15/07/2019 12:04 GMT+7

Công an xã có quyền ra văn bản để hoãn xuất cảnh?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ nhiệm các ủy ban Pháp luật, Tư pháp và trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đều lo ngại việc quy định thiếu cụ thể, không rõ thẩm quyền đối với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh có thể ảnh hưởng đến quyền công dân.

Công an xã có quyền ra văn bản để hoãn xuất cảnh? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng nay 15-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có quan điểm khác nhau của nội dung dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quy định rõ để tránh lạm dụng

Điều 36 dự thảo luật quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách;

Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật (trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự); 

Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án;

Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; 

Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn; người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Thảo luận nội dung nêu trên, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị quy định thật rõ về điều kiện và thẩm quyền trong các trường hợp hoãn xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân. 

"Dự thảo luật quy định các trường hợp bị hoãn xuất cảnh như 'xét thấy cần thiết…', 'có căn cứ cho rằng…', vậy ai xét thấy, cơ quan nào có thẩm quyền đề nghị hoãn xuất cảnh, ví dụ công an xã, họ có quyền ra văn bản để hoãn xuất cảnh với một công dân không?", bà Hải nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đặt vấn đề: Ai là người quyết định chưa cấp giấy xuất cảnh? Nếu cấp rồi mà xảy ra trường hợp vi phạm thì ai sẽ ra quyết định thu hồi hoặc hủy giấy xuất cảnh đã cấp?

Ông Định dẫn chứng: "Có trường hợp người chưa thực hiện xong nghĩa vụ thuế đã được cấp giấy cho xuất cảnh rồi mới phát hiện ra, chẳng lẽ cho xuất cảnh rồi không cho nhập cảnh lại? Trong khi quyền được nhập cảnh trở về Tổ quốc là quyền cơ bản của công dân".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì lưu ý việc hoãn xuất cảnh ảnh hưởng đến quyền công dân rất nhiều, chỉ nên áp dụng với những trường hợp cần thiết như có vi phạm nghiêm trọng cần ngăn chặn và phải quy định rất rõ. Đối với một số trường hợp như có liên quan đến vụ án dân sự với số tiền chỉ vài triệu đồng thì nên cân nhắc bởi thời gian xử một vụ án dân sự thường rất lâu.

"Tôi đề nghị rà soát kỹ, tránh bỏ lọt các đối tượng vi phạm bỏ trốn, nhưng cũng tránh gây ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là tránh trường hợp lạm quyền để gây khó khăn cho công dân", bà Nga bày tỏ.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết nếu quy định diện tạm hoãn quá rộng thì cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

"Có trường hợp nằm trong diện bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo cần phải đi nước ngoài cứu chữa gấp, ảnh hưởng đến tính mạng, vậy ai quyết định cho phép họ đi nước ngoài? Đồng ý là phải xem xét, rà soát kỹ lưỡng để quy định cụ thể, tránh ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người", thứ trưởng Công an nói.

Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị quy định trách nhiệm của người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo tính chặt chẽ.

Dân quân tự vệ chỉ tổ chức trong doanh nghiệp đủ điều kiện

Công an xã có quyền ra văn bản để hoãn xuất cảnh không? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thượng tướng Võ Trọng Việt - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật dân quân tự vệ (sửa đổi). Trước một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp vì không khả thi và không có cơ sở buộc doanh nghiệp phải thực hiện, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội giải thích:

Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định tại Điều 19 Luật dân quân tự vệ hiện hành và các nghị định của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của tự vệ.

"Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên; đối với các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ, thì phải đăng ký quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu.

Do đó, việc quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thượng tướng Võ Trọng Việt nói.

Có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nộp thuế

TTO - Với tỉ lệ 91,32% tán thành, sáng 13-6 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi. Trong đó quy định trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên