16/12/2014 09:20 GMT+7

Con tôi đi học

HOÀNG THIẾU PHỦ
HOÀNG THIẾU PHỦ

Hằng năm cứ vào cuối thu, nước ngoài đường ngập nhiều và trên không có những cành cây gãy răng rắc, lòng tôi lại bức xúc về những nỗi hoang mang của thế giới học trò. Buổi mai hôm ấy - một buổi mai đầy sương thu và gió bụi, con tôi run rẩy nắm lấy tay tôi mà đi đến một nơi gọi là làng EDU.com.

Dân làng này đều rất trẻ và đông đúc. Người nào cũng kéo theo những túi hành lý nặng nề giống như khách đi du lịch. Người nào không có ba lô hai bánh thì phải cõng túi ấy trên lưng, nên lớn bé đều có cái bướu giống con lạc đà. Nhưng họ không phải du khách mà là học trò đi học. Trong những cái bướu ấy đơn giản chỉ có sách vở dùng cho một buổi học. Đứa lớn thì không sao, nhưng có những đứa nhỏ như cục kẹo, không biết chúng học thứ gì mà phải đem nhiều sách vở đến chết khổ!

Hai bên đường làng đầy những bảng hiệu quảng cáo, nhiều nhất là nhà sách: nào sách giáo khoa trọn bộ, tái bản lần thứ 20, có đính chính và bổ sung, nào sách tham khảo, sách đọc thêm… Đáng chú ý là những quyển truyện tranh Hifi như Cậu bé Bút Chì, Bảy viên ngọc Rồng, Sát thủ đầu mưng mủ. Lại có một số truyện tranh 18+ loại đặc biệt dành cho thiếu nhi. Bên kia đường là xóm Học Thêm và các lò luyện thi dành cho mọi trình độ từ lớp 1 đến lớp 12 gồm: Lớp chạng vạng, lớp rạng đông, lớp thứ bảy, chủ nhật. Trên những cột điện hai bên đường còn có nhiều mẩu giấy giới thiệu các tổ Gia sư dán chồng lên những số điện thoại khoan cắt bê tông, rút hầm cầu. Mặt đất thì đầy những tờ rơi quảng cáo các lớp năng khiếu như: ca múa nhạc, vẽ, bơi lặn, aérobic, võ thuật… Trong xóm Học Thêm có khu vực dành cho môn tiếng Anh với nhiều chọn lựa: tiếng Anh kiểu Mỹ, kiểu Anh, kiểu Sing, kiểu Phi, kiểu Úc, kiểu bổ túc, kiểu tăng cường, kiểu tự chọn, kiểu đề án… Tôi hỏi con tôi: “Giờ con tính học tiếng Anh cái kiểu gì đây?” Thằng nhỏ sợ quá, không trả lời mà khóc thét lên!

Đi thêm một đoạn, trước mắt tôi hiện ra một cửa hàng kim khí điện máy. Ở đây toàn những thứ đắt tiền như điện thoại di động, sim số đẹp, máy tính bảng. Đắt tiền nhất là loại học cụ cao cấp gọi là bảng tương tác, có kèm món khuyến mãi là một cái mền. Cô bán hàng giải thích: Vì được hưởng hoa hồng cao nên có nhiều trường không biết sử dụng nhưng vẫn mua bảng tương tác về làm kiểng, dĩ nhiên rất cần mền để trùm.Trên lề đường ngay đầu hẻm Sơn Ca có bày bán những món đồ second hand như: muỗng, vá múc canh, đũa bếp, nón bảo hiểm, dây thừng, bọc ni-lông. Ngoài ra còn có những vỉ thuốc an thần như Valium, Séduxen. Tôi thắc mắc hỏi một bà bên cạnh. Bà này giải thích:

- Đấy là những thứ công cụ hỗ trợ giáo dục dành cho các nhóm trẻ tư nhân: bé nào ngậm cơm trong miệng thì dùng đũa bếp, vá, muỗng inox đánh cho nó nuốt; khóc nhè thì lấy nón bảo hiểm xáng một cái lên đầu là nó nín ngay. Trộn một liều thuốc an thần vào cơm, canh thì buổi trưa đứa nào đứa nấy ngủ êm re.

- Thế còn dây thừng và bao ni-lông?

- Mấy thứ đó là dụng cụ vượt sông, vượt suối dành cho học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Tôi nghĩ thầm: Những thứ công cụ hỗ trợ này, đem dọa tụi sinh viên cũng rét chứ nói gì bọn trẻ lớp Chồi, lớp Lá.

Qua khỏi dãy phố này thì đến một ngã tư rất đông vui. Chỗ nào cũng có bảng hiệu đề chữ: Coffee music, Net ADSL, Game bắn cá, Võ lâm truyền kỳ… Thỉnh thoảng có những quán cóc bán trà sữa trân châu, ốc 7 món, bò bía, bánh tráng trộn, bột chiên… Nhìn thấy các cô cậu lớp lớn say sưa ngồi luyện công trong các tiệm game, thằng con tôi có vẻ thèm thuồng lắm.

Xa xa có mấy tòa nhà nhiều tầng vươn lên bên cạnh những bô rác. Hầu hết cửa sổ của các tòa nhà đều có treo quần áo đủ màu đủ kiểu trông như siêu thị bán đồ SI. Tôi bảo con tôi: Chỗ kia là ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia đấy. Nhưng phải chừng mười năm nữa con mới có thể đến đó. Con đường đi học của con nói chung còn dài và gian nan lắm.

Hình như cái bướu lạc đà trên lưng con tôi bắt đầu trở nặng. Thằng nhỏ bặm môi, khom người xốc lên. Tôi xoa đầu nó an ủi:

- Chịu khó ít bữa nữa đi. Tháng tới xí nghiệp tăng ca, mẹ sẽ kiếm tiền mua cho con một cái ba lô có hai bánh xe để con kéo đi học cho nhẹ.

Thấy nó thở phì phò có vẻ mệt, tôi hỏi:

- Con ổn chứ?

- Dạ con ổn mẹ ạ.

Nó thì chắc cũng tạm ổn nhưng tôi thì không. Từ bữa khai giảng đến giờ, phải lo đủ thứ tiền cho hai đứa con đi học nên tôi đuối như trái chuối. Nói thiệt, cái sự đi học của chúng nó bây giờ làm tôi lo lắng còn hơn lo tiền chợ hằng ngày. Và cái làng EDU.com mà chúng tôi đang đi cũng có vẻ giống cái chợ hơn là ngôi trường làng Mỹ Lý trong bài văn của Thanh Tịnh mà tôi được học ngày xưa.

Ôi! Những ngôi trường làng Mỹ Lý ấy tuy quê mùa nghèo nàn nhưng sạch đẹp và an toàn biết bao!HTP

HOÀNG THIẾU PHỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên