Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 35, phiên họp đầu tiên của năm mới Ất Mùi 2015.
"Quyết định công việc của Nhà nước và xã hội”
Ông Quyền cho biết, Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Hiến pháp 2013 xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”.
“Trong những năm vừa qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. Xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội” - ông Quyền nhấn mạnh.
Còn nhiều băn khoăn?
Điều 54 dự thảo luật quy định về “hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân” viết: “1. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố; 2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện kết quả trưng cầu ý dân”.
Mặc dù đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật này và nhất trí trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây nhưng nhiều ý kiến còn bày tỏ quan ngại về những nội dung khác nhau trong dự luật. “Do thể chế chính trị của ta khác biệt với thể chế chính trị của các nước, vậy luật này quy định những gì khác với luật của các nước?” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nếu chúng ta quan niệm xây dựng dự án luật này để khẳng định quyền dân chủ trực tiếp của người dân thì các vấn đề khác chỉ là quy trình, thủ tục mà thôi. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động của luật nếu được triển khai trong thực tế.
“Nhân dân có đang mong chờ không, trong bối cảnh VN hiện nay thì dự án luật nếu được tổ chức thực hiện sẽ đáp ứng được những nhu cầu gì? Các quy định trong dự án luật này đã phù hợp với thể chế, tổ chức nhà nước của Việt Nam chưa?” - bà Mai nêu vấn đề. Theo bà, trưng cầu ý dân khác với lấy ý kiến nhân dân trước đây, bởi lấy ý kiến thì chỉ để cơ quan có thẩm quyền tham khảo, xem xét, còn trưng cầu ý dân sẽ có hiệu lực trực tiếp, phải thi hành dựa trên kết quả quyết định của người dân.
Không nghĩ như bà Mai, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng “trưng cầu ý dân xong thì kết quả đó Quốc hội xem xét như thế nào, Quốc hội có chấp nhận hay không, chứ không phải là trưng cầu xong thì đem ra thực hiện luôn”.
Theo ý ông Phước, luật này rất quan trọng, không thể mơ mơ màng màng, nếu xử lý không khéo thì chúng ta tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta.
“Tôi đề nghị quy định trong luật này là không được kiến nghị trưng cầu dân ý những nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật. Giờ có nhiều thông tin trên mạng nhao nhao lên đòi hỏi chúng ta phải sửa cái này cái kia, rồi nó cũng nói là mạng này có mấy triệu người tham gia, bày tỏ ý kiến, như vậy thì chúng ta xử lý thế nào?” - ông Phước nói.
Vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc tiếp tục bày tỏ: “Không thể để ai cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Tôi đồng ý chỉ quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, không nên quy định MTTQ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận