Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ (đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, Bệnh viện Mỹ Đức) tư vấn cho một trường hợp vì mục đích nhân đạo - Ảnh do bệnh viên cung cấp
Trường hợp nào được pháp luật cho phép mang thai hộ và trường hợp nào là vi phạm pháp luật?
Điều kiện rất chặt chẽ, cần được tư vấn tâm lý
Về vấn đề này, luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM - cho hay nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định chỉ cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo.
Đối tượng được áp dụng là các cặp vợ chồng vô sinh vì hiếm muộn có quyền nhờ mang thai hộ . Theo đó, người có nhu cầu nhờ mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.
Điều 14 của nghị định quy định hồ sơ gồm 12 loại giấy tờ như: đơn đề nghị, bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng, xác nhận về mối quan hệ thân thích cùng hàng, cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào, xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ, bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu quy định...
Hồ sơ hợp lệ được gửi cho cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định, cả nước hiện có 4 cơ sở được phép gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM và Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM). Cơ sở y tế nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ pháp lý hồ sơ để quyết định việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay với những hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần ký hợp đồng dân sự được luật sư tư vấn. Cả hai bên cũng sẽ cùng được tư vấn cả về y tế, tâm lý, pháp lý theo quy định. Người mang thai hộ phải có xác nhận mối quan hệ thân thích cùng hàng (là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ) và chỉ được mang thai hộ duy nhất một lần.
Hợp đồng ghi nhận rõ về quyền lợi và nghĩa vụ hai bên: việc trả con ngay sau sinh, khám thai trong suốt thời gian thai kỳ... Hợp đồng sẽ giúp hai bên tránh những rắc rối phát sinh sau khi sinh con (như người mang thai hộ không trả con...). Luật sư khi tư vấn phải giúp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ làm hợp đồng, thỏa thuận và phải chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về mặt tư vấn.
Tổ chức đẻ thuê phạt tù đến 5 năm
Các quy định chặt chẽ về hồ sơ đề nghị mang thai hộ tại nghị định 10 sẽ tránh tình trạng "đẻ thuê". "Thực tiễn có thể các đối tượng lợi dụng, giả mạo hồ sơ, giấy tờ qua mặt cơ quan chức năng, cơ sở y tế để tổ chức đẻ thuê. Khi ấy, các đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo điều 187 Bộ luật hình sự 2015 có hình phạt tù tối đa đến 5 năm, phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm hành nghề đến 5 năm..." - luật sư Bích Trâm cho hay.
Ngoài vi phạm "đẻ thuê" bị xử lý theo Bộ luật hình sự, thực tế còn có những vi phạm khác về mang thai hộ nhưng không bị chế tài nào về dân sự hay hành chính vì luật không có quy định, mặc dù Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định: "Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự".
Ví dụ, có trường hợp vì quan niệm thích con trai dù đã có các con gái, trong khi vợ không sinh sản được nữa nên nhờ bà con thân thích mang thai hộ để hi vọng có con trai.
Tại (TP.HCM), việc triển khai và thực hiện kỹ thuật mang thai hộ rất nghiêm ngặt từ bước tư vấn ban đầu, hội chẩn và tiến hành điều trị. Người bệnh đến đăng ký tư vấn, được tư vấn, được hội chẩn tại khoa. Sau đó, người bệnh sẽ được tư vấn chuẩn bị các giấy tờ theo quy định, được tư vấn các mặt về tâm lý, y tế, pháp luật cho người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
Hồ sơ còn phải được hội chẩn, hội đồng bệnh viện cho phép mang thai hộ trước khi thực hiện điều trị. Ngoài những quy định trên, bệnh viện cùng luật sư (Đoàn luật sư TP.HCM) còn phải xác nhận rõ mối quan hệ thân thích cùng hàng...
ThS.BS Đặng Quang Vinh - phó giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức - cho hay bệnh viện đã xây dựng một checklist danh mục các hồ sơ cần chuẩn bị để gửi cho bệnh nhân ngay từ đầu. Bệnh viện cũng có quy định trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, hội đồng chuyên môn sẽ có phản hồi chính thức cho bệnh nhân về việc có chỉ định mang thai hộ hay không.
Bác sĩ Vinh cho hay đến thời điểm hiện nay, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào mang thai hộ với mục đích thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một vài trường hợp bệnh nhân chưa hiểu đúng quy định về mối quan hệ họ hàng cùng hàng. Những trường hợp này bệnh viện thường sẽ mời bộ phận pháp lý hỗ trợ, hướng dẫn.
Bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện một trong những kỹ thuật mang thai hộ - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bệnh viện Từ Dũ là một trong bốn đơn vị được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo nghị định 10/2015/NĐ-CP. Kỹ thuật mang thai hộ tại bệnh viện bắt đầu từ tháng 7-2015, tính đến nay đã có 117 ca mang thai hộ (riêng năm 2018 có 31 ca), trong đó có 58 ca có thai, chiếm tỉ lệ 50%. Hiện đã có 33 bé điều trị mang thai hộ được sinh ra.
Tại Bệnh viện Mỹ Đức, trường hợp đầu tiên sinh bé từ chương trình mang thai hộ được ghi nhận là bé trai, cân nặng 3.100g vào ngày 3-8-2018. Hiện bệnh viện đã có 4 bé chào đời và hoàn tất việc chuyển phôi cho 25 trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận