31/05/2018 14:05 GMT+7

'Con nuôi' của bộ đội biên phòng Hà Tiên

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 20h ở đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang), trong một căn phòng sáng đèn, thiếu úy Dương Văn Đủ, đội trưởng đội vận động quần chúng, kiểm tra bài vở của hai cậu bé.

Con nuôi của bộ đội biên phòng Hà Tiên - Ảnh 1.

Thiếu úy Dương Văn Đủ kiểm tra và kèm học cho hai anh em Lập - Nghiệp (trái) tại đơn vị - Ảnh: My Lăng

Đó là hai anh em ruột Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Nghiệp. Lập đang học lớp 12, còn Nghiệp học lớp 11.

Sáu năm gắn bó với tụi nhỏ cho đến khi đi đơn vị khác nhận nhiệm vụ, tình cảm của mình dành cho các cháu nhỏ là không thể đong đếm được, như là cha với con vậy

Thiếu tá DANH KIM HUÔL (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang)

Hai anh em Lập, Nghiệp được các anh bộ đội biên phòng nhận nuôi từ sáu năm trước. Câu chuyện bắt đầu khi cha của hai anh em, một ngư dân, đi làm thuê bị tai nạn chết trên biển. Mấy tháng sau, mẹ hai đứa nhỏ đi lấy chồng. 

Lúc đó Lập mới 8 tuổi, còn em trai mới 6 tuổi. Bà nội năm đó đã hơn 60 tuổi. Ba bà cháu ở trong căn nhà như cái chòi che lá tạm bợ.

Đơn vị kêu gọi các nhà hảo tâm và cán bộ chiến sĩ đóng góp làm tặng nhà cho bà nội, trị giá 60 triệu đồng. Hai anh em được ở chung phòng với các chú chiến sĩ, có vách ngăn để tụi nhỏ tự nhiên, thoải mái. 

Đơn vị phân công người hướng dẫn tụi nhỏ từ cách sinh hoạt, nề nếp trong đơn vị quân đội. Buổi sáng, 5h dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, cũng gấp nội vụ ngay ngắn, vuông vức y như các chú.

"Mới đầu về đồn chúng nó chưa quen, đang tuổi ham ăn ham ngủ nên mê ngủ không dậy, các chú đến gọi từng đứa. Đúng 6h sáng ăn cơm chung với các chú bộ đội. Ăn uống xong đến giờ tụi nhỏ đạp xe đi học. Tối, các chú thay nhau kiểm tra bài vở. 

Cán bộ, chiến sĩ đồn kiên nhẫn, dùng cả tình thương thay nhau rèn chữ, cập nhật kiến thức cho hai anh em Lập - Nghiệp vì hai đứa gần như bị mất căn bản" - thiếu úy Dương Văn Đủ kể.

Nói về lý do đưa hai anh em Lập, Nghiệp vào đơn vị ở, thiếu úy Đủ giải thích: "Môi trường ở khu vực biên giới rất phức tạp. Có nhiều đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm hình sự... nên chúng tôi lo cho tụi nhỏ lắm. Bà nội tụi nhỏ cũng lo. Anh em đưa tụi nhỏ vào đơn vị nuôi để kèm cặp sâu sát".

Không có các chú, tụi em không biết thế nào

Thiếu úy Dương Văn Đủ cho biết Lập, Nghiệp đi học xong về phụ bà nội nấu cơm rồi mới tới đồn ở với bộ đội. "Hai đứa nhỏ ngoan lắm, hiểu hoàn cảnh của mình nên không đua đòi. Dép đứt không có tiền mua dép mới, không xin các chú, vẫn xỏ dép rách đi học cho đến khi các chú phát hiện" - thiếu úy Đủ kể.

Ở đồn, tụi nhỏ gọi trung tá Kim Ngọc Diễn, đồn trưởng đồn Tiên Hải, là cha. Anh Diễn lấy vợ muộn, có con nhỏ nên hiểu hơn nỗi khổ không cha mẹ của tụi nhỏ, hay cho bánh kẹo, quần áo, giày dép, tiền ăn vặt.

Toàn bộ chi phí nuôi ăn học hai anh em Lập, Nghiệp được trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của đồn (cán bộ sĩ quan mỗi người góp 1% lương mỗi tháng). "Thỉnh thoảng các chú lại cho hai anh em tiền mua đồ lặt vặt. Tụi em đều thích làm bộ đội như mấy chú, sau này giúp dân" - cậu học trò Nguyễn Văn Lập bẽn lẽn nói.

Rồi Lập tâm sự khi cha mất, mẹ lấy chồng, hai anh em cứ khóc hoài vì nghĩ sao mình lại bất hạnh như vậy. "Hồi mới vào đơn vị, tụi em học dở lắm nên các chú phải cố gắng chịu đựng, kiên nhẫn dạy dỗ chúng em nên người. Nếu không có các chú, không biết tụi em như thế nào" - Lập nói.

Ngoài anh em Lập, Nghiệp, từ năm 2012 đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên còn nhận đỡ đầu ba cháu nhỏ, trong đó có hai chị em ruột là con của trung úy Lê Xuân Trường, đội trưởng đội vũ trang của đồn khi anh này qua đời.

Đó là em Lê Nguyễn Thị Diệu Hoa (12 tuổi) và Lê Nguyễn Phương Hoa (7 tuổi). Cha mất khi bé út mới sinh được một tháng. Từ đó đến nay, mỗi tháng đồn hỗ trợ 600.000 đồng và 20kg gạo.

Cũng từ năm 2012, đồn còn hỗ trợ bé Nguyễn Trường Duy, lúc đó 13 tuổi, ở với ngoại. Cha Duy là sĩ quan công an, khi làm nhiệm vụ không may bị phơi nhiễm HIV, mất năm 2005. Vì không phát hiện nên lây sang cả vợ. Mẹ Trường Duy mất ba năm sau đó.

"Đơn vị mua gạo đầu tháng cấp cho các cháu, giữ số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để thường xuyên trao đổi, hỏi thăm tình hình học hành và tâm lý của tụi nhỏ. Mình cũng là đại diện phụ huynh cho tụi nhỏ" - thiếu úy Dương Văn Đủ cho hay.

Những anh bộ đội Cụ Hồ mang mũ nồi xanh

TTO - "Một năm sống và làm việc tại châu Phi trong một môi trường hoàn toàn mới lạ về mọi mặt, là những trải nghiệm tuyệt vời" - tâm sự chung của những người lính Việt trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên