được xem xét từ 3 yếu tố: thiết kế, thi công, vật liệu. Dựa vào đó, các đơn vị đã xác định nguyên nhân chính xảy ra sự việc rơi, chuyến vị gối cầu.
Cụ thể, do khe hở giữa gối cầu và đá kê gối (khi xuất hiện khe hở thì diện tích tiếp xúc giữa bề mặt gối cầu và đá kê gối giảm, dẫn đến việc ma sát cũng giảm và tăng ứng suất tại điểm tiếp xúc). Nguyên nhân thứ hai là do sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình thi công.
Sự thay đổi nhiệt độ tại khu vực thi công dẫn đến cả ray và dầm cùng giãn nỡ hoặc co lại. Đặc biệt, tại vị trí mối nối ray chưa được hàn liền gần vị trí khe co giãn của dầm thì biến dạng. Từ đó tác động làm trượt gối cầu.
Trên cơ sở đó, nhà thầu đã đề xuất các biện pháp khắc phục và phòng chống chuyển vị gối cầu. Cụ thể, lắp đặt kết cấu chống trượt tại 918 vị trí gối di động. Hệ khung thép được lắp đặt bổ sung, phòng chống sự dịch chuyển của các gối cầu di động (bao gồm giả định trong điều kiện có động đất).
Bên cạnh đó, phun keo (loại Epoxy) lấp đầy khe hở giữa gối cầu và đá kê gối (733 vị trí) đảm bảo gối cầu tiếp xúc bề mặt đầy đủ với đá kê gối.
Đến nay, các biện pháp trên đã được nhà thầu hoàn thành lắp đặt từ ngày 1-5-2023. Việc quan trắc liên tục gối cầu, đặc biệt là sau khi hoàn thành việc lắp đặt biện pháp chống trượt nêu trên và trong quá trình chạy thử tàu là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hiển - phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - khẳng định hiện nay, các gối cầu đã ổn định. Sau khi việc hàn liền ray hoàn thành, quá trình chạy thử tàu metro số 1 trong thời gian qua được diễn ra trơn tru.
Việc theo dõi các gối cầu sẽ được nhà thầu tiếp tục thực hiện cho đến giai đoạn nghiệm thu hoàn thành gói thầu (TOC), cũng như trong giai đoạn bảo hành 2 năm sau theo nghĩa vụ hợp đồng.
"Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đẩy nhanh công tác thực hiện hoàn tất tuyến metro 1. Dự kiến cuối năm 2023, tất cả các gói thầu của tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử toàn tuyến metro số 1. Từ đó, hướng đến việc khai thác thương mại", ông Hiển nói.
Khởi công xây dựng tuyến metro số 2
Đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu thi công và công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2 (chiếu sáng, cây xanh, cấp thoát nước,…) đã cơ bản hoàn tất. Các công trình hạ tầng kỹ thuật này sẽ được Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 22-6-2023.
Tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 2 gần 48.000 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài hơn 11km, bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot. Trong đó, đoạn tuyến đi ngầm dài gần 10km. Điểm đầu tại ga Bến Thành (quận 1), điểm cuối tại depot Tham Lương (quận 12).
Việc hoàn thành tuyến metro số 2 sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và cải thiện môi trường sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận