Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
"Trên nóng, dưới lạnh" là vấn đề rất lớn của nền quản trị quốc gia. Trong khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Hà Nội ngày 18-9, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đã ví chương trình phục hồi kinh tế - xã hội như chuyến xe cấp cứu nhưng lái xe cứ tà tà mà đi, mà hãm tốc độ ở mọi khúc cua và dừng lại ở mọi ngã ba, ngã tư để chờ đèn tín hiệu.
Chính vì vậy nhiều quyết sách chậm đi vào cuộc sống. Hậu quả là những chính sách phục hồi kinh tế - xã hội đúng đắn đã chưa phát huy được tác dụng như các nhà hoạch định mong muốn. Người dân và các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thực ra chính sách, pháp luật chỉ tốt ngang bằng với việc được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Khi "trên nóng" nhưng "dưới vẫn lạnh" thì hiệu quả chung của nền quản trị quốc gia vẫn còn rất hạn chế và sự phát triển vượt bậc sẽ rất khó xảy ra.
"Dưới lạnh" thường do khá nhiều nguyên nhân. Nhưng sau đây có lẽ là những nguyên nhân cơ bản nhất.
Trước hết "dưới lạnh" là do dưới không có đủ năng lực. Quyết định chính sách và thực thi chính sách là hai chuyện khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Quyết định chính sách là công việc của các lãnh đạo chính trị; thực thi chính sách là công việc của bộ máy hành chính - công vụ.
Khi một chính sách đã được ban hành, bộ máy hành chính - công vụ phải biết phân tích chính sách để lựa chọn được cách thức thực thi hiệu quả nhất, phải lên được kế hoạch thực thi, phải phân bổ được các nguồn lực, phải đề ra được các chỉ số để đo đếm kết quả thực thi...
Đây về cơ bản là những kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Các công chức vì vậy phải được đào tạo rất cơ bản và phải được cân nhắc, đề bạt nghiêm ngặt theo trình độ quản lý, điều hành.
Chúng ta có vẻ như chưa xây dựng được một đội ngũ công chức chuyên nghiệp và tài giỏi như vậy. Những cán bộ, công chức chỉ giỏi hô hào, động viên chung chung và chờ đợi sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên còn chiếm nhiều trong hệ thống.
Thứ hai, "dưới lạnh" là vì dưới sợ trách nhiệm. Làm gì cũng sợ sai là tâm lý chung của không ít cán bộ, công chức.
Vì sợ sai nên họ chờ hướng dẫn của cấp trên; vì sợ sai nên họ thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo. Hậu quả là công việc cho dù có nóng bỏng thế nào đi chăng nữa ở cấp trên thì xuống đến cấp dưới đều trở nên nguội lạnh.
Cũng cần quan tâm đến một thực tế phổ biến hiện nay là làm ít thì sai ít; làm nhiều thì sai nhiều; không làm thì không sai. Không sai thì lại dễ được cân nhắc, đề bạt! Rõ ràng chế tài cho việc làm sai đã và đang được áp đặt rất hiệu quả, nhưng chế tài cho việc ăn lương của dân mà chẳng chịu làm gì thì lại ít được áp đặt.
Đây phải được coi là lỗ hổng cần sớm được khắc phục trong việc vận hành chế độ trách nhiệm. Ngoài ra, áp dụng kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng rất quan trọng. Động cơ có trong sáng hay không là yếu tố cần phải được quan tâm khi áp đặt chế tài.
Thứ ba, "dưới lạnh" là vì dưới bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định phức tạp, chồng chéo, hợp lý và chỉ hợp lý một cách vừa phải của pháp luật. Áp dụng pháp luật để thực thi chính sách là một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Hệ thống pháp luật càng phức tạp thì trình độ này càng phải được xây dựng tương ứng.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn của bộ máy hành chính - công vụ và chính quyền địa phương hiện nay.
Chính vì vậy, để khắc phục vấn nạn "dưới lạnh" thì quan trọng là nâng cao năng lực áp dụng pháp luật của bộ máy. Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế để cắt giảm thủ tục và cải thiện môi trường sống, môi trường làm ăn của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận