Chiều 6-7, kỳ họp thường kỳ giữa năm 2023 của HĐND thành phố Cần Thơ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ trả lời nhiều thông tin.
Công an mời làm việc thì bằng giấy mời
Chất vấn giám đốc Công an thành phố Cần Thơ, đại biểu Trần Văn Đạt cho biết tình hình tội phạm trên không gian mạng hiện nay rất phức tạp như giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án; giả mạo cơ quan nhà nước; lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để mua vật liệu nổ, vũ khí. Đề nghị giám đốc Công an thành phố cho biết tình hình này trên địa bàn thành phố và giải pháp?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận - giám đốc Công an thành phố Cần Thơ - cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng cả nước nói chung, của thành phố Cần Thơ nói riêng còn rất phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Cụ thể như giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo cho người dân về hành vi vi phạm pháp luật; giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ vay tiền, dụ dỗ bị hại đăng nhập, nộp tiền vào tài khoản trên app; cắt ghép hình ảnh gắn với nội dung xấu đăng trên mạng xã hội; thậm chí sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) giả dạng khuôn mặt, giọng nói người thân gọi qua ứng dụng trực tuyến để lừa đảo nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng ảo để chiếm đoạt tiền…
Theo ông Thuận, Công an thành phố Cần Thơ đã xác lập hai chuyên án, khởi tố 22 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, thu hồi trả cho bị hại hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, qua kiểm soát trên mạng, công an cũng xử lý vi phạm hành chính gần 100 tỉ đồng, thu giữ nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, các giấy tờ khác có liên quan…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận nêu một số giải pháp đối với loại tội phạm này trong thời gian tới.
Thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bằng số điện thoại cố định, số điện thoại lạ, có đầu số nước ngoài, tự xưng là cán bộ nhà nước, đặc biệt là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để thông báo yêu cầu, điều tra các vụ án.
Đồng thời tuyên truyền người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số diện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt là không nghe lời của các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
"Xin lưu ý với bà con cử tri, đối với lực lượng công an cũng như các lực lượng tư pháp, khi mời người dân làm việc thì bằng giấy mời, có trụ sở làm việc cụ thể, không bao giờ nhắn tin, điện thoại để mời. Khi nhận cuộc gọi của những đối tượng này, bà con cử tri hết sức bình tĩnh, không nghe, không chấp hành, đồng thời báo cho cơ quan chức năng gần nhất để xử lý", ông Thuận khuyến cáo.
Ông Thuận cũng đề nghị người dân không tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán trên mạng xã hội khi chưa rõ thông tin và các ứng dụng trên mạng xã hội, chưa hiểu được nội dung thông tin thì không nên nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng yêu cầu chuyển tiền.
Cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan và không nhận chuyển khoản ngân hàng, hoặc nhận tiền chuyển khoản ngân hàng của người không quen biết.
"Công an thành phố sẽ tăng cường phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đàm phán, buộc các công ty quản lý các nền tảng mạng xã hội hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải đưa thêm nội dung mỗi tài khoản tham gia mạng xã hội phải có khai báo định danh điện tử để phòng ngừa tội phạm thực hiện các hành vi lừa đảo và vi phạm pháp luật trên không gian mạng", ông Thuận nói thêm
Vì sao sản phẩm OCOP ít vào siêu thị?
Chất vấn giám đốc Sở Công Thương Hà Vũ Sơn, một số đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đánh giá các mặt hàng chủ lực của thành phố như gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) vào hệ thống siêu thị chưa nhiều, chưa gắn với du lịch, giám đốc sở có thống nhất với đánh giá này không, nếu có thì giải pháp khắc phục trong thời gian tới thế nào?
Trả lời về câu hỏi này, ông Hà Vũ Sơn nhìn nhận các sản phẩm OCOP vào siêu thị cũng như gắn với du lịch "còn hạn chế, sở đã phát hiện việc này".
Ông Sơn nói giải pháp sắp tới sẽ phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quận, huyện phát triển sản phẩm OCOP của thành phố (92 sản phẩm) và thực tế đã làm việc với một nhà hàng, bến xe tàu và sân bay Cần Thơ để đưa sản phẩm này vào.
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng các sản phẩm OCOP 3 sao còn nhỏ lẻ, vừa qua một sản phẩm rượu ở Phong Điền khi cần số lượng lớn thì không đủ. Vì vậy, thời gian tới ngành công thương sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp để làm sao những sản phẩm này có số lượng lớn, bởi nếu không thì khó kết nối vào các hệ thống siêu thị cũng như phát triển ở các tỉnh, thành khác.
Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu lưu ý về chất lượng thì các sản phẩm OCOP có chất lượng nhưng vào các siêu thị lớn thì rất ít. "Có nhiều nguyên nhân, có thể do sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, là nghề truyền thống nên không đáp ứng việc đặt hàng thường xuyên của siêu thị, nhưng cũng có thể do hạn chế của người làm nghề không biết cách thức tiếp thị. Tôi đề nghị ngành công thương nên tìm hiểu rõ để có sự hỗ trợ, tác động giúp sản phẩm này ngày càng phát triển”, ông Hiểu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận