Lớp học văn nghệ của mẹ Phúc, nơi giúp đỡ trẻ em khuyết tật hơn 20 năm qua - Video: NGUYỄN HIỀN
Sáng chủ nhật, gần 30 đứa trẻ khuyết tật được bố mẹ đưa đón đến căn phòng sinh hoạt cộng đồng ở khu tập thể X1 (đường Hoàng Ngọc Phách, Q.Đống Đa, Hà Nội) tham gia hát, múa với các cô, các bác, các bạn ở .
"Hello - vỗ đi - đập tay đi" là cử chỉ, điệu chào quen thuộc của những đứa trẻ ở nơi này. Chúng chào nhau bằng cú đập tay như đôi bạn thân Hoàng - Trung, bằng nụ cười của cô bé Linh hay nhanh nhảu bắt chuyện với mọi người như cô bé Thảo dễ mến.
Đúng 9h sáng, bà (77 tuổi) bước vào căn phòng sinh hoạt cộng đồng, những đứa trẻ mừng rơn gọi "mẹ Phúc, mẹ Phúc", cả đám ôm lấy bà và cười tươi khi được mẹ Phúc xoa đầu.
Mở ra cánh cửa tâm hồn
Âm nhạc vang lên, những đứa trẻ đứng lên nhún nhảy, lắc lư theo từng điệu nhạc, lẩm nhẩm hát theo bài hát truyền thống quen thuộc. Ở hàng ghế cuối cùng, anh Nguyễn Quốc Tuấn (29 tuổi) vẫn cúi mặt xuống, không bắt chuyện với ai.
"Tuấn, đứng lên nào, khởi động nào", lời mời khẩn thiết của bà giáo già như thúc giục bước chân của chàng trai trẻ. Tuấn đứng phắt dậy, hòa vào nhún nhảy theo điệu nhạc cùng các em nhỏ.
Bị chứng tự kỷ, Tuấn rất ngại ngùng khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, nhưng anh nói chỉ có đến lớp này mới giúp anh vui hơn, được học hát, học múa cùng các em. Thậm chí còn tự tin xin số điện thoại của những người bạn mới quen và cẩn thận ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ.
Âm nhạc đã khiến anh quên đi tuổi tác, xóa nhòa đi khoảng cách, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Những đứa trẻ ở CLB, cả phụ huynh cũng gọi người phụ nữ này là mẹ. Mẹ Phúc đã giúp đỡ hàng trăm trẻ em khuyết tật, giúp các con hòa nhập với cộng đồng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đó cũng là tâm niệm bà Phúc cùng CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội kiên trì đeo đuổi hơn 20 năm qua.
"Đến với nhau bằng tấm lòng vàng
Để yêu thương tỏa sáng nhân gian
Với cuộc đời đầy nghĩa nặng tình sâu
Người với người sống để yêu nhau"
Ở CLB ai cũng thuộc bài hát truyền thống này, từ học viên lớn tuổi nhất ngót nghét ngoài 30 tuổi hay nhỏ nhất, tự nhận mình 6 tuổi như chàng trai Hoàng… Nhưng dù tuổi tác có chênh lệch, những đứa trẻ gắn bó với CLB này đều nghe lời mẹ Phúc, nghe lời các cô giáo dạy nhạc, dạy hát, dạy múa răm rắp.
"Tôi rất tự hào với tiếng mẹ và càng yêu thương các con", bà Phúc âu yếm nhìn những đứa con đang quây quần bên cạnh nói.
Có rất nhiều nghề, nhưng sở trường về văn nghệ, hơn 20 năm trước bà Phạm Thị Phúc quyết định thành lập CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội và đều đặn tập hợp các em nhỏ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội lại với nhau.
Bắt đầu từ Trường tiểu học Trung Tự (Đống Đa), nay chuyển về khu tập thể X1. Phụ huynh và con em tìm đến với bà Phúc, với CLB của bà như một địa điểm sinh hoạt, vui chơi vào mỗi cuối tuần.
Bà Phúc tin trong "bách nghệ", âm nhạc sẽ giúp mở ra cánh cửa tâm hồn cho những đứa trẻ.
"Đứng lên nào, khởi động nào", là những lời mời ân cần mẹ Phúc dành cho những đứa trẻ khi bắt đầu buổi học - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Có chúng tôi cùng đi
Hàng trăm đứa trẻ nay đã trưởng thành, có những cô cậu làm giám đốc xí nghiệp, chủ cửa hàng bán tranh, 18 đôi kết duyên vợ chồng. Để làm được điều này, bà Phúc đã trải qua một chặng đường dài.
Những ngày đầu, bà tìm đến Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nhờ thầy giáo dạy chữ nổi. Bà cũng mày mò học ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ hình thể để nói chuyện được với trẻ em câm điếc. Bà nói chỉ có như vậy mới hiểu, mới tâm sự được với các em.
Nguyệt (trái) tham gia lớp học suốt 7 năm qua, em bị câm điếc bẩm sinh, bị down, bị tim, bà Nghĩa (phải) không còn cảm thấy con gái mình thiệt thòi nữa khi nhìn thấy con nhún nhảy, vui chơi ở CLB - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Rồi bà tin, giống như "thỏi nam châm có từ trường mở rộng", CLB thu hút được nhiều em nhỏ, nhiều phụ huynh gắn bó, cả những đồng nghiệp của bà Phúc cũng tìm đến nơi này với mong mỏi đóng góp chút công sức giúp các em nhỏ.
"Tôi vẫn nói cho đi là không bao giờ thiệt, nếu mình làm đúng thì phụ huynh ủng hộ, gắn bó với mình. Tôi luôn luôn có những đồng nghiệp ủng hộ, nếu một mình tôi làm có lẽ sẽ không có hiệu quả như hôm nay", bà Phúc tâm niệm.
Những đứa trẻ có nụ cười rạng rỡ, chúng vui thích khi được hát, được múa tại lớp học của mẹ Phúc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Phía ngoài lớp học, chị Vũ Thị Vân tất bật lo cơm nước cho những đứa trẻ, chốc chốc chị hướng ánh mắt vào lớp học, nơi có cậu con trai Hoài Nam (12 tuổi) đang vui đùa, nhảy múa với cô giáo và các bạn.
Đôi mắt người mẹ trẻ đỏ hoe khi nhắc đến bệnh tình của cậu con trai. Ngày con vừa tròn 5 tuổi, chị dắt con đến xin mẹ Phúc cho con tham gia lớp học. Cả tuần con học chữ ở Làng hữu nghị Xuân Phương (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi giúp đỡ trẻ em bị chất độc da cam, đến cuối tuần mẹ con đèo nhau vượt hơn chục cây số đến với mẹ Phúc.
"Ngày ấy con còn bé không tự đi được một mình được, tôi theo con đi. Con ngồi học hát, học múa với các anh chị, lớp học cũng rất cần sự giúp đỡ của phụ huynh nên tôi giúp mẹ Phúc lo cơm nước cho các con, dọn phòng học cho các con ngủ trưa" - chị Vân lau nước mắt nói.
Cũng đằng đẵng 7 năm trời đưa cô con gái Đoàn Minh Nguyệt (26 tuổi) bị down, bị bệnh tim, câm điếc bẩm sinh đến sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Nghĩa nói chẳng thấy con thiệt thòi hơn mọi người nữa.
Ở nhà, Nguyệt bị những đứa trẻ khu phố trêu chọc hoặc tránh xa vì "thấy sợ", nhưng đến đây có bạn bè, con gái vui ra mặt.
"Em cảm nhận được tình yêu và bày tỏ bằng điệu bộ, ai yêu em em biết hết. Mẹ Phúc như người nhà, em bày tỏ lại bằng cử chỉ ôm ấp, xoa đầu là biểu hiện thân thiện", bà Nghĩa bày tỏ.
Con yêu mẹ Phúc
Những cái ôm thay lời muốn nói, là tình cảm của những đứa trẻ dành cho mẹ Phúc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
"Hôm qua ai xem tivi, thấy chúng mình không?", mẹ Phúc cất giọng hỏi. Cả căn phòng tràn ngập cánh tay giơ lên. Người mẹ tự hào chia sẻ với các con về giải thưởng mới nhận. Bà là một trong 10 gương mặt được vinh danh tại giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2018.
"Mẹ Phúc được khen, được vé máy bay miễn phí đi chữa mắt. Chúng mình được khen rồi. Chúng minh phải làm tốt hơn. Nào, giờ tập múa hát giỏi, ai tập giỏi mẹ sẽ chốt danh sách đi chơi Noel ở Thái Bình nha", bà Phúc nhắn nhủ với bọn trẻ.
Chỉ mới nhắc đến Noel thôi là cả đám trẻ ùa lên vui sướng. Cậu bé Hoàng cao ráo, đẹp trai tự nhận mình mới 6 tuổi giơ tay xin mẹ Phúc cho hát bài Bụi phấn. Còn cậu bé Hiệp (13 tuổi) đeo cặp kính cận có vẻ lầm lì, ít nói hơn các bạn nhưng nghe mẹ Phúc nhắc đến Noel là hào hứng xin hát bài Cô giáo em.
Hiệp hát còn ngọng líu ngọng lô, chưa tròn vành rõ chữ, chỉ mới hát được nửa bài hát là cu cậu bật khóc ôm chầm lấy mẹ Phúc.
"Con yêu mẹ Phúc… Mẹ Phúc yêu con… Yên mẹ nhiều", cặp kính cận ướt sũng nước mắt, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mà khóc.
Cả lớp vang lên lời động viên: "Hiệp đừng khóc", mẹ Phúc đang ôm lấy cậu con trai giàu tình cảm cũng động viên con: "Mẹ cảm ơn, không được khóc". Nghe mẹ Phúc động viên, cậu bé lau nước mắt rồi xin tiếp tục hát với các bạn.
Cả lớp biết chỉ một tuần nữa là đến sinh nhật mẹ Phúc. Bạn Lê hát vang khúc ca Happy birthday, Vân Khanh hát bài Ba ngọn nến lung linh, Thế Minh hát bài Một gia đình nhỏ một hạnh phúc to...
Ở lớp học có cả nụ cười, cũng không thiếu những giọt nước mắt nhưng là giọt nước mắt của tình yêu thương. Đến đây, họ vui quên mất tuổi, múa nhiều hơn, nói nhiều hơn, nhảy cũng nhiều hơn.
Có lúc mẹ Phúc ngẫm: "Mình già rồi, múa hát gì nữa". Nhưng chỉ thoáng qua vậy thôi, các con đã làm mẹ Phúc, làm những người mẹ người cha trẻ lại...
"Hạnh phúc, hạnh phúc lắm. Tôi có bao nhiêu là con... " - bà Phúc cười, nước mắt yêu thương rươm rướm đôi mắt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận