Một máy nghiền, từng được sử dụng để nghiền vỡ đá chứa vàng thị trấn Grass Valley. Ảnh: mountain-man-60.blogspot.com
Ở ngoại ô của thị trấn Grass Valley phía bắc California (Mỹ), một cấu trúc bê tông khổng lồ nằm chơ vơ trên cỏ dại và những vỉa hè đổ nát. Gần đó, không nhìn thấy được là một khu mỏ thụt sâu xuống lòng đất hơn 1.000 mét. Đấy là những gì còn lại của mỏ vàng Idaho-Maryland, một di sản từ kỷ nguyên khai thác vàng của thị trấn.
Nhiều mỏ như thế này đã từng thúc đẩy nền kinh tế của Grass Valley và ngày nay, những gì còn lại của Cơn sốt vàng là một đặc trưng của thị trấn: Một máy nghiền, từng được sử dụng để nghiền vỡ đá chứa vàng, hiện đứng bên một ngã tư trên Phố Chính; những chiếc xe chở quặng cũ kỹ và nhiều tàn tích gỉ sét khác có thể thấy trong các bãi đậu xe và mặt tiền nhiều cửa hàng xung quanh Grass Valley.
Vàng vẫn tồn tại trong các mạch khai thác của khu mỏ bị bỏ hoang và Rise Gold, tập đoàn đã mua lại mỏ vào năm 2017, có lý do để tin rằng việc mở cửa lại mỏ vàng sẽ có ý nghĩa về mặt tài chính. Khi mỏ Idaho-Maryland đóng cửa vào năm 1956, không phải vì vàng đang cạn kiệt, mà là vì chính sách kinh tế. Hiệp định Bretton Woods năm 1944 đã thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới nhằm tạo ra sự ổn định trong tỷ giá hối đoái. Một phần trong nỗ lực đó, giá vàng được cố định ở mức 35 USD/ounce. Khai thác vàng trở nên không có lãi ở Mỹ.
Ngày nay, giá vàng không còn cố định, và giá đã tăng mạnh trước bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Khi đại dịch bắt đầu, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đã hạ lãi suất trong một nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ và khuyến khích vay tiền. Nhưng mức lãi suất thấp kỷ lục đó đã làm giảm lợi nhuận trên trái phiếu và tiết kiệm, khiến vàng trở thành một khoản đầu tư tương đối hấp dẫn hơn.
Hiện tại, khi lạm phát gia tăng và sự bất ổn kinh tế mới do làn sóng Omicron, nhu cầu đối với vàng vẫn ở mức cao. Vào năm 2020, khoảng 43% lượng vàng tiêu thụ trên toàn cầu được chuyển đến các quỹ giao dịch trao đổi và các ngân hàng trung ương. Khi giá cả tăng và công nghệ khai thác ngày càng phức tạp, các mỏ khai thác đang được mở lại ở những nơi mà việc khai thác từng bị cho là không khả thi về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, khai thác vàng giờ không đơn giản như trước. Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS) ước tính rằng trong số vàng được biết đến trên thế giới, khoảng 63.000 tấn vẫn còn trong lòng đất, so với khoảng 206.000 tấn đã được khai thác. Và vàng chưa được khai thác trên thế giới thường nằm sâu hơn dưới lòng đất và do đó khó tiếp cận hơn. Để có được nó, các công ty phải tìm ra cách làm với lượng chất thải khai thác khổng lồ, một số có chứa kim loại nặng và các chất độc hại khác.
Rise Gold đã cam kết giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động khai thác mới bằng cách sử dụng kỹ thuật gọi là san lấp dính, bao gồm bơm hỗn hợp nước, chất thải mỏ và chất kết dính (thường là xi măng) vào các đường hầm khai thác.
Việc này giúp hỗ trợ cấu trúc và giảm lượng chất thải mỏ trên mặt đất. Có một số nhà khoa học ủng hộ những lợi ích của cách tiếp cận này, nhưng đó chỉ là một giải pháp một phần và vẫn còn những điều chưa chắc chắn về tác động lâu dài của nó. Nhiều cư dân địa phương ở Grass Valley vẫn hoài nghi, lo ngại về chất thải mỏ.
Trước những thách thức này, một số nhà kinh tế đang đặt câu hỏi liệu khai thác vàng có hợp lý không khi loại khoáng sản quý giá này chỉ được sử dụng cho kho của ngân hàng. Nhà kinh tế tài chính Dirk Baur cho biết: "Chi phí khai thác cao. Có một số lợi nhuận cho công ty khai thác, nhưng một khoản lớn là chi phí".
Trong vài thập kỷ qua, các đề xuất phát triển hoặc mở rộng các cơ sở khai thác vàng đã được đưa ra trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Bắc Ireland, Dalradian Gold có kế hoạch mở một mỏ ở Dãy Sperrin. Tại Newfoundland (Canada), Marathon Gold dự kiến sẽ mở một mỏ lộ thiên mà công ty cho biết sẽ là hoạt động khai thác vàng lớn nhất ở khu vực bờ Đại Tây Dương của Canada.
Tại Mỹ, vào năm 2020, có trữ lượng mỏ vàng lớn thứ tư trên thế giới, các hoạt động khai thác đã mở rộng ở tây bắc bang Arizona trong những năm gần đây và có kế hoạch mở lại một mỏ ở trung tâm Idaho. Nhiều công ty đang tìm cách làm giàu mới ở những địa điểm cũ, đối mặt với sự phản đối của cộng đồng tương tự như những gì đang xảy ra ở Grass Valley.
Những người phản đối có lý do chính đáng để cảnh giác. Khai thác mỏ tạo ra rất nhiều chất thải, bao gồm 'đá thải' và bùn còn lại sau khi vàng được chiết xuất từ quặng. Cả đá thải và bùn thải đều có thể chứa các chất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm nước ngầm và nước mặt.
Trong nhiều thập kỷ Grass Valley đã phải đối phó với ảnh hưởng của hoạt động khai thác ở thời kỳ Cơn sốt Vàng. Asen (thạch tín), xuất hiện tự nhiên trong các mỏ vàng ở chân núi Sierra Nevada, vẫn là một vấn nạn đang diễn ra trong khu vực. Các chất thải cũ vẫn có thể làm rò rỉ kim loại nặng nhiều thập kỷ sau khi các hoạt động khai thác đã ngừng. Tại Grass Valley, cơ quan chức năng đã ghi nhận nồng độ asen cao trong một đống chất thải có biệt danh là 'Gò Bụi Đỏ'.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận