25/01/2018 11:10 GMT+7

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Ngày 25-1, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu (78 tuổi, trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) và gia đình sau 33 năm mang thân phận bị can oan.

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Nhị (phải) - người trực tiếp gây ra oan sai đến xin lỗi ông Sáu - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Nguyễn Lâm Sáu là nhân vật trong bài Gần nửa đời mang thân phận bị can mà Tuổi Trẻ Online đã thông tin.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 24-11-1985, ông Sáu được tạm tha cho về nhà (sau 10 ngày bị tạm giam), lệnh ghi rõ: "bị can Nguyễn Lâm Sáu phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày giờ quy định".

Lệnh tạm tha này có hiệu lực với ông suốt 33 năm qua. 

Bắt đúng nhưng tạm tha… sai

Trung tá Lê Văn Tuấn, phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, thay mặt Công an tỉnh công bố kết luận vụ việc dẫn đến oan sai đối với ông Sáu. 

Theo ông Tuấn, vào thời điểm tháng 11-1985, tinh dầu cam và bột axit chanh là các loại nguyên liệu sản xuất, hương liệu thực phẩm thuộc danh mục mặt hàng nhà nước độc quyền kinh doanh, nghiêm cấm tư nhân tàng trữ, buôn bán…

Ông Bùi Văn Nhị xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình - VIdeo: TRUNG TÂN

"Như vậy người nào có hành vi buôn bán trái phép hoặc liên quan đến buôn bán trái phép tinh dầu cam và bột axit chanh đều bị buộc vào hành vi buôn bán các hàng hóa bị nhà nước cấm và có dấu hiệu tội phạm bán hàng nhà nước cấm. 

Đây là 1 trong 6 tội được quy định tại điều 6 tội kinh tế trong Sắc luật số 03 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam quy định các tội phạm và hình phạt. Vì vậy việc bắt người vào ngày 14-11-1985 của Phòng an ninh kinh tế được thực hiện theo sắc luật số 03 nêu trên" - trung tá Tuấn khẳng định.

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can - Ảnh 3.

Trung tá Lê Văn Tuấn - đọc kết luận về việc xác minh về vụ bắt, tạm tha có sai sót của Công an tỉnh Đắk Lắk vào tháng 11-1985 - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định hồ sơ bắt, tạm tha đối với ông Sáu có nhiều sai sót, mâu thuẫn. 

Cụ thể, ông Sáu mới chỉ bị tạm giữ (về hành vi tàng trữ chất cấm) chứ chưa bị khởi tố bị can, tạm giam theo quy định đương thời. Ngoài ra, ông Sáu được tạm tha trong thời gian ông bị tạm giữ (10 ngày), quá hạn 7 ngày theo quy định thời bấy giờ. 

"Ông Sáu chưa bị khởi tố bị can vì chưa có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát cùng cấp. Vì vậy việc ông Bùi Văn Nhị, nguyên trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ký lệnh tạm tha đối với ông Sáu là áp dụng sai biểu mẫu" - trung tá Tuấn thông tin.

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can - Ảnh 4.

Đại tá Nguyễn Thế Lực - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk (ngồi giữa) tại buổi xin lỗi - Ảnh: TRUNG TÂN

Ngoài ra, trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan an ninh điều tra đương thời có nhiều sai sót trong tố tụng, dẫn đến oan sai đối với ông Sáu. 

Lãnh đạo, cán bộ công an lúc bấy giờ sử dụng tùy tiện biểu mẫu về lệnh bắt, khám xét. Khi thả ông Sáu, đáng ra phải áp dụng lệnh trả tự do nhưng lại áp dụng lệnh tạm tha… 

 "Việc điều tra có sai phạm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, vật chất của ông Sáu trong một thời gian dài. Trách nhiệm trên thuộc ông Bùi Văn Nhị và các cán bộ liên quan, nên những người này phải có trách nhiệm phối hợp với công an tỉnh để thỏa thuận bồi thường đối với ông Sáu…" - trung tá Tuấn thông tin.

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can - Ảnh 5.

Ông Lâm Sáu phát biểu tại buổi xin lỗi - Ảnh: TRUNG TÂN

"Mong sớm được làm công dân tự do"

Phát biểu tại buổi xin lỗi, đại tá Nguyễn Thế Lực, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thừa nhận trong vụ việc ông Nguyễn Lâm Sáu đã để xảy ra một số sai phạm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ông Sáu và gia đình.

"Tôi mong ông Sáu và gia đình ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp với công an tỉnh trong quá trình giải quyết các thủ tục thỏa thuận, bồi thường theo quy định hiện hành. 

Qua vụ việc, công an tỉnh cũng sẽ quán triệt sâu rộng trong toàn bộ lực lượng, nhất là bộ phận điều tra để tránh những sai sót đáng tiếc trong nghiệp vụ" - đại tá Lực nói.

Công an Đắk Lắk xin lỗi người 33 năm mang thân phận bị can - Ảnh 6.

Ông Sáu nói rất hạnh phúc vì được "cởi trói" thân phận bị can sau 33 năm đeo nặng - Ảnh: TRUNG TÂN

Thay mặt những người trực tiếp điều tra, dẫn đến sai sót trong vụ ông Sáu, đại tá Bùi Văn Nhị, 77 tuổi - nguyên trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk (đã nghỉ hưu) nhận mình chịu trách nhiệm chính trong sai sót và cũng gửi lời xin lỗi đến ông Sáu và gia đình. 

"Rất mong anh Sáu cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của anh em chúng tôi lúc bấy giờ" - ông Nhị mong mỏi. 

Phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Lâm Sáu nói đây là ngày hành phúc nhất trong những năm tháng dài mang "thân phận bị can" của mình. 

Ông cho rằng, trong quá trình làm việc thì bất cứ ai cũng có thể sai, tuy nhiên việc nhận sai, sửa chữa và xin lỗi là rất đáng ghi nhận. Ông Sáu cũng gửi lời cảm ơn đến các luật sư, cơ quan báo chí đã cùng ông trong những tháng ngày dài đã qua. 

Hôm nay như tôi được cởi trói, từ một bị can trở thành như một người bình thường như mọi công dân khác. Điều đó thể hiện sự đúng đắn của chân lý.

Ông Nguyễn Lâm Sáu

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Lâm Sáu cho biết điều ông mong mỏi nhất là sớm được Công an tỉnh, chính quyền địa phương sớm làm lại chứng minh nhân dân, các giấy tờ tuy thân khác để ông trở hành một công dân bình thường. 

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên