Omakase là giống dâu tây do trang trại Oishii tạo ra trong một trang trại trong nhà ở ngoại ô New York.
Mặc dù có mức giá đắt đỏ là 20 USD cho một gói "The Omakase Berry" có 8 quả dâu tây cỡ lớn, nhưng các đơn đặt hàng từ những nhà hàng nổi tiếng vẫn tới tấp gửi về trang trại này, khi họ muốn có những món ngon và độc đáo để phục vụ thực khách.
Ngoài ra, sản phẩm dâu tây này cũng có lượng đơn đặt hàng cao tại một số siêu thị hạng sang ở hạt Manhattan - nơi bắt đầu bán chúng vào tháng 6 năm nay.
Anh Hiroki Koga (35 tuổi) - chủ của trang trại trên - cho biết anh đã chọn sản xuất Omakase do đây là "giống dâu tây ngon nhất và dễ sản xuất nhất" trong mô hình trang trại được xây dựng theo chiều thẳng đứng. Tại Mỹ, các nhà máy sản xuất thực vật đang trở thành xu thế mới để duy trì nguồn cung ổn định các sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy này trồng rau ăn lá như rau diếp, trong khi những nhà máy sản xuất trái cây phát triển chậm hơn và khó quản lý thì ít phổ biến hơn.
Trang trại Oishii áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp như canh tác trong nhà kính và làm vườn được thực hành rộng rãi ở Nhật Bản - nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này. Hoa và trái cây được trồng bằng cách kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và các yếu tố khác.
Công nhân Nhật Bản chiếm 1/3 đội ngũ nhân viên của trang trại, trong đó bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học nông nghiệp và những người từng trồng dâu tây.
Thụ phấn là một trong những thách thức lớn khi trồng dâu tây trong nhà máy thực vật. Nhưng bằng cách ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI), trang trại Oishii đã phát triển một hệ thống cho phép ong thụ phấn cho cây trong vòng 4 năm.
Robot tự lái di chuyển xung quanh nhà máy, chụp ảnh vườn ươm cây để công nhân có thể theo dõi sức khỏe và sự phát triển của chúng, cũng như điều chỉnh hoạt động của ong sao cho phù hợp. Kết quả là nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc ổn định sản xuất dâu tây nhờ quy trình thụ phấn hiệu quả cao.
Dâu tây ở Mỹ hiếm khi ngọt và tươi.
Khi anh Koga tiếp thị sản phẩm tới các nhà hàng nổi tiếng, dâu tây của anh nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán của người dân thành phố.
Chẳng mấy chốc, dâu tây của trang trại Oishii tạo thành một làn sóng chia sẻ trên mạng xã hội, thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng và danh sách chờ giao hàng cứ thế kéo dài, với những đơn đặt trước từ vài tháng.
Trang trại Oishii thông báo đã hoàn thành đợt huy động vốn 5,5 tỉ yen (40 triệu USD) vào năm 2021, theo đó cho phép trang trại này mở một nhà máy mới ở Los Angeles (Mỹ) vào tháng 10-2021.
Hiện anh Koga cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất ở các thành phố khác, trong khi mở rộng các địa điểm hiện có với việc bổ sung cà chua, dưa và các sản phẩm khác vào danh sách các mặt hàng cung cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận