10/04/2013 17:27 GMT+7

Công bố 4 kịch bản chống cúm H7N9

L.ANH
L.ANH

TTO - Ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho rằng không chỉ H7N9, thời điểm này không nên chủ quan với tất cả các loại virút cúm.

HA4dDx5Y.jpgPhóng to
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Mậu Trường

Trưởng khoa điều trị tích cực BV Bạch Mai Nguyễn Gia Bình cho rằng bệnh nhân nhiễm H7N9 không khác nhiều so với người nhiễm chủng cúm gia cầm H5N1, cùng có biểu hiện viêm phổi diễn biến nhanh, suy hô hấp, suy phủ tạng dẫn đến tử vong.

Tại VN, Cục Y tế dự phòng vừa xác nhận một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 đại dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và một trường hợp tử vong do cúm gia cầm H5N1 tại Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho rằng không chỉ H7N9, thời điểm này không nên chủ quan với tất cả các loại virút cúm.

Ngừa lây nhiễm thế nào?

Tại cuộc họp của hội đồng chuyên môn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm H7N9 diễn ra ngày 9-4, GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho rằng virút H7N9 còn nguy hiểm hơn H5N1, do mặc dù có những đoạn gen là gen cúm gia cầm, nhưng H7N9 lại chưa được tìm thấy ở gia cầm. Ông Kính cho biết tại VN chưa có bệnh nhân bị nhiễm virút này.

Nhưng ngay từ khi Trung Quốc có những bệnh nhân cúm H7N9 đầu tiên, các ông đã liên lạc với các bác sĩ điều trị Trung Quốc và xác định được chủng cúm này có những nét tương đồng khi cùng gây viêm phổi, suy hô hấp, còn nhạy cảm với thuốc kháng virút Tamiflu.

“Viêm phổi ở bệnh nhân H7N9 diễn biến nhanh hơn H5N1. Tình trạng suy tim, phổi ở bệnh nhân cúm H7N9 không bằng bệnh nhân nhiễm H5N1, nhưng hiện tượng hoại cơ thì nhiều hơn” - ông Kính cho biết.

Biện pháp phòng ngừa cúm H7N9 đặt lên hàng đầu là phòng hộ lao động, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm. Các biện pháp tiếp theo để phòng nhiễm H7N9 sang người gồm không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định, không sử dụng, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Trường hợp có khó thở, đau ngực, sốt, ho, nhất là người từ vùng dịch, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị và chẩn đoán kịp thời.

Chống dịch triệt để nhưng phải tiết kiệm

Thứ sáu này, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho các bệnh viện phác đồ chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm H7N9 vừa được xây dựng và ban hành. Một kế hoạch phòng chống cúm H7N9 với 4 kịch bản: chưa có ca bệnh ở VN, có ca bệnh nhưng ở mức độ tản phát, dịch lây lan ra cộng đồng, dịch lây từ người sang người với 4 kế hoạch đối phó đã được công bố.

So với các vụ dịch H5N1, H1N1 đại dịch trước đó, các động thái nhằm ngăn chặn dịch đã nhanh chóng hơn đáng kể. Tuy nhiên, một quan chức phụ trách công tác phòng chống cúm H7N9 của Bộ Y tế thành thật: chống dịch triệt để, nhưng cần phải tiết kiệm. Trước mắt đã có các thiết bị chống dịch như máy đo thân nhiệt, máy thở, thuốc… từ vụ dịch H5N1, H1N1 trước đây chứ không nên mua sắm tràn lan.

Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị chống dịch H7N9 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu toàn bộ bệnh nhân cúm H7N9 ở Hà Nội (nếu có) sẽ tập trung về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, sau đó mới giãn ra các bệnh viện vệ tinh Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Bắc Thăng Long, Đức Giang của Hà Nội.

Ông Long cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát các trang thiết bị hiện có, đánh giá khả năng đáp ứng chống dịch và cho biết thời điểm này VN chưa áp dụng tờ khai sức khỏe với người nhập cảnh. Tùy theo điều kiện, Bộ Y tế sẽ quyết định áp dụng tờ khai sức khỏe tại cửa khẩu.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên