19/12/2024 10:26 GMT+7

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng công binh hải quân bắt đầu ra Trường Sa xây dựng đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 1.

Ông Vũ Đình Khảo và thiếu tá Đỗ Tiến Dũng trong ngày gặp mặt truyền thống E83 - Ảnh: Đ.HÀ

Bền bỉ từng tháng, từng năm, nền Tổ quốc ngày càng được tôn thêm cao và thấm đẫm mồ hôi, xương máu của những người lính công binh hải quân.

Xây đảo trong bộn bề gian khó

Nhiệm vụ xây dựng quần đảo Trường Sa để giữ gìn chủ quyền Tổ quốc đã được Bộ Tư lệnh hải quân đặc biệt lưu ý ngay sau ngày thống nhất đất nước.

Kế hoạch xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt, ăn ở, phòng thủ và chiến đấu ở Trường Sa được cấp có thẩm quyền thông qua ngay từ năm 1976.

Nhiệm vụ thiêng liêng ấy được giao cho lực lượng công binh hải quân mà nòng cốt là Trung đoàn công binh hải quân E83, thuộc Bộ Tư lệnh hải quân. Cũng năm này, E83 được Bộ Quốc phòng điều từ Quân khu 5 về trực thuộc Bộ Tư lệnh hải quân, mục đích để E83 đảm đương nhiệm vụ xây dựng Trường Sa.

Những cựu công binh hải quân từng đi xây dựng Trường Sa nhớ lại gần 50 năm trước các đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam gần như trơ trọi, chỉ có san hô chết dạt lên trắng phau.

Các công trình phục vụ bộ đội ăn ở, sinh hoạt và bảo vệ đảo còn sơ sài, thiếu thốn đủ thứ.

Họ đi xây dựng Trường Sa trong hoàn cảnh gặp vô vàn khó khăn. Đó là khó khăn chung của cả nước khi vừa hết chiến tranh.

Và khó khăn với riêng những người lính đi xây dựng Trường Sa là thiếu nước ngọt và rau xanh.

Tháng 8-2024, chúng tôi gặp thiếu tá Đỗ Tiến Dũng (quê Yên Khánh, Ninh Bình). Đã gần 80 tuổi, thiếu tá Dũng vẫn rắn rỏi, chắc nịch và mạnh mẽ của người lính công binh hải quân ngày nào. Ông thuộc thế hệ công binh đầu tiên đi xây dựng Trường Sa và có khoảng sáu năm làm việc ở đây.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 2.

Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu diễn văn tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1953-7/5/1988) - Ảnh: Tư liệu báo Hải quân

"Không có nước ngọt, chúng tôi phải dùng nước mưa hứng được hay nước ngọt trộn với một phần ba nước biển để nấu cơm nên hạt sống, hạt chín. 

Những người lính chúng tôi ngày ấy chỉ mặc quần đùi, ở trần xây đảo. Không ăn đủ rau xanh, ai cũng bị bệnh tiêu hóa", thiếu tá Dũng bồi hồi nhớ lại.

Còn cựu công binh hải quân Vũ Đình Khảo (sinh 1957, quê Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng là thế hệ đầu tiên ra xây đảo Trường Sa. Ông nhập ngũ tháng 10-1976 thì ngay năm sau đã theo tàu ra đảo Trường Sa Lớn.

"Sáu năm làm người lính công binh hải quân của tôi thì có 3 năm 8 tháng 20 ngày trực tiếp đi xây dựng, cắm mốc chủ quyền Tổ quốc mình ở Trường Sa", ông Khảo vẫn chưa quên.

Ông nhớ do phải trộn nước biển để nấu cơm nên hạt vẫn còn sống trong lõi. Lính ở Trường Sa ngày ấy đã sáng tạo ra cách dùng mỡ đặc của Liên Xô để nấu chín cơm sống. Trước tiên cứ nấu cơm bằng nước mặn sau đó để nguội, rồi dùng mỡ nấu sôi lên và đổ vào một ca nước nhỏ. Xong đổ cơm còn sống vào chảo rang lên cho chín.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 3.

Cựu chiến binh E83 Trương Viết Lý đeo quân hàm cho đồng đội mình nhân ngày gặp mặt truyền thống của Trung đoàn tháng 8-2024 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thiếu nước ngọt nên mỗi ngày một người lính chỉ được phát một ca nước chừng hơn một lít. Chỉ huy phát xong thì khóa phuy nước. "Nước chỉ dành để uống", trung úy Khảo nhớ lại.

Không chỉ thiếu nước, thiếu rau xanh, lính công binh hải quân còn phải đối chọi với nắng rát, không khí mặn chát của biển cả.

"Thời tiết nắng rát, gió biển chắt mặn làm vùng ngực chúng tôi ai cũng sưng rát. Do đó nếu tiết kiệm được giọt nước ngọt nào anh em lại dùng vải áo thấm ướt ngực cho đỡ rát", ông Khảo nhớ lại.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 4.

Những người lính nước da đen bóng vận chuyển vật liệu xây dựng đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: VINH QUANG

Hy sinh nước ngọt làm bê tông, tìm đá mồ côi làm vật liệu

Năm 1978, việc xây dựng các công trình ở đảo Nam Yết thuộc chủ quyền Việt Nam được bắt đầu. Công binh hải quân theo những chuyến tàu liên tục ra khơi đến với phên dậu Tổ quốc. Dù thiếu nước ngọt nhưng họ sẵn sàng dùng khẩu phần mình để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Thiếu tá Dũng nhớ một lần bộ đội chuyển vật liệu từ tàu xuống xuồng và đẩy vào đảo Nam Yết do sóng to làm xuồng lật, rơi mất thanh bê tông đúc sẵn rất quan trọng để đỡ cửa hầm. Nước sâu, bộ đội không thể lặn vớt.

Nếu chờ tàu từ bờ chở thanh khác ra thì mất ít nhất vài ngày. Vậy là tất cả người lính đồng ý dùng nước ngọt là khẩu phần ít ỏi của mình để đúc luôn thanh bê tông mới cho kịp tiến độ xây dựng.

Cũng trong năm này, tàu chở vật liệu ra Nam Yết bị mắc cạn vì đuôi tàu kê lên một hòn đá mồ côi "to như đống rơm".

Nếu không kịp thoát khỏi, tàu sẽ nghiêng lật. Những người lính công binh hải quân lại nghĩ ra cách giải quyết nhanh chóng: dùng lượng thuốc nổ vừa đủ để phá hòn đá.

Một đội được cử lặn xuống để xem kích cỡ, hình thù hòn đá. Sau khi tính toán chính xác, họ đem một lượng thuốc nổ vừa đủ ốp vào hòn đá.

"Phải tính toán để thuốc nổ vừa đủ đánh vỡ hòn đá mà không ảnh hưởng tàu", thiếu tá Dũng kể.

Và sau tiếng nổ, hòn đá tan tành mà con tàu không hề hấn gì. "Tàu thoát cạn, anh em ai cũng mừng rơn", ông Dũng nhớ cảm giác vui khi vật liệu xây dựng đảm bảo tiến độ công trình.

Chưa hết, xây dựng đảo ngày ấy người lính E83 còn gặp khó vì vật liệu từ đất liền đưa ra thiếu thốn. Để công trình biển đảo thêm vững chắc, họ phải tự tìm đá giữa bãi cạn Trường Sa. Cựu công binh Khảo nhớ lại:

"Chúng tôi mỗi người cái xà beng ra các bãi cạn tìm đá mồ côi đào về để làm kè cho các công sự cá nhân, kè ở giao thông hào chống cát vùi. Lúc đầu còn có những đôi giày, về sau cũng hư nát nên chỉ chân không mò mẫm đi tìm đá mồ côi", ông Khảo chưa quên.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 5.

Tàu neo sát đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa . Những vùng neo, luồng lạch đi lại dễ dàng, an toàn ở Trường Sa bây giờ có một phần công sức, xương máu của những người lính E83 từ gần 50 năm trước - Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Ngoài biển, người lính E83 như ông Khảo đối diện thiếu thốn và khó khăn tứ bề. Nhưng trong bờ những người lính khác của E83 cũng phải tự nổ mìn, phá núi đá làm vật liệu để vận chuyển ra đảo.

Cựu công binh E83 Trương Viết Lý (ở Thạch Hà, Hà Tĩnh) từng đi xây dựng Trường Sa từ 1978 đến 1982. Quãng đời công binh hải quân của ông kinh qua nhiều việc từ kéo xuồng chở đá đến làm thợ xây chính. Xong Phan Vinh, ông lại cùng đồng đội đến Trường Sa Lớn. Hoàn thành Nam Yết, ông lại tới Sinh Tồn...

Ông kể đi xây đảo rất gian khó nhưng trong bờ đi nổ mìn phá đá cũng vất vả không kém. "Hồi ấy chúng tôi kéo từng sợi dây kíp mìn dài từ trên đỉnh xuống. Trước khi nổ mìn, anh em phải chui vào hộp sắt để phòng đá nổ văng xuống mình. Nóng ơi là nóng".

Khó khăn bủa vây là vậy nhưng chỉ một hai năm sau với sự có mặt của công binh hải quân ở Trường Sa, những cầu cảng, hầm chứa nước, công sự, giao thông hào đã được dựng lên trấn giữ vùng phên dậu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông - Ảnh 6.

Thiếu tá Đỗ Tiến Dũng - cựu chiến binh E83 bồi hồi kể lại chuyện đi xây Trường Sa từ gần 50 năm trước - Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Năm 1979, sau gần hai năm đi xây đảo về đất liền, người lính công binh Vũ Đình Khảo ngang qua đơn vị bạn ở Đà Nẵng có vườn rau muống xanh non mơn mởn. Ông Khải cùng đồng đội thèm quá, đã ngắt ăn sống ngon lành ngay tại chỗ.

Thấy người lạ "trộm" rau ăn sống, vệ binh hỏi và biết ông là lính đảo vừa về bờ. Xúc động thấu hiểu lính đảo thèm rau, đơn vị bạn đã vui vẻ cắt cho ông Khải cả bó to mang về.

---------------------

Cuối tháng 3-1986, tàu HQ505 và HQ511 chở đoàn công tác của Quân chủng Hải quân do Tư lệnh Giáp Văn Cương dẫn đầu vượt sóng gió ra Trường Sa triển khai nhiệm vụ quan trọng.

Kỳ tới: Cắm bia chủ quyền, dựng nhà trấn thủ

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao - Kỳ 1 - Ảnh 3.Công binh hải quân: Nhớ thời khổ cực mà oai hùng

TT - Ký ức dữ dội và oai hùng của một thời vác đá tôn tạo Trường Sa được kể bằng hình ảnh như là sự trân trọng, nhắc chúng ta không được phép quên những người vun đắp đảo bằng tay trần với cả máu và tính mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên