05/01/2018 12:13 GMT+7

Con tôi từng nhờ cha 'đánh mấy anh hay bắt nạt con đi'

NGỌC HẠNH (Đắk Lắk)
NGỌC HẠNH (Đắk Lắk)

TTO - Hai năm đi học là hai năm con gái nhỏ của tôi bị bắt nạt. Đã có lúc bé nhờ cha đến trường đánh các anh giùm bé.


Con tôi từng nhờ cha đánh mấy anh hay bắt nạt con đi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Scripts For Schools

Đọc bài Dạy con "chịu đựng" hay "chơi tới" khi bị chọc phá, tôi như nhìn thấy câu chuyện của mình và cô con gái nhỏ đang học lớp 2.

Thỉnh thoảng con phàn nàn với tôi rằng ngày nào đi học cũng bị bắt nạt, con ghét đi học! Mỗi lần như vậy, tôi đều gợi hỏi lý do, ai bắt nạt con và cùng con tìm ra cách giải quyết, nhưng cũng có lúc tôi băn khoăn không biết cách giải quyết của mình liệu có đang biến con trở nên có xu hướng bạo lực hay không?

Năm lớp 1, có lần đi đón con, nghe con than đói. Tôi gặng hỏi sao lại đói vì con được ăn chiều bán trú, còn có hộp sữa trong cặp? Bé nói trong ấm ức: chị N. lấy bánh ăn chiều của con, còn sữa thì anh T. lấy mất. 

Tôi phải dỗ dành để bé nói ra và biết được tình trạng này xảy ra khá lâu rồi nhưng bé không dám kể vì bị hai học sinh lớp trên kia đe dọa, và vì bé vẫn muốn chơi cùng hai bé đó.

Sau đó tôi gọi điện cho cô bảo mẫu phụ trách lớp bán trú, kể lại sự việc và nhờ cô cho bé ăn bữa chiều ở trong lớp thay vì mang ra sân (để các cô dọn phòng cho lớp học buổi chiều). Tôi cũng không cho bé mang sữa đến trường và thường xuyên hỏi con có bị ai lấy mất đồ ăn nữa không? 

Mấy tuần sau đó, con gái tôi kể chuyện anh T. bị cô phạt, một mình con được cô "nhốt" ở trong phòng ăn xong bữa chiều mới được ra nên không bị ai cướp đồ ăn nữa. 

Nhờ sự quan tâm, hợp tác của cô bảo mẫu, tôi đã có thể giải quyết được nỗi ấm ức của con mình.

Lên lớp 2, con lớn hơn và có nhiều bạn hơn nhưng cũng hay phàn nàn chuyện bị mấy bạn, mấy anh lớp trên đánh, chọc ghẹo. Tôi đã hướng dẫn con phải nói với cô giáo, nhưng con kể: cô không làm gì cả, còn dọa sẽ đánh cả hai nếu hay méc. 

Tôi lại bảo con hãy tránh xa những anh nào hay đánh con, nhưng con nói các anh đó hay đánh khi con trên đường đến nhà vệ sinh. 

Hết cách, tôi đành phải chỉ: con không được chủ động đánh ai nhưng nếu bị ai đánh nhiều lần thì con phải đánh lại. Tôi dạy con: con nhỏ hơn nên có thể cắn hoặc cấu, giật tóc và la hét thật to để nhiều bạn khác nhìn thấy và can thiệp. 

Vậy nhưng nhiều ngày sau tình hình vẫn không cải thiện, vì "các anh đó chạy nhanh hơn nên con không làm gì được".

Vậy là dù "chịu đựng" hay "chơi tới" với những kẻ bắt nạt, cuối cùng con tôi vẫn bất lực và vẫn mang tâm trạng khó chịu, ấm ức khi đến trường. Con bé còn yêu cầu cha phải đến trường đánh mấy anh kia cho chừa đi!

Tôi tin rằng câu chuyện của con tôi không phải là cá biệt. Có lẽ nhà trường cho đó là chuyện nhỏ, nhưng đối với những tâm hồn non nớt của các bé tiểu học lại là chuyện lớn. 

Bức xúc của các em nếu được sự cộng hưởng của những phụ huynh nóng tính sẽ có nguy cơ dẫn đến việc phụ huynh đến trường tự giải quyết bằng vũ lực. Còn nếu phụ huynh cũng cho là chuyện nhỏ thì lâu dần sẽ dẫn đến nguy cơ các bé bị trầm cảm và chán ghét việc đi học. 

Đối với trẻ tiểu học, nguy cơ này còn thấp nhưng đối với học sinh trung học thì chuyện bị bắt nạt ở trường đôi khi dẫn đến những kết cục đau lòng như tự tử hay đâm chết bạn. Thực tế đã có không ít vụ việc như vậy trong thời gian qua. 

Vậy trẻ phải làm sao trong trường hợp này?

Là phụ huynh ai mà không xót khi đứa con yêu quý của mình bị bắt nạt ở trường. Theo tôi, nếu các thầy cô, chú bảo vệ, cô bảo mẫu quan tâm hơn, không xem chuyện bắt nạt là chuyện nhỏ thì mới giải quyết được tận gốc rễ vấn đề này. 

Làm sao để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không chỉ là khẩu hiệu?

NGỌC HẠNH (Đắk Lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên