13/05/2018 19:11 GMT+7

Con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Tháng 2-2016, hình ảnh về một người phụ nữ mặc áo trắng bật khóc nức nở trong một phiên tòa tại New York khiến cả ngành công nghiệp âm nhạc rúng động.

Con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm - Ảnh 1.

Dr.Luke, David Bowie, R.Kelly... là những người đã bị tố cáo từ các nạn nhân ''

Trong phiên tòa ngày hôm đó, thẩm phán đã bác bỏ đề nghị được giải phóng khỏi hợp đồng ghi âm của cô với nhà sản xuất âm nhạc Dr.Luke - người mà cô tố cáo đã liên tục lạm dụng tình dục cô trong suốt nhiều năm.

Đúng hai năm sau, vẫn trong bộ đồ màu trắng, người phụ nữ ấy bước lên sân khấu của Grammy 2018 trong tiếng hò reo, mạnh mẽ biểu diễn ca khúc Praying với thông điệp về việc chữa lành những vết thương trong tâm hồn và thể xác.

Kesha không khóc lần này nhưng nhiều khán giả đã rơi nước mắt vì xúc động.

Kesha hát Praying

Praying dù thất bại trước Shape of you của Ed Sheeran tại một hạng mục giải của Grammy (điều khiến ban tổ chức chịu không ít chỉ trích từ dư luận), nhưng khoảnh khắc Kesha cùng các đồng nghiệp nổi tiếng khác cất vang lời hát của những người phụ nữ từ chối im lặng chắc chắn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của âm nhạc nửa đầu năm 2018.

Cuối cùng thì con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm.

Ở một ngành công nghiệp mà trong danh sách 100 người quyền lực nhất thì hơn 90 người là nam giới (theo xếp hạng của Billboard năm 2017), những người phụ nữ đơn giản là gần như không có tiếng nói. Và chuyện lạm dụng tình dục trong âm nhạc có cả một lịch sử lâu đời.

David Bowie là vị anh hùng giải phóng tình dục hay một tội phạm tình dục? Sau khi câu chuyện về việc huyền thoại nước Anh quan hệ với một thiếu nữ 14 tuổi được phát tán, câu hỏi trên trở nên rất khó trả lời.

Thật may cho David Bowie là ông đã không còn sống để đối chất. Cũng như trường hợp minh tinh màn bạc Marlon Brando, những sự vụ kiểu này rốt cuộc chỉ góp phần thêu dệt thêm cho truyền kỳ về các thiên tài.

Cứ cho rằng với thế hệ của Bowie đó là chuyện bình thường, nhưng thế hệ ấy đã qua và trong một thế hệ mới, người ta không thể thỏa hiệp với những nguyên tắc cũ.

Cuối năm 2017, trên trang bìa tạp chí Times xuất hiện hình ảnh Taylor Swift như một trong những nhân vật của năm. Cô cùng nhiều phụ nữ can đảm khác được tờ Times ca ngợi là "Những người phá vỡ sự im lặng".

Nữ ca sĩ từng lên án một DJ thò tay vào váy mình, người này sau đó đã kiện Taylor ra tòa, đòi bồi thường hàng triệu USD. Để đáp lại, cô kiện ngược nhưng chỉ đòi duy nhất một USD tượng trưng.

Con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm - Ảnh 3.

Nam ca sĩ R.Kelly vừa bị Spotify tuyên bố loại bỏ sản phẩm ra khỏi các danh sách nhạc - Ảnh: Getty Images

Ngay cả một ông lớn về dịch vụ nghe nhạc là Spotify cũng rất thức thời. Chỉ vài ngày trước, Spotify tuyên bố loại bỏ sản phẩm của R.Kelly khỏi các danh sách nhạc và xóa bỏ mọi thuật toán để gợi ý các ca khúc của anh tới khán giả.

Nổi lên vào thập niên 1990, trong 30 năm sự nghiệp của mình, R.Kelly từng bị tố cáo tội danh dâm ô với trẻ vị thành niên nhưng đều được pháp luật tha bổng.

Ngành âm nhạc ở Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng #MeToo, điển hình là việc rocker Phạm Anh Khoa đang bị một số nghệ sĩ trẻ cáo buộc có những hành vi gạ tình không đứng đắn.

Tòa án có thể không đòi được công lý cho các nạn nhân, nhưng pháp luật không bao giờ là tòa án duy nhất, điều quan trọng hơn là những người phụ nữ đã không im lặng. Và họ không im lặng, bởi vì nói như Taylor Swift, "tôi đã giận dữ".

R. Kelly bị Spotify ngừng giới thiệu nhạc vì hành vi tình dục sai trái

TTO - Toàn bộ danh sách nhạc và gợi ý bài hát của ca sĩ nhạc R&B người Mỹ R. Kelly không được Spotify - dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất giới thiệu từ 10-5.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên