Con cá sấu nước ngọt (nặng khoảng 150 gram, dài khoảng 30cm) trong tủ kính mà bà Lê Thanh Hòa ở huyện Hóc Môn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI
Chiều 29-7, bà Lê Thanh Hòa (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cho biết trước đó một ngày, con trai của bà (17 tuổi) mang về nhà một tủ kính có con cá sấu nhỏ, của một người bạn cho nuôi.
Bà Hòa đã giao cho lực lượng chức năng. "Con của tôi đem cá sấu về có ý định nuôi, nhưng tôi không cho. Tôi thấy cá sấu là động vật nguy hiểm", bà Hòa nói.
Tiếp nhận con cá sấu về Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi, lực lượng kiểm lâm TP.HCM xác định đây là cá sấu nước ngọt (tên khoa học là Crocodylus siamensis) thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Cá sấu nước ngọt trên nặng khoảng 150 gram, dài khoảng 30cm.
Cùng ngày 29-7, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cũng tiếp nhận 3 con khỉ đuôi dài do ông Huỳnh Văn Thanh (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) tự nguyện giao. Ông Thanh cho biết ông nuôi 3 con khỉ trên khoảng 2 năm, thấy khỉ càng ngày càng lớn, sợ gây nguy hiểm nên ông giao khỉ cho lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Quang Hoàng - phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - khuyến cáo người dân không nên tự ý nuôi cá sấu, nuôi khỉ nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung, vì chúng có thể tấn công gây hại cho người.
Người đang nuôi động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM để đơn vị đưa về Trạm cứu hộ động vật hoang dã cứu hộ, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Lực lượng chức năng tiếp nhận con cá sấu (nặng khoảng 150 gram, dài khoảng 30cm) do bà Lê Thanh Hòa ở huyện Hóc Môn tự nguyện giao - Ảnh: NGỌC KHẢI
3 con khỉ đuôi dài mà ông Huỳnh Văn Thanh (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận