Các nghệ sĩ xiếc có mức lương thấp và lao động vất vả, dễ gặp nguy hiểm - Ảnh: V.T.
Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế đang gặp phải một số khúc mắc cần được giải quyết như việc trao hỗ trợ "nhầm" cho một số nghệ sĩ khá giả.
Bất ngờ khi được hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng
Thông tin những nghệ sĩ như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh của Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng khiến dư luận xì xào. Điều đáng nói là các nghệ sĩ này đều bất ngờ khi biết mình được hỗ trợ từ báo chí và họ cũng không chờ được hỗ trợ bởi vì có người trong số họ (Hồng Đăng) đang lặng lẽ trao tặng quà từ thiện cho người dân gặp khó khăn vì giãn cách xã hội.
Khoản tiền hỗ trợ "bỗng dưng mà có" khiến các nghệ sĩ này ban đầu đã vấp phải sự "phán xét" của công chúng. Họ phải lên tiếng giải thích và cho biết rất vui vì nhận được sự quan tâm của Nhà nước nhưng sẵn lòng dành tặng lại phần mình cho anh em nghệ sĩ khó khăn hơn ở nơi mình công tác.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, NSƯT Tấn Minh - giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - cho biết nhà hát vừa nhận 11 suất hỗ trợ này. Nhiều người trong danh sách được nhận hỗ trợ là đúng, khoản hỗ trợ rất ý nghĩa với họ, nhưng cũng có những trường hợp chưa phải là trúng vì có những nghệ sĩ sắp nghỉ hưu có lương khá cao chứ không thấp.
Là giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi các "nghệ sĩ giàu" nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 nói trên, NSND Trung Hiếu thừa nhận danh sách nhận trợ cấp lần này gồm nhiều người chưa đến nỗi khó khăn quá.
Tuy vậy, ông cùng các lãnh đạo nhà hát và các nghệ sĩ đều khẳng định chính sách hỗ trợ cho nghệ sĩ gặp khó khăn do COVID-19 ở thời điểm này là rất cần thiết và có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ sĩ để họ tiếp tục bám nghề, nhất là các nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn cuộc sống thường ngày đã rất vất vả.
Nghệ sĩ hát bội đa số phải vất vả để có thể sống với nghề thì trong mùa dịch bệnh đời sống càng khó khăn hơn - Ảnh: LINH ĐOAN
Nên mở rộng đối tượng hỗ trợ
Nhận thấy những bất cập ngay khi nhận được đợt hỗ trợ nghệ sĩ đầu tiên, NSND Trung Hiếu đã có đơn đề xuất Sở VH-TT Hà Nội xem xét hỗ trợ lần 2 cho các nghệ sĩ, người lao động thực sự khó khăn.
Ông gửi kèm danh sách gần 20 lao động ở bộ phận âm thanh, ánh sáng, phục trang hậu đài, bảo vệ... của nhà hát đang thực sự khó khăn và họ xứng đáng được nhận trợ cấp chứ không chỉ các nghệ sĩ.
"Đúng là nghệ sĩ viên chức hạng IV có mức lương thấp nhất trong các hạng rồi, nhưng anh em làm âm thanh, ánh sáng... còn thấp hơn, kể cả nghệ sĩ hạng III mới đi làm lương cũng rất thấp. Trong một vở diễn thì những người làm âm thanh, ánh sáng, phục trang, hậu đài cũng có đóng góp rất lớn, nhưng thu nhập của họ lại thấp hơn cả nghệ sĩ viên chức hạng IV" - nghệ sĩ Trung Hiếu nói.
Ông cho hay Sở VH-TT Hà Nội đã phản hồi đơn kiến nghị của ông rằng đó là kiến nghị rất hợp lý và sở sẽ báo cáo thành phố để cố gắng sẽ có hỗ trợ đợt 2 sớm nhất cho các đối tượng nêu trên.
NSND Thúy Mùi - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - rất ủng hộ chính sách hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn của Nhà nước đợt này.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ tâm tư khi những nghệ sĩ ở các đơn vị sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam đang bị dịch bệnh nặng nề, hiện đang cực kỳ khó khăn lại không được hỗ trợ.
Bà cho biết các nghệ sĩ này có vở diễn thì có thu nhập, không có vở như trong gần 2 năm xảy ra COVID-19 gần như không có thu nhập. Theo bà Mùi, Bộ VH-TT&DL cùng chính quyền địa phương nên nghiên cứu để hỗ trợ cho các đối tượng nghệ sĩ này, mở rộng thêm đối tượng nghệ sĩ được hỗ trợ.
Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết sở đã có đề xuất lên UBND TP Hà Nội sớm có ý kiến và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định mở rộng đối tượng nghệ sĩ thụ hưởng trợ cấp phù hợp với tình hình thực tế.
Hỗ trợ nhầm cho nghệ sĩ: chỉ vài trường hợp cá biệt
Chiều 2-9, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Tạ Quang Đông nói vài trường hợp nghệ sĩ có điều kiện sống tốt được hỗ trợ khó khăn do COVID-19 chỉ là con số rất nhỏ trong hơn 2.000 nghệ sĩ hạng IV trên cả nước đang gặp khó khăn thực sự.
Việc hỗ trợ "nhầm" này, theo ông Đông, là do khâu thực hiện chính sách chưa được kỹ lưỡng từ phía cơ sở, chưa chú ý kỹ tới văn bản hướng dẫn thủ tục chứ không phải nằm ở chính sách chung. Bởi trong thủ tục hướng dẫn cũng đã nêu rõ các đơn vị sử dụng lao động cần xác định và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo quy định.
Ông Lê Minh Tuấn - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cũng khẳng định việc lựa chọn hỗ trợ cho viên chức nghệ sĩ hạng IV là hợp lý bởi những nghệ sĩ này hưởng mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và hầu hết đang tham gia biểu diễn ở các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, xiếc... và lao động rất vất vả, nguy hiểm. Trường hợp trao hỗ trợ cho một số nghệ sĩ khá giả có nhà, có xe hơi chỉ là vài trường hợp hãn hữu, cá biệt.
Mỹ: căn cứ nào để hỗ trợ người khó khăn do COVID-19
Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, từ tháng 3-2020 đến nay, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Quản lý dịch vụ tài chính liên bang và Sở Thuế vụ Mỹ đã mau chóng triển khai 3 đợt hỗ trợ có tên là "Các khoản thanh toán hỗ trợ ảnh hưởng kinh tế cho người lao động và gia đình họ bị ảnh hưởng vì COVID-19". Đợt hỗ trợ thứ ba bắt đầu thực hiện từ tháng 3-2021 và vẫn đang tiếp tục được giải ngân.
Theo trang web của Sở Thuế vụ (IRS) Mỹ, người đủ điều kiện không cần làm thủ tục, tiền hỗ trợ sẽ tự động chuyển vào tài khoản của họ.
Về tổng thể, chính quyền Mỹ căn cứ vào các yếu tố chính để quyết định người nhận hỗ trợ: phải là công dân Mỹ hoặc là cư dân thường trú tại Mỹ, có tổng thu nhập đã hiệu chỉnh theo năm (AGI) theo thông tin khai thuế ở mức được hỗ trợ theo quy định của luật pháp.
Trong đó, đợt hỗ trợ thứ 3, từ tháng 3-2021, cấp tiền mặt lên tới 1.400 USD cho một người trưởng thành và lên tới 2.800 USD cho vợ chồng khai chung thuế, cộng thêm tối đa 1.400 USD cho những người phụ thuộc đủ điều kiện được hỗ trợ, trong đó bao gồm cả người trưởng thành phụ thuộc chứ không chỉ trẻ em.
Sở Thuế vụ Mỹ căn cứ vào hồ sơ khai thuế năm 2020 của công dân và thường trú nhân để quyết định đợt hỗ trợ. Trong đợt này, một người đóng thuế đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ tối đa như trên nếu AGI không vượt quá 75.000 USD/năm với người độc thân hoặc có gia đình nhưng khai thuế riêng, không quá 112.500 USD với các chủ hộ gia đình, và không quá 150.000 USD với vợ chồng khai thuế chung. Các khoản thanh toán sẽ được giảm bớt với các trường hợp có AGI cao hơn các ngưỡng đó.
D.KIM THOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận