Cha mẹ nên làm bạn với con thay vì xem mình là 'người bề trên' - Ảnh: iStock
Tiếp nối câu chuyện phụ huynh phản ảnh con trẻ ngoan ngoãn ở trường nhưng về nhà chống đối, chuyên gia cho rằng đàm phán là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Trẻ 'nổi loạn' vì stress
Theo ThS tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, dù ở nhà hay ở trường, trẻ đều phải làm theo quy tắc, không có quyền thương thảo hay mặc cả với ai. Điều này đã gây áp lực với trẻ.
Đặc biệt ở nhà, bố mẹ luôn đưa ra các quy định, yêu cầu trẻ phải thế này phải thế kia mà ít khi nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải làm vậy.
Đã vậy, khi gặp tình huống khó xử, bố mẹ hay quát tháo, quy kết con hỗn hào, trả treo. Hệ quả là trẻ bị ức chế, phản kháng lại những gì bố mẹ nói.
"Giống người lớn, trẻ căng thẳng cũng cần phải 'xả'. Căng thẳng chỗ này thì trẻ 'xả' ở chỗ khác. Nhưng trẻ có khuynh hướng 'xả' ở nhà vì trong mắt trẻ, nhà là nơi an toàn nhất để trút bực dọc vì trẻ biết cha mẹ, ông bà thương mình", bà Huệ giải thích.
Một lý do nữa là bố mẹ không làm gương trong khi cứ bắt trẻ phải nề nếp, khiến trẻ bất mãn, lâu dần trở nên phản kháng.
"Ở trường các thầy cô luôn giữ kỷ luật để học sinh vào nền nếp, trẻ nhìn vào sẽ thấy thầy cô nói là làm. Ở nhà bố mẹ nói nhiều nhưng ít làm, hoặc làm nhưng không triệt để", bà Huệ phân tích.
Cũng có bố mẹ do thương rồi nhịn con, khiến trẻ biết mình có thể mặc cả và thậm chí "phá lệ" các quy định của bố mẹ. Kết quả, bố mẹ nói con nổi loạn.
Cùng con đàm phán, khuyến khích con
Theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ chính là tấm gương cho con hình thành nên tính cách và kỷ luật. Nói con được thì mình trước hết phải làm được. Quy định có thưởng phạt thì nên tuân thủ, không vì thương con mà nới lỏng để rồi con nghĩ "mình không làm cũng không sao".
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đưa mọi thứ vào khuôn phép, bởi một số thứ chỉ phù hợp trong một thời điểm nhất định nào đó. Vậy nên, quan trọng nhất là đàm phán để thay đổi.
Để đàm phán với con, bố mẹ phải học cách nói chuyện, làm bạn với con và học cách lắng nghe con. Đàm phán chỉ thành công khi cả hai phía đều thuận chiều. Bố mẹ mong muốn điều chỉnh con và ngược lại con cũng có mong muốn ở bố mẹ.
Trước khi nói chuyện với con, bố mẹ cũng phải thống nhất quan điểm với nhau trước, tránh bất đồng trong dạy con.
Việc chọn thời điểm đàm phán cũng cần thích hợp, thể hiện sự nghiêm túc của bố mẹ. Lúc ấy trẻ sẽ thấy được "mình cần thực hiện thôi, không phản kháng được".
"Có một điều bố mẹ thường xuyên mắc phải, dù đã được dư luận phản ánh nhiều lần, là bố mẹ thường đem con ra so sánh với con hàng xóm. Việc này làm cho trẻ trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí phản kháng", bà Huệ lưu ý.
"Khuyến khích và động viên con đúng cách rất quan trọng. Không phải lúc nào cũng tung hê con, sẽ làm con ỷ lại, nhưng cũng đừng vùi dập con bằng những chê bai", bà nhấn mạnh.
Trẻ đi học ăn ngoan nhưng về nhà phải có người đút, làm sao?
Theo bà Huệ, khi đến tuổi đi học trẻ sẽ được dạy tính tự lập bằng các quy định, theo thời gian các bé sẽ thích nghi với các quy định này, thường là rất nhanh.
Nhưng với gia đình là môi trường cũ, trẻ vẫn quen với thói quen của mình nên không chịu ăn mà phải có người đút. Bên cạnh đó, gia đình muốn trẻ ăn nhanh nên hay "giành" làm thay cho trẻ, cho trẻ ăn riêng...
Vì vậy để cải thiện, cần nói rõ với trẻ từ đầu, ví dụ như "từ nay con sẽ ăn chung với gia đình và tự ăn phần cơm của mình như mọi người xem thử ai ăn nhanh nhất" để kích thích trẻ.
Ngoài ra cũng nên cương quyết khi trẻ không chịu ăn. Thấy mọi người không nhượng bộ, trẻ tự khắc sẽ "biết thân biết phận" và tự ăn uống giống như ở trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận