04/06/2016 10:32 GMT+7

Công binh, đêm dài Đông Dương: Những trang sử giấu kín

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Bộ phim ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 5-6 của đạo diễn Lê Lâm ghi lại lời của 20 nhân chứng trong số 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ.

Người lính năm xưa tên An và hiện tại xuất hiện trong bộ phim 
- Ảnh: L’Espace
Người lính năm xưa tên An và hiện tại xuất hiện trong bộ phim - Ảnh: L’Espace

Công binh, đêm dài Đông Dương là bộ phim tài liệu điện ảnh dài 116 phút do đạo diễn Lê Lâm thực hiện, được công chiếu lần đầu tại Pháp năm 2013. Bộ phim dựa trên cuốn sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên của nhà báo Pierre Daum.

Sau khi ra mắt năm 2009, sách gây tiếng vang ở Pháp, được tái bản nhiều lần. Nhiều địa phương của Pháp đã tổ chức lễ tôn vinh những cựu lính thợ người Việt. Đến năm 2014, cuốn sách được NXB Tri Thức phát hành tại Việt Nam với bản dịch của Trần Hữu Khánh.

Để thực hiện cuốn sách, nhà báo Pierre Daum đã bỏ ra bốn năm để tìm hiểu tư liệu, gặp các nhân chứng còn sống và có 25 người lính Việt Nam khi xưa được nhắc tới trong sách. Thực hiện bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương, đạo diễn Lê Lâm cũng đã trở về Việt Nam nhiều lần để gặp gỡ các nhân chứng là những thanh niên bị chính quyền thuộc địa cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ.

Đạo diễn Lê Lâm bày tỏ 50 năm sống và làm việc ở nước ngoài đã giúp ông đồng cảm hơn với những nhân chứng trong phim và qua đó phần nào khắc họa một cách chân thực những cảm xúc, những nỗi đau đã theo chân họ suốt 70 năm nay. Ông nói cuốn sách của nhà báo Pierre Daum mang đến cho ông sự xúc động mạnh mẽ.

Câu chuyện bị giấu kín trong nhiều năm này thôi thúc ông cần phải tái hiện qua những thước phim về khoảng thời gian đầy gian khổ của những thanh niên Việt Nam ngày đó. “Họ đã phải làm việc trong những xưởng chế tạo súng ống, đạn dược, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng ra trận. Những công binh Việt Nam không được trả lương bổng mà còn bị kẹt tại Pháp trong 12 năm trời, không được về nước” - đạo diễn Lê Lâm kể.

Xem phim, khán giả được chia sẻ với tâm sự của những người Việt một thời sống trên đất Pháp mà lòng vẫn hướng về quê hương. Nhiều người trong số họ từng góp công, góp sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy vậy, một số người khi về nước đã bị hiểu lầm là kẻ phản quốc vì từng làm việc cho nước Pháp.

Vì lẽ đó, cuốn sách cũng như bộ phim còn mang ý nghĩa lật lại những trang lịch sử oan ức, đau thương của những người lính thợ Việt Nam khi xưa, mà những tưởng câu chuyện của họ đã bị lãng quên, vùi lấp.

Bị hiểu lầm là lính đánh thuê nên họ đã bị quân đội Hitler hành hạ và bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Những lính thợ Việt đã phải sống một cuộc sống đày ải, bi thảm trên đất Pháp dưới sự thống trị của quân phát xít Đức.

Họ cũng chính là những người đầu tiên trồng lúa, làm ra những hạt gạo ở Cà Mạc (Carmague) - miền nam nước Pháp, nơi về sau này trở thành một vùng đặc sản lúa gạo. Vì lẽ đó, vào tháng 10-2014, người dân ở đây đã dựng lên một tượng đài để tưởng nhớ 20.000 người lao động Việt Nam bị cưỡng bức lưu đày.

Theo thông tin từ Viện Pháp tại Hà Nội, Công binh, đêm dài Đông Dương có đề tài liên quan tới Việt Nam và thời thuộc địa, một đề tài mà phía Pháp không muốn nêu lên, vì vậy rất khó để tìm nguồn tài trợ. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn có được tài trợ của các hội đồng cấp vùng và của Cục Điện ảnh quốc gia Pháp, mặc dù số kinh phí này rất ít ỏi, chỉ bằng một nửa so với dự tính.

Với mức kinh phí hạn hẹp, đoàn làm phim của đạo diễn Lê Lâm chỉ có bốn người. Ông quay phim chỉ với hai máy quay nhưng chính nhờ vậy, không khí làm phim trở nên gần gũi và các nhân chứng không còn ngần ngại khi tâm sự với đạo diễn câu chuyện của đời mình.

Poster của bộ phim
Poster của bộ phim

Công binh, đêm dài Đông Dương đã đoạt giải Licorne d’Or tại Liên hoan phim Amiens vào năm 2012 và đoạt giải nhất của hội đồng giám khảo Liên hoan Pessac. Phim còn có hai đề cử tại Festival Amsterdam lần thứ 25 và tại Festival phim Hong Kong lần thứ 37.

Bộ phim sẽ được công chiếu ở Việt Nam từ ngày 5 đến 26-6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), Hà Nội. Vào 17g30 ngày 16-6, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức buổi hội thảo - gặp gỡ với đạo diễn Lê Lâm tại L’Espace.

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên