19/04/2018 10:26 GMT+7

Công an triệu tập chủ cơ sở trộn pin vào cà phê

TRUNG TÂN - TÂM LỤA - XUÂN MAI
TRUNG TÂN - TÂM LỤA - XUÂN MAI

TTO - Đó là khẳng định của đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh này tổ chức chiều 18-4 để thông tin bước đầu về vụ “cà phê nhuộm pin”.

Công an triệu tập chủ cơ sở trộn pin vào cà phê - Ảnh 1.

Hàng chục tấn cà phê phế phẩm được phát hiện tại cơ sở của bà Loan - Ảnh: NHẬT LỆ

"Hiện nay Công an tỉnh đã triệu tập bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’Lấp, chủ cơ sở) và những người liên quan để đấu tranh, làm rõ phế phẩm cà phê sơ chế dùng vào mục đích gì; các vật chứng được thu giữ đã được đưa đi kiểm định. 

Ngoài ra, công an cũng tích cực điều tra xem lượng hàng rất lớn đã được sơ chế tại cơ sở này nhiều năm qua đưa đi đâu. 

Lời khai bước đầu của bà Loan là đem đi tiêu thụ ở Bình Phước. Chúng tôi cũng đang tiếp tục đấu tranh xem ngoài Bình Phước, cà phê nhuộm pin được bà Loan bán đi đâu" - ông Quy thông tin.

Công an triệu tập chủ cơ sở trộn pin vào cà phê - Ảnh 2.

Đại tá Lê Vinh Quy - Ảnh: TRUNG TÂN

Chưa rõ trộn pin vào cà phê để làm gì?

Theo đại tá Lê Vinh Quy, Cơ quan CSĐT xác định cơ sở bà Loan có hành vi nhuộm dung dịch pin - có chứa những chất rất độc hại vào các phế phẩm cà phê là vi phạm pháp luật. Hiện nay cơ quan công an đang tích cực để làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở.

"Tuy nhiên, đối tượng rất quanh co nên công tác đấu tranh có gặp khó khăn. Hiện công an đang tập trung làm rõ phế phẩm cà phê sau sơ chế tại cơ sở bà Loan có biến thành thực phẩm và đem rang xay làm cà phê bột. 

Nếu cà phê pin thành thực phẩm, đồ uống thì bà Loan phạm tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại điều 317 Bộ luật hình sự 2015" - ông Quy nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chương - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Đắk Nông) - cho biết bà Loan có dùng đá, vỏ cà phê, phế phẩm trộn với pin, tuy nhiên để làm gì thì cơ quan chức năng chưa biết. 

Ông Cương đặt nghi vấn: với thực tế diễn ra, bà Loan sử dụng những phế phẩm không có giá trị để trộn với pin thì khó có khả năng trở thành thực phẩm, đồ uống. Cũng có thể bà Loan trộn những tạp chất nêu trên với pin để làm phân bón.

"Đến nay chi cục đã lấy tất cả các mẫu vật đưa về đơn vị, chờ kết quả lấy lời khai bà Loan từ PC49 mới mang đi giám định. 

Theo đó, nếu bà Loan khai sử dụng sản phẩm sau chế biến làm thức uống thì kiểm định theo hướng an toàn thực phẩm xem có hàm lượng cafein, có các chất độc hại nào. 

Còn nếu sử dụng làm phân bón thì phải kiểm định theo hướng kiểm định phân bón giả, kiểm tra hàm lượng N-P-K trong đó. Tuy nhiên pin là một trong những rác thải công nghiệp không được tái chế. 

Do đó, nếu phế phẩm trộn pin của cơ sở bà Loan mà đem làm phân bón cũng vi phạm pháp luật" - ông Chương nói.

Thượng tá Phạm Thanh Bình, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết thực hiện kế hoạch đấu tranh về môi trường, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, từ ngày 15 đến 17-4, PC49 phát hiện cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi dùng dung dịch màu đen được làm từ than pin. 

Đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông thu giữ hơn 21,2 tấn cà phê nhân đã nhuộm đen bằng dung dịch than pin, 40 lít dung dịch pin và 35kg pin đã đập dẹp.

Có thể xử lý hình sự

Về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Cơ quan điều tra cần lấy mẫu cà phê bẩn để đi giám định. 

Kết quả giám định sẽ cho biết hàm lượng cà phê bẩn là bao nhiêu, có độc hại không, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào, đã bán ra thị trường chưa, mức thu lợi bất chính là bao nhiêu..? 

Tùy kết quả giám định sẽ quyết định xem hành vi sản xuất cà phê bẩn sẽ bị xử lý hành chính hay phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu kết quả giám định cho thấy việc sản xuất cà phê bẩn nhưng không làm tác động vào sức khỏe con người thì rất khó để xử lý.

Ngược lại, kết quả giám định với hàm lượng cà phê bẩn có độc tố gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng thì người vi phạm có thể phải chịu những chế tài rất nặng nề.

Nếu đúng như thông tin bước đầu báo chí phản ánh, hành vi sản xuất cà phê bẩn có thể bị xử phạt về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ Luật hình sự. 

Uống cà phê pha pin cực kỳ nguy hại

TS Trần Thị Ngọc Lan (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) cho biết, pin Con ó không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào.

Việc nhuộm cà phê bằng bột pin cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt những người ưa chuộng cà phê.

PGS Hồng Côn (Khoa Hóa học ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH QG Hà Nội) cho hay nếu uống phải lượng mangan có trong pin sẽ có thể bị ngộ độc.

Cụ thể nhẹ thì đau đầu, mất ngủ, chóng mặt. Nặng hơn thì làm cơ thể suy nhược, giảm khả năng ngôn ngữ (nói ngọng nghịu), giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động (đi lại không vững, run rẩy chân tay)…

"Nếu nhiễm một lượng lớn hóa chất trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ở hiện tại và gây ra các loại bệnh mãn tính trong tương lai", nhiều chuyên gia khác cũng khuyến cáo.

Điểm thu mua nông sản sơ chế "cà phê pin"

Theo trưởng Công an xã Đắk Wer Võ Ngọc Anh, bà Nguyễn Thị Thanh Loan từ tỉnh Đồng Nai lên đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông từ ngày

11-1-2016. Đến ngày 19-8-2016, Phòng tài chính - kế hoạch huyện Đắk R’Lấp đã cấp giấy phép kinh doanh lần đầu cho bà Loan với ngành nghề kinh doanh: thu mua nông sản.

"Qua xác minh, thực tế bà Loan mở điểm thu mua nông sản, có giấy phép kinh doanh nhưng không hề thực hiện việc mua bán với người dân địa phương mà chỉ mua tạp phẩm, bột đá để sản xuất cà phê pin" - ông Ngọc Anh khẳng định.

Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin Con Ó

TTO - Để kiếm lời, bà Nguyễn Thị Loan mua pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột.

TRUNG TÂN - TÂM LỤA - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên