13/07/2018 09:57 GMT+7

Con sẽ sống quật cường dù nghèo khổ

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Đó là thổ lộ của cô học trò nghèo Huỳnh Thị Trúc Mai khi nói về quyết tâm vươn lên nghịch cảnh, không chịu đầu hàng số phận.

Dù hoàn cảnh có khác nhau, những cô cậu học trò nghèo tại thành phố hoa Sa Đéc vẫn luôn có khát vọng học hành, khát vọng sống mãnh liệt.

 Muốn kiếm tiền sớm lo cho ông bà

Căn nhà được chính quyền địa phương cấp tặng nằm khuất trong khu dân cư Tân Hòa (phường An Hòa, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là nơi mà cô học trò Huỳnh Thị Trúc Mai (học sinh lớp 8 trường THCS Trần Thị Nhượng) sống cùng với ông bà ngoại của mình.

Có dáng người đen nhẻm, nhỏ thó so với các bạn cùng trang lứa nhưng suy nghĩ của Mai thì chín chắn như một người trưởng thành. Những ngày hè này thấy quán café cạnh nhà có thông báo tuyển nhân viên phục vụ, Mai xin phép ông bà được nhận việc. Thấy Mai còn đang độ tuổi ăn học, lại không muốn cháu vất vả mưu sinh từ sớm, ông bà không đồng ý.

Đôi mắt buồn hoe, Mai bộc bạch: "Thấy ông bà sức khỏe yếu còn phải mưu sinh, nên con muốn làm gì đó phụ giúp, đỡ đần một phần chi phí cho ông bà. Sắp khai giảng phải tốn nhiều khoản chi phí đầu năm học mới nên con lo lắm, sợ ông bà ngoại không đủ tiền lo cho con".

Con sẽ sống quật cường dù nghèo khổ - Ảnh 1.

Thời gian rảnh ngoài giờ học, Trúc Mai phụ ông bà bán nước - Ảnh: THÀNH NHƠN

Mặc dù còn nhỏ, Mai đã biết làm hết tất cả việc nhà, kể cả việc phục vụ nước cho khách. Những hôm bà ngoại nằm viện, Mai trực tiếp đi thăm nuôi, đi chợ nấu ăn đem xuống cho bà ngoại ăn. Ngoài thời gian lên lớp cho việc học thì tất cả thời gian còn lại Mai đều dành để chăm lo, đỡ đần ông bà.

Bà Bùi Thị Út (56 tuổi, bà ngoại bé Mai) kể, ba Mai bỏ đi khi em chỉ mới lọt lòng vài tháng, mẹ đi thêm bước nữa cùng ngót nghét gần chục năm, hiện đang sống cùng chồng sau tại Tây Ninh. Thỉnh thoảng cả năm mẹ Mai mới về quê một lần nên mọi chi phí sinh hoạt, học tập của Mai đều do ông bà ngoại lo gánh.

Hiện thu nhập chủ yếu của gia đình từ công việc bán hàng nước và hột vịt lộn. "Ngày trước tui còn khỏe, ban ngày có đi bốc vác, ban đêm chạy xe ôm kiếm thêm. Nay bị tai nạn lao động, sức khỏe giảm sút nên không đỡ đần được gì nhiều, gia cảnh càng thêm khốn khó" ông Phạm Văn Danh - ông ngoại bé Mai bộc bạch.

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, Mai luôn hoàn thành tốt việc học, 8 năm liền là học sinh giỏi. "Mai ở lớp là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của em, nhà trường cũng xét tặng nhiều học bổng, phần quà để giúp đỡ em bước tiếp trên con đường học vấn", cô Trần Thị Lệ Hoa, giáo viên chủ nhiệm của Mai, chia sẻ.

Nói về dự định tương lai, Mai suy nghĩ hồi lâu mới nói: "Em dự định học hết cấp 3 sẽ học tiếng Nhật rồi đi xuất khẩu lao động. Ông bà ngoại em nghèo quá chắc không thể lo cho em học lên đại học được. Em chỉ mong đi làm sớm, kiếm tiền gửi về để ông bà được sống mạnh khỏe, hạnh phúc".

Mong đời con sáng sủa như "kim cương"

Tiệm sửa xe của anh Đỗ Hồng Ngọc (51 tuổi, cha bé Đỗ Lê Kim Cương, phường An Hòa, TP. Sa Đéc) được cất lên từ vài tấm tôn nay đã cũ nát, lủng lỗ chỗ. Do không có vốn kinh doanh, anh Ngọc chỉ có thể bơm hơi, vá ép cho khách chứ không thể sửa chửa chuyên sâu kiếm thêm thu nhập. Thỉnh thoảng mới có vài công nhân khu công nghiệp gần đó đến bơm hơi, vá ép. 

"Ngày nào khá lắm thì được 50.000 đến 60.000 đồng, bữa ế thì khoảng 30.000 đồng. Dè xẻn lắm mới đủ miếng ăn lo cho gia đình", anh Ngọc tâm sự.

Kim Cương hiện đang học lớp 4 trường tiểu học Phạm Hữu Lầu. Em luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Do mẹ bị suy nhược cơ thể không làm được việc nhiều, những lúc rảnh rỗi Kim Cương thường giúp đỡ mẹ rửa chén, lặt rau… 

Nói về ước mơ sau này, Kim Cương hồn nhiên cho biết: "Con muốn sau này làm cô giáo dạy Tiếng Anh để dạy học cho các bạn nhỏ. Con thấy làm giáo viên sẽ giúp ích được cho nhiều người".

Con sẽ sống quật cường dù nghèo khổ - Ảnh 2.

Bé Kim Cương cùng cha bên tiệm sửa xe của gia đình - Ảnh: THÀNH NHƠN

Hiện Kim Cương cùng cha mẹ đang sống nhờ trên mảnh đất của người dì. Do nhà đông con, hai bên gia đình không giúp đỡ được gì, cha mẹ Kim Cương lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Dù đã rất cố gắng, hiện tại ước mơ có được một mái ấm thực sự vẫn rất xa vời với gia đình của cô học trò nhỏ này.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, bí thư khóm Tân Hòa, phường An Hòa cho biết, hoàn cảnh của bé Kim Cương rất khó khăn, là hộ nghèo tại địa phương. "Những năm qua chính quyền luôn cố gắng tạo điều kiện để lo cho bé Kim Cương học hành đến nơi đến chốn. Sắp tới phường sẽ tặng sách vở để giảm bớt chi phí học hành đầu năm cho gia đình bé" , ông Tâm nói.

"Chúng tôi sẽ cố gắng cho Kim Cương học hành đến nơi đến chốn, dù gì cũng không để cho con bỏ học giữa chừng. Dù hoàn cảnh bây giờ còn nhiều khó khăn nhưng biết đâu mai đây nhờ Kim Cương sẽ sáng sủa hơn. Hi vọng đời con sẽ sáng như chính cái tên mà chúng tôi đặt cho con mình" anh Ngọc nói.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ

TTO - Hai đứa trẻ lớn lên trong hai hoàn cảnh không cha, được nuôi lớn từ gánh bún của bà, của mẹ, sống cùng người thân bệnh tật nhưng vẫn cố gắng học hành, yêu thương gia đình.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đèn đom đóm Sa Đéc