Trong 64 liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 có 26 người là cán bộ, chiến sĩ công binh hải quân của E83.
Nhưng những công trình trên các đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vẫn được đồng đội họ tiếp bước kiên cường dựng xây, củng cố phên dậu đất nước.
Nhận nhiệm vụ thiêng liêng trong đêm giao thừa
Sang năm 1988, tình hình Trường Sa căng thẳng. Hải quân Trung Quốc đã cho quân chiếm đóng trái phép một số bãi đá ngầm ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhiệm vụ công binh hải quân được cấp trên giao phó lúc bấy giờ là tăng cường lực lượng, dựng nhà, giữ đảo, bảo vệ Trường Sa. Bộ Tư lệnh hải quân tức tốc điều động những người lính công binh hải quân của trung đoàn 131 (E131) từ Quảng Ninh hành quân vào Cam Ranh.
Lịch sử E131 công binh hải quân ghi lại nội dung này khá rõ. Trước thời khắc giao thừa Tết Mậu Thìn, khuya 16-2-1988, những người lính trung đoàn 131 được lệnh trở về đơn vị gấp để nhận nhiệm vụ.
Dù là đêm giao thừa, nhiều cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị đón thời khắc năm mới cùng người thân nhưng khi nhận lệnh, họ đều có mặt đầy đủ.
Và chỉ mất vài ngày để chuẩn bị, E131 đã lên đường vào Nam trong cảnh người thân, gia đình đang đón tết. Nhiệm vụ công binh hải quân lúc này là thi công "nhà cao chân" ở đảo Đá Lớn A và Đá Lớn C. Còn đảo Đá Lớn B được giao cho công binh Vùng 4 hải quân.
Trong khi đó, E83 được giao nhiệm vụ xây dựng nhà, gia cố nhà tại một loạt đảo chìm khác ở Trường Sa gồm Đá Nam, Núi Le, Phan Vinh, Thuyền Chài.
Và ngay sau ngày 14-3-1988, khi tàu chiến Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Gạc Ma, vào các ngày 15, 16-3 những người lính công binh hải quân của E83, E131 và Vùng 4 hải quân đã lên tàu ra các đảo chìm để dựng nhà, bảo vệ lãnh thổ.
Nhớ về Tết Mậu Thìn 1988, đại tá Trần Đình Dần - nguyên trung đoàn trưởng E83, nguyên trưởng phòng công binh Bộ Tư lệnh hải quân - xúc động kể cả quân cảng tấp nập, nhộn nhịp dù là ngày Tết cổ truyền.
Tàu vận tải đậu cầu cảng, trên bến lính công binh thay nhau bốc đá, vật liệu xuống tàu. "Bộ đội làm đêm làm ngày không ngơi nghỉ.
Năm ấy chúng tôi không có Tết", đại tá Dần tâm sự rằng giữa những lúc gian khó như vậy thì phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ càng mạnh mẽ. Anh em làm việc với tinh thần rất cao.
Dù là ngày Tết nhưng anh em không cần bánh, mứt, chỉ bữa cơm lót dạ và mở nhạc cho mọi người trên bến cảng cùng nghe.
Đến giữa cuối tháng 3-1988, công binh hải quân E131 đã xây dựng xong hai nhà phía nam và chính giữa đảo Đá Lớn.
Trước đó ngày 19-3, tiểu đoàn 1 công binh của Vùng 4 hải quân đã dựng một nhà ở phía bắc đảo này. Ba căn nhà ấy tạo thành thế liên hoàn, chân vạc chặt chẽ để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc cho đến hôm nay.
Những căn nhà chốt giữ chủ quyền ở các đảo chìm khác cũng được E83 hoàn thành vào cuối tháng 3-1988, trong đó dựng thêm một nhà ở phía nam đảo Thuyền Chài.
Đến cuối tháng 4-1988, thời điểm căng thẳng nhất ở Biển Đông, những người lính công binh hải quân Việt Nam đã dựng 17 nhà, giữ được 12 đảo chìm thuộc chủ quyền của Tổ quốc.
Nhưng nhiệm vụ vẫn chưa thể hoàn thành vì còn hai đảo Cô Lin và Len Đao vẫn chưa dựng nhà.
Trong khi đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam ở gần hai đảo này đã bị Trung Quốc nổ súng chiếm đóng bất hợp pháp. Nhiệm vụ khó khăn này tiếp tục được giao cho những người lính công binh hải quân E83 anh hùng.
Mật lệnh của tư lệnh Giáp Văn Cương
Cuộc đời binh nghiệp đại tá hải quân Trần Đình Dần (sinh năm 1951, quê Nghệ An) gắn bó với công binh. Thời trai trẻ ông gắn liền và trực tiếp với nhiệm vụ xây dựng các đảo Trường Sa.
Trước sự kiện 14-3-1988 ở Trường Sa, đại tá Dần năm 1987 đã dẫn đầu đoàn ra tiền trạm và dựng các "nhà cao chân" ở đảo chìm.
Sau sự kiện này, ông lại tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ dựng "nhà cao chân" để trấn giữ chủ quyền trên đảo Cô Lin và Len Đao. Nhiệm vụ ấy là mật lệnh của tư lệnh Giáp Văn Cương.
Đại tá Trần Đình Dần kể đầu tháng 6-1988, ông được tư lệnh Giáp Văn Cương gọi lên trực tiếp bàn bạc phương án trấn giữ hai đảo sát Gạc Ma là Cô Lin và Len Đao.
"Tư lệnh yêu cầu tôi tuyệt đối phải giữ bí mật kế hoạch và nói lần này đi sẽ rất nguy hiểm, có thể hy sinh. Tôi quả quyết đáp lại rằng đó là nhiệm vụ và xin hứa với tư lệnh cán bộ, chiến sĩ trung đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ", đại tá Dần trầm ngâm nhớ lại.
Ngày 16-6-1988, Bộ Tư lệnh hải quân chính thức hạ lệnh dựng nhà trên hai đảo Cô Lin và Len Đao. Rạng sáng 21-6, đại tá Dần trực tiếp dẫn hai khung với khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ lên tàu HQ613 thẳng tiến ra Trường Sa để làm nhiệm vụ dựng nhà sắt ở Cô Lin và Len Đao.
Khung dựng nhà ở Len Đao do ông Nguyễn Văn Tuấn, đại đội trưởng đại đội 7 (E83), làm khung trưởng. Còn khung dựng nhà ở Cô Lin do phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 886 (E83) Cù Kim Tài làm khung trưởng. Ông Dần chỉ huy chung và trực tiếp có mặt chỉ huy dựng nhà ở Len Đao.
Ông nhớ lại vì phải giữ bí mật và bình tĩnh xem xét tình hình nên khi trời nhá nhem tối việc dựng nhà mới tiến hành.
Đúng 18h ngày 29-6-1988 việc dựng nhà trên đảo Len Đao bắt đầu. Và ngay trong đêm, tám cột "nhà cao chân" đã được dựng trên đảo. Cùng với đó, những rường cột, nền móng "nhà cao chân" cũng nổi lên trấn giữ đảo Cô Lin.
Quá trình dựng hai nhà trên hai đảo này, đại tá Dần (ngày ấy là trung tá) đi xuồng máy qua lại giữa hai đảo để giám sát, chỉ huy việc dựng nhà.
Và đúng như dự đoán, khoảng 11h ngày 1-7-1988, tàu chiến Trung Quốc từ Gạc Ma chạy đến Len Đao.
"Tàu chiến họ vào sát đảo Len Đao, chỉ cách đảo chừng 150m và chĩa súng vào anh em đang dựng nhà trên đảo. Tôi dặn anh em cán bộ, chiến sĩ cứ bình tĩnh mà làm, ai cầm búa cứ cầm búa, ai cầm kìm cứ cầm kìm. Anh em cứ coi như không có họ", đại tá Dần nhớ lại.
Cùng với sự bình tĩnh, thực hiện đúng "đấu pháp" của cán bộ, chiến sĩ E83 đang dựng nhà trên đảo là sự xuất hiện một tốp ba chiếc máy bay của không quân Việt Nam trên bầu trời vùng biển Trường Sa. Và sau một hồi lởn vởn, khiêu khích không được, tàu chiến Trung Quốc rời đi.
Vì nhiệm vụ cấp bách, những người lính công binh hải quân E83 làm ngày làm đêm, không ngơi nghỉ. "Chúng tôi phải làm thật nhanh, tranh thủ từng giờ, từng phút. Làm nhanh để còn đi nơi khác dựng nhà tiếp và gia cố thêm", đại tá Dần kể.
Hơn 10 ngày sau, hai nhà sắt cao chân đã hoàn thành trấn giữ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Len Đao và Cô Lin.
Nhà vừa dựng xong, hai phân đội của lữ đoàn 146 đi cùng với công binh hải quân E83 đã chờ sẵn trên tàu HQ613 vào đảo nhận nhà. Nhiệm vụ trấn giữ đảo từ đây được giao cho những người lính thực thi.
"Dựng xong nhà, bàn giao cho anh em giữ đảo, tôi vỡ òa vui sướng. Biết là gian khổ vẫn còn nhưng đảo thiêng Tổ quốc đã có người mình trấn giữ nên chúng tôi rất vui, rất mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ tư lệnh và quân chủng giao phó", đại tá Dần xúc động nhắc nhớ.
Nhà dã chiến nhưng ý nghĩa chiến lược bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Hoàng Kiền - nguyên tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên trung đoàn trưởng E83 - khẳng định việc lắp dựng hai nhà sắt cao chân thành công ở Cô Lin và Len Đao vào tháng 6-1988 là một sự kiện quan trọng trong việc đóng giữ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
"Những căn nhà cao chân này tuy là nhà dã chiến nhưng có ý nghĩa về mặt chiến lược, lịch sử trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa", ông nói.
-------------------------------
Sau khi góp phần quan trọng gìn giữ chủ quyền Việt Nam ở các đảo chìm, một nhiệm vụ khác lại được đặt ra là làm sao để có luồng ra vào đảo an toàn và tránh trú bão dông.
Kỳ tới: Kỳ vĩ những cuộc mở luồng ở Trường Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận