Trụ sở của Bio-Rad Laboratories ở Hercules, California - Ảnh: Bio-rad.com |
Thông tin từ truyền thông Mỹ cho thấy công ty này khai nhận đã hối lộ các quan chức trong ngành y tế của Việt Nam khoảng 2,2 triệu USD để đổi lấy các hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế và hóa chất cho bệnh viện ở Việt Nam.
Theo tiến trình, cơ quan điều tra sẽ thông qua các cơ quan chức năng đề nghị với Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan liên quan tại Mỹ cung cấp tài liệu để làm rõ những vi phạm pháp luật ở Việt Nam nếu có.
Tuy nhiên, do Việt Nam và Mỹ chưa có các thỏa thuận về tương trợ tư pháp nên nếu Mỹ có thiện chí cung cấp, hai bên sẽ phải làm việc thông qua con đường ngoại giao, áp dụng nguyên tắc có đi có lại để thực hiện.
Trong trường hợp phía Mỹ vì lý do nào đó chưa thực hiện việc hỗ trợ, cung cấp tài liệu, cơ quan điều tra vẫn xác minh những thông tin này.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tìm hiểu những hợp đồng mua bán từ phía Bio-Rad Laboratories với các đơn vị ở Việt Nam, qua đó bóc gỡ những dấu hiệu nghi vấn để xác định có hay không việc đưa nhận hối lộ dưới hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, một lãnh đạo cơ quan điều tra cũng thừa nhận việc điều tra ngược này rất khó khăn, nhất là các hợp đồng này nếu có bôi trơn đều đã được hợp pháp hóa vào các mục chi phí dự án, hợp đồng đào tạo...
Đó là chưa kể việc công ty này đã rút khỏi Việt Nam năm năm nay, những tài liệu liên quan để kiểm tra, xác minh càng ít. Mặc dù vậy, với nhiệm vụ của mình, cơ quan điều tra vẫn đang gấp rút vào cuộc.
Theo đánh giá của một lãnh đạo cơ quan điều tra, trong các vụ việc phía nước ngoài đưa hối lộ cho quan chức tại Việt Nam, mỗi vụ việc đều có một tính chất, phương thức riêng.
Do đó, việc điều tra mỗi vụ việc đều khác nhau và phụ thuộc vào tài liệu thu thập được.
Cũng trong ngày 7-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt đầu làm việc với Bộ Y tế, bước đầu là làm việc với Vụ Trang thiết bị và công trình y tế.
Cũng theo ông Chính, về nguyên tắc các công ty nước ngoài không có đại diện bán hàng tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện như Bio-Rad sẽ không được bán hàng trực tiếp, không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm cho bệnh viện, mà phải thông qua một đại diện bán hàng.
“Chúng tôi đang đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Cục Quản lý dược cung cấp danh sách bệnh viện đã mua thiết bị, sinh phẩm của Bio-Rad, các công ty đại diện bán hàng cho Bio-Rad là công ty nào để từ đó xác minh” - ông Chính cho biết.
Theo ông Chính, Bộ Y tế đã có thư gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị phía Mỹ hỗ trợ cung cấp thông tin vụ Bio-Rad, nhưng “quan điểm của tôi coi thông tin vụ Bio-Rad từ báo chí Mỹ là một nguồn thông tin cần phải xác minh, tìm hiểu rõ ràng” - ông Chính nói.
Vụ JTC: các bị can nộp lại gần đủ tiền đã nhận
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang hoàn thiện vụ án hình sự xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Vụ án này được điều tra từ những thông tin mà Nhật Bản cung cấp về việc một số lãnh đạo Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai nhận đã hối lộ cho một số quan chức ngành đường sắt Việt Nam gần 800.000 USD để được nhận những hợp đồng tại Việt Nam. Đến nay, cơ bản các bị can trong vụ án đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đã nộp lại một khoản tiền lớn nhằm khắc phục hậu quả, gần khớp với con số cơ quan điều tra xác định được các bị can đã nhận từ phía Công ty JTC. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận