Ngay giữa thủ đô có một đứa trẻ 11 tuổi bị mẹ như giam lỏng trong nhà, không được đến trường. Và tám năm trước từng có một cuộc "giải cứu" bất thành.
Cuộc "giải cứu" bất thành
Chị Võ Thị Thúy, nguyên biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, một trong số những người đã tham gia "giải cứu" đứa trẻ, kể lại:
Tôi biết chuyện này vào tháng 4-2015 qua một người bạn. Bé là H., còn mẹ là chị N. sống trong một chung cư ở Hà Nội.
Người dân và quản lý chung cư kể chị N. hầu như không giao tiếp với ai, cũng không cho ai vào nhà mình. Chị cũng rất hãn hữu ra khỏi tòa nhà. Chị luôn nghĩ có người muốn ám sát nên lúc nào cũng mang theo một con dao và cái búa đinh mỗi khi ra ngoài.
Chị không bao giờ mua thức ăn hai lần ở một cửa hàng vì nghĩ khi quen biết người ta sẽ đầu độc chị chết. Trong mắt chị, mọi người đều rất xấu, chị không tin ai, kể cả anh em ruột thịt.
Sự kỳ quặc của chị N. khiến mọi người xung quanh đều cho rằng chị bị tâm thần. Thỉnh thoảng hàng xóm nghe tiếng bé khóc, van xin mẹ đừng đánh.
Dấu hiệu bất thường và phỏng đoán về sự không an toàn của cháu bé khiến tôi lo lắng. Tôi nghĩ phải "giải cứu" đứa trẻ nếu thực sự cháu bé bị giam lỏng và không được đi học.
Tôi tìm gặp luật sư Đào Thị Liên ở Công ty Luật Tiền Phong. Mục đích của tôi là muốn qua chị Liên, tiếp cận với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cùng cơ quan bảo vệ trẻ em để có thể hợp pháp can thiệp giúp đỡ hai mẹ con.
Tôi và chị Liên có buổi làm việc đầu tiên với cán bộ phụ trách hội phụ nữ UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Tại đây, chúng tôi mới biết trường hợp chị N. đã được UBND phường nắm và báo cáo lên UBND quận Hoàng Mai. Họ cũng đã có các cuộc gặp gỡ, bàn bạc với chồng cũ và gia đình các anh ruột của chị N..
Nhưng các cuộc gặp này đều không có sự thống nhất hướng giải quyết, thậm chí chính quyền không nhận được sự hợp tác tích cực từ chồng cũ và gia đình chị N.. Chính vì vậy, chuyện của chị cứ kéo dài...
Chị N. vốn là phụ nữ có học thức. Khi chị mang thai bé H., quan hệ vợ chồng bắt đầu trục trặc. Bi kịch gia đình khiến chị bị khủng hoảng tinh thần, bắt đầu có những biểu hiện bất thường tâm lý. Khi ly hôn, tòa án xử chị được quyền nuôi bé H.. Vào thời điểm chúng tôi tìm hiểu, anh Đ. đã có gia đình mới.
Chúng tôi đối diện với một vấn đề: muốn tách bé H. khỏi mẹ để giúp đỡ, cần phải có xác nhận của cơ quan chuyên môn về bệnh tình của chị N. và với tình trạng ấy chị không đủ điều kiện chăm sóc con.
Nhưng lúc đó, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm để mở được cánh cửa căn hộ, đưa chị đi khám bệnh, hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể tiến hành các giải pháp tiếp theo giúp đỡ bé H..
UBND phường nói lý do: "Phường chỉ có thể xác nhận là chị N. đang cư trú tại địa bàn phường quản lý, những vấn đề khác phường không đủ thẩm quyền". Chúng tôi tìm đến chồng cũ của chị.
"Tôi đã có gia đình riêng nên không thể đưa con bé về nuôi được", anh cho biết và nói luôn nếu tòa xử lại để bé H. ở với cha thì anh ta sẽ cho con vào trại trẻ mồ côi.
Chúng tôi chuyển hướng tiếp cận anh chị em ruột của chị và thuyết phục được người anh của chị N. xác nhận cho phép nhóm hỗ trợ chữa trị cho chị, kinh phí do nhóm chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chúng tôi cũng liên hệ với bác sĩ Hoàng Văn Đại - giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương khi đó, đề nghị hỗ trợ đưa hai mẹ con chị vào viện khám sức khỏe tinh thần. Bệnh viện nhiệt tình lên phương án phối hợp.
Chúng tôi đã bàn tính rất kỹ và thống nhất phương án "giải cứu". Dĩ nhiên việc này phải có sự chứng kiến của đại diện UBND phường, hội phụ nữ, tổ dân phố, công an khu vực và cả người nhà. Trước đó, chúng tôi đã làm việc để đảm bảo các thành phần trên có mặt đúng giờ.
Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt đúng giờ. Xe bệnh viện và các nhân viên y tế cũng có mặt, sẵn sàng vào cuộc, nhưng... đại diện chính quyền địa phương, hội phụ nữ, công an phường không ai xuất hiện! Sau bao nhiêu công phu chuẩn bị, kế hoạch của chúng tôi thất bại theo cách như thế.
Vướng luật, vướng trách nhiệm
Chị Thúy cho biết ngay sau đó, nhóm chị đã quay lại UBND phường đề nghị họ báo cáo sự việc lên quận. Chủ tịch phường hứa sẽ báo cáo nhưng yêu cầu nhóm chị Thúy phải làm việc trước với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận.
Theo chỉ dẫn, nhóm chị Thúy đã liên hệ nhiều lần để hẹn gặp được cán bộ phụ trách công tác xã hội của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận.
Nhưng người này cho biết phòng chỉ hỗ trợ các tổ chức có tư cách pháp nhân, trong khi nhóm chị Thúy không có, nên nếu có sự cố xảy ra thì không đảm bảo có người chịu trách nhiệm.
Thủ tục phức tạp trong khi nhóm chị Thúy không thể tìm ra tổ chức có tư cách pháp nhân có thể chịu trách nhiệm như quy định khiến cuộc giải cứu bé H. đi vào ngõ cụt.
"Thấm thía cảm giác bất lực. Khi đó chúng tôi mới hiểu vì sao trước chúng tôi không ai can thiệp vào câu chuyện này", chị Thúy kể thêm đã quyết định viết thư cho chủ tịch UBND thành phố thời kỳ đó. Và bất ngờ họ nhận được phản hồi, ông chủ tịch sẽ can thiệp.
Tác động từ người đứng đầu thành phố năm đó mang lại cho nhóm giải cứu một tia hy vọng về một cuộc giải cứu lần hai. Nhưng chị Liên cho biết trong lúc họ còn đang bàn bạc phương án giải cứu tiếp theo thì thông tin về mẹ con bé H. bị rò rỉ từ một nguồn nào đó.
Giới truyền thông tìm cách tiếp cận chị N. không được thì xoay ra phỏng vấn đại diện chính quyền và người dân. Họ kiên trì chờ chỉ để săn những bức ảnh mẹ con chị khi chị dắt bé ra khỏi nhà.
Vốn mang sẵn ám ảnh bị ai đó truy sát, đầu độc, nay thấy quá nhiều người quan tâm, "vây ráp" nên chị đã dắt bé bỏ trốn trong sự hoảng loạn.
"Tình huống bất ngờ đó khiến chúng tôi trở thành người ngoài cuộc hoàn toàn. Chị N. được tìm thấy ngay sau đó và đưa đến bệnh viện. Nhưng trong cuộc chạy trốn, chị để lạc con. Bé được người dân phát hiện, báo cho công an. Vì thuộc trường hợp không nơi nương tựa, bé được đưa đến trung tâm bảo trợ xã hội theo đúng quy định", chị Liên nhớ lại.
Trước tình huống mới, nhóm chị Thúy, Liên đã đề xuất được đưa bé ra khỏi trung tâm bảo trợ và nhận trách nhiệm nuôi dưỡng. Một quỹ từ thiện khi đó có ý định nuôi dưỡng và lo cho bé học hành đến năm 18 tuổi. Vấn đề vướng mắc vẫn là cần ý kiến của người thân trong gia đình. Nhưng không ai đứng ra xác nhận. Vì thế đề xuất lại bị bác bỏ.
Bé H. khi đó có biểu hiện rối loạn tâm lý vì bị giam lỏng quá lâu cùng mẹ. Thế nên chỉ sau đó ít lâu, bé lại được chuyển đến một trung tâm tiếp nhận trẻ khuyết tật. Hay tin, nhóm chị Thúy tìm đến ngay. Lần này, họ lại có đề xuất mới là xin gửi một giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt đến trung tâm để giúp bé và được đưa bé đi khám chuyên khoa.
Nhóm cũng đề đạt được là cầu nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ về kinh phí chăm sóc, chữa bệnh cho bé. Nhưng trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật này không chấp nhận vì không đúng quy định và chưa có tiền lệ như vậy. Bé H. ở lại trung tâm đó đến giờ...
"Ngoảnh lại nhìn, chỉ có thể buồn hơn", đó là tâm trạng của những người đã hơn một lần muốn dang tay đỡ lấy cô bé bất hạnh.
***************
Ký ức bị cha bỏ rơi, sợ hãi tột cùng khi tưởng mẹ - người thân duy nhất bị chết, cậu bé đã rơi vào trạng thái rối loạn lo âu.
>> Kỳ tới: Ám ảnh bị bỏ rơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận