Ở vùng Kedougou phía đông nam Senegal, cơn sốt vàng bắt đầu ngay sau bình minh, khi cái nóng vẫn còn có thể chịu đựng được và mặt trời trong xanh.
Gần làng Samekouta, những người đàn ông với khuôn mặt mệt mỏi đậu xe máy bên rìa một khu đất rộng lớn đầy đá, có cây cối bao quanh và cỏ cao lút đầu. Quần áo họ phủ đầy bụi đất.
Mỏ thủ công - đó là các lỗ đen hẹp mà thợ mỏ sẽ biến nhanh vào. Nghề đào vàng này đến từ Senegal, Mali, Burkina Faso và Guinea.
Hầu hết vàng rời khỏi Senegal
Báo cáo mới nhất do Cơ quan thống kê của Senegal công bố cho biết sản lượng vàng lên tới 590 triệu euro vào năm 2020. Con số có thể lớn hơn nếu tính cả việc khai thác không chính thức.
Các ước tính cho thấy khoảng 90% số vàng được đưa ra nước ngoài.
Aliou Cisse (tạm giấu tên thật) nói với Đài truyền hình Đức DW ở Faranding, một ngôi làng bên bờ sông Faleme, “phần lớn là người Mali và người Guinea mua vàng”. Anh Cisse cũng thường đi đào vàng trên những cánh đồng xung quanh làng.
Vùng Kedougou, một trong những vùng nghèo nhất của Senegal, là nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc. Người nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia khác ở Tây Phi, đến Kedougou để thử vận may với nghề đào vàng.
Khai thác vàng không phải là mới ở khu vực giáp biên giới Mali và Guinea. Nông dân và dân làng đã làm nghề này ở mức độ thủ công trong nhiều thập kỷ.
Nhưng từ những năm 2010, ngành khai thác vàng của Senegal phát triển đáng kể.
Người dân địa phương muốn tìm kiếm thu nhập cao hơn đã chuyển từ nông nghiệp sang khai thác quy mô nhỏ ngay trên đất của họ.
Lời đồn về vàng thu hút số lượng lớn người nước ngoài và các công ty nước ngoài thành lập các mỏ công nghiệp và bán cơ giới.
Chiếm đất và ô nhiễm
Cơn sốt vàng gây thiệt hại cho người dân địa phương. Một số người chứng kiến một phần đất đai của họ bị chính quyền địa phương thu hồi và môi trường bị ô nhiễm.
Anh Cisse nói làng anh mất đất đáng kể từ khi một công ty Trung Quốc thành lập một mỏ bán cơ giới ở ngoại ô.
Giờ đây, những chiếc xẻng điện đào không mệt mỏi những ụ cát màu cam ở khắp khu vực - nơi cư dân Faranding từng trồng ngũ cốc và rau quả hoặc tìm kiếm vàng.
Dòng sông Faleme trước trong xanh như pha lê, giờ có màu cam đục.
Các công ty khai thác mỏ đổ hàng nghìn lít nước thải, đôi khi có chứa các hóa chất như thủy ngân vào Faleme. Kết quả, người dân sống dọc sông không còn có thể uống nước hoặc sử dụng nước cho chăn nuôi hoặc trồng rau.
Tranh chấp mỏ và nghèo đói
Người dân nói họ nhận được rất ít tiền bồi thường và các công ty khai thác công nghiệp không cung cấp đủ việc làm cho người dân địa phương.
Ở một khu vực mà tình trạng thất nghiệp tràn lan, việc khai thác vàng đã trở thành nguồn thu nhập không thể thiếu.
Amadou Sega Keita, phó chủ tịch hội đồng vùng Kedougou, cho biết hiện có khoảng 300.000 người đang làm việc tại các mỏ, chủ yếu ở các địa điểm thủ công hoặc bí mật.
“Bạn có thể tìm thấy những người có bằng thạc sĩ ở đó", ông Keita nói với đài DW.
Đầu tháng 9-2023, có 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại một cuộc biểu tình sau tranh chấp về tuyển dụng tại các mỏ ở thị trấn Khossanto.
Vụ việc xảy ra gần dự án vàng Sabodala - thuộc sở hữu của Công ty Teranga Gold Corporation của Canada - được coi là khu mỏ công nghiệp lớn nhất ở Kedougou.
Mahamadi Danfakha, giám đốc đài phát thanh cộng đồng ở Saraya, cho biết: “Chỉ cách thị trấn Saraya vài km, bạn sẽ không thấy điện. Mọi người có cảm giác nhà nước đã nhắm mắt trước những nhu cầu của dân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận