Hưng ngồi trước mặt nhà trị liệu tâm lý, gầy gò so với tuổi 17. Cậu bé không nói gì mà chỉ run từng chặp vì cơn rối loạn lo âu rất nặng.
Ký ức đầy sợ hãi
Hưng đến cùng mẹ. Ngày hôm trước, cậu đã gây hoảng hốt cho nhiều người khi đột ngột leo lên tầng cao nhất của tòa nhà trong trường định nhảy xuống tự sát.
Rất may nhà trường phát hiện và can thiệp kịp thời. Trường hợp của Hưng được xác định là rất nghiêm trọng nên nhà trường yêu cầu gia đình phối hợp để đưa đi thăm khám và trị liệu tâm lý.
Khi đã bình tĩnh hơn và chấp nhận để chuyên gia giúp đỡ, Hưng kể cho chuyên gia về hai nỗi ám ảnh nặng nề trong đời cậu.
Khi cậu học lớp 4 thì bố mẹ ly hôn. Mẹ cậu phát hiện chồng ngoại tình và không thể tha thứ. Cuộc ly hôn của bố mẹ cậu từng kéo dài vì cả hai tranh giành quyết liệt quyền nuôi con. Cuối cùng người mẹ đã thắng trong cuộc chiến đó.
Người bố sau khi giành quyền nuôi con không thành thì trở nên thờ ơ với con. Một lần, mẹ Hưng đi công tác nên nhờ chồng cũ đến đón con ở trường. Người bố miễn cưỡng nhận lời nhưng đã quên.
Hưng kể với chuyên gia tâm lý: "Cháu đã chờ bố rất lâu ở cổng trường. Trời cứ tối dần, không còn ai ra vào trường nữa. Cháu đã rất sợ hãi vì nghĩ mình bị bỏ lại. Sau này mỗi khi nhớ đến cảm giác lúc đó, cháu lại thấy sợ hãi run người".
Ngồi nghe chuyên gia nói chuyện với Hưng, người mẹ cũng cho biết hôm ấy rất may là bác bảo vệ ở trường học đã phát hiện ra Hưng mệt lả ngồi ngoài cổng trường một mình và gọi cho cô giáo chủ nhiệm của Hưng.
Người mẹ kể: Ai cũng nghĩ nó còn trẻ con, nỗi sợ hãi nhất thời sẽ qua nhanh thôi. Nhưng không ngờ nó không quên được chuyện ngày hôm đó. Có những lần ốm sốt, Hưng mê sảng hét lên "mẹ ơi, con sợ lắm". Khi thức dậy, biết chắc mẹ ở cạnh, nó vẫn còn hốt hoảng, run rẩy.
Những cơn lo âu của con nhiều hơn vào khoảng chập tối. Đôi khi tôi nghĩ liệu có phải vì nó trùng thời gian với lúc bị "bỏ rơi" ở cổng trường trước đây không.
Đi đâu con cũng muốn tôi cùng đi, cả khi đã lớn. Những tác động bên ngoài rất dễ khiến con hoảng hốt và cơn sợ nhanh chóng lên đỉnh điểm mỗi khi mẹ ốm, mẹ đi làm về muộn hay đến đón chậm vài phút vì tắc đường.
Người mẹ kể có lần chị uống rượu một mình đến khi say mềm và ngủ thiếp đi không biết trời đất gì. Hưng đã gào khóc bên cạnh thân thể mềm nhũn của mẹ.
Cậu nghĩ mẹ đã chết. Khóc mệt quá, Hưng cũng ngủ thiếp đi bên cạnh mẹ. Khi tỉnh dậy, người mẹ thấy con trai mặt mũi bơ phờ, nước mắt nước mũi đã khô còn nhem nhuốc từng vệt trên má mới biết mình đã làm con sợ đến thế nào.
Ám ảnh bị bỏ rơi và nỗi lo có thể mất mẹ - chỗ dựa duy nhất - ăn sâu vào trí não Hưng. Trong các buổi trị liệu, chuyên gia tâm lý đã phải dùng liệu pháp tái hiện lại những sự cố gây ám ảnh nặng nề.
"Tái hiện lại để giúp bệnh nhân đối diện, từ đó vượt qua nỗi sợ là một cách trị liệu. Vì những ám ảnh gây sang chấn tâm lý giống như nút nghẽn trong tâm trí, rất khó xóa mờ, như thể mới hôm qua dù việc đã xảy ra từ rất lâu", vị chuyên gia cho biết.
Theo đánh giá của chuyên gia, đỉnh điểm tiến trình rối loạn tâm lý của Hưng là năm lớp 8, lớp 9, khi cậu bé ở độ tuổi 15. Nhưng không ai phát hiện ra điều đó nên cậu bé đã không được trị liệu.
Hưng chán ghét, xa lánh mọi người, nhưng lại luôn thường trực cảm giác sợ hãi vì bị bỏ rơi. Cậu chỉ tin tưởng, gần gũi với mẹ nhưng lại luôn thường trực nỗi sợ "mẹ sẽ chết".
Khi "nút nghẽn" được khai thông, những tổn thương của Hưng cũng mới được lộ diện. Nó lý giải cho các biểu hiện bất thường đã suýt khiến cậu bé tìm tới cái chết.
Ghét những người "hay giáo lý"
Thời kỳ đầu mới trị liệu, Hưng vẫn tỏ ra rất ghét bố. Khi nói chuyện với chuyên gia, cậu bé không gọi bố mà thay bằng từ "ông ấy".
Hưng ghét bố vì cho rằng ông là nguyên nhân dẫn tới gia đình tan nát. Sau khi ly hôn, bố Hưng cưới người vợ mới lại là một người bạn cũ của gia đình mà Hưng từng quen thân. Điều đó khiến cậu nghĩ bố và mẹ kế là người giả dối.
Có một điều trùng hợp là trong các sự kiện quan trọng của Hưng, bố cậu đều bận đi công tác hay có lý do vắng mặt. Khi đã bình tâm hơn, mẹ Hưng chủ động tạo tình huống để bố con gần nhau, nhưng bố Hưng đều bỏ lỡ. Điều đó càng khiến Hưng nghĩ bố bỏ rơi mình, ông đã không làm được những điều tốt đẹp như ông nói.
Theo vị chuyên gia trị liệu cho Hưng thì người bị trầm cảm thường dễ thổi phồng một sự việc, một vấn đề nào đó. Người bố không đến mức như Hưng nghĩ. Sai lầm cơ bản của anh là dành quá ít thời gian để hiểu và tôn trọng cảm xúc của con. Điều chính yếu là anh cũng không nghĩ nó lại quan trọng đến thế với con mình.
Còn Hưng đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho chuyên gia để cho rằng bố cậu "giả nhân, giả nghĩa". Đỉnh điểm là một lần Hưng đã phản ứng bỏ đi khi bị bố "giáo huấn". Hưng cho rằng cậu không có bố. Người từng là bố giờ là người dưng nước lã.
Vì cho rằng bố thích nói kiểu giáo lý một cách giả dối, Hưng cũng ghét tất cả những ai nói giọng giáo lý. Hưng kể với chuyên gia rằng cậu ghét cay ghét đắng cô giáo dạy văn, thầy giáo dạy hóa học, thầy dạy thể dục vì họ thường răn dạy học sinh phải thế này thế kia và dễ dàng quy chụp cho học sinh là hư hỏng, mất nết, vô ơn.
Nếu ám ảnh quá khứ gây nên nỗi sợ ăn sâu vào tiềm thức thì sự mất niềm tin vào người lớn khiến Hưng càng ngày càng khó kiềm chế những cơn giận. Cậu muốn đập phá, muốn chống lại, muốn "tắt đi cái giọng giáo lý" nhưng không thể. Xung đột trong nội tâm khiến nhiều lúc Hưng suy sụp.
Cô đơn, sợ hãi, ám ảnh về chuyện bị bỏ rơi, mất niềm tin vào mọi người quanh mình khiến Hưng nghĩ đến cả việc tự sát, chấm dứt những gì cậu phải chịu đựng.
Hành trình trở lại đời thường
Trong khoảng hơn một năm, Hưng được mẹ đưa đến trị liệu ở chỗ chuyên gia tâm lý. Ngày nắng cũng như mưa, hai mẹ con không đến chậm buổi nào.
Ban đầu chỉ có thể giúp Hưng chế ngự, vượt qua cơn sợ hãi. Rồi cậu cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn về những điều cậu nghĩ. Hưng rất hợp tác, cậu cũng thực hiện đúng những gì chuyên gia căn dặn.
Năm Hưng học lớp 12, người bố nhận nhiệm vụ đưa đón cậu đi học, với một nguyên tắc "không nói lời giáo lý" với cậu. Từ chỗ không chịu, Hưng đã đồng ý đi với bố. Nhưng suốt một thời gian dài, bố con chỉ im lặng trên đường đi, không ai nói gì với ai.
Sự cố suýt mất con trai khiến người bố nhận ra vấn đề nghiêm trọng hơn. Anh cũng dành thời gian tham gia một số buổi tư vấn riêng về cách hỗ trợ, giúp đỡ Hưng. Vì con nên hai bố mẹ cũng gặp nhau và trao đổi nhiều hơn. Người mẹ cũng tha thứ cho bố. Người bố cũng chú tâm giữ lời hứa trong những việc liên quan tới Hưng.
"Khi đứa trẻ đã bước đến điểm cận tử, điều mong muốn lớn nhất của cả đại gia đình Hưng là cậu sẽ là một người bình thường, là chính cậu", vị chuyên gia trị liệu cho Hưng chia sẻ và cho rằng sự hợp tác tốt của bố mẹ Hưng là yếu tố quan trọng giúp cho việc trị liệu tiến triển tốt.
Trong lúc cha mẹ mải lo tranh đấu ở tòa để ly hôn, nhiều người đã không biết con mình cũng phải vật lộn với nỗi sợ hãi, đau khổ khi đứng trước lựa chọn: Ở với bố hay mẹ? Và liệu bố mẹ có muốn tiếp tục nuôi dưỡng mình không?
Kỳ tới: Đứng trước lựa chọn buồn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận