28/12/2014 11:06 GMT+7

​Con nhà lính...

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG

TT - Câu chuyện về những cô bé, cậu bé là con của những người lính hải quân. Sống trong thời bình nhưng các em vẫn phải chịu đựng những nỗi đau thầm lặng, sự chia ly ở độ tuổi còn quá non nớt...

Đã sáu năm nay Hạ thay mẹ, giúp bố chăm sóc cô em bé nhỏ của mình từ miếng ăn, giấc ngủ đến học hành - Ảnh:Đ.Bình
Đã sáu năm nay Hạ thay mẹ, giúp bố chăm sóc cô em bé nhỏ của mình từ miếng ăn, giấc ngủ đến học hành - Ảnh: Đ.Bình

* Dành cho 333 học sinh là con cán bộ chiến sĩ hải quân 
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải quân  * Tài trợ: Công ty cổ phần Đồng Tâm

Dẫu vậy, vượt lên trên tất cả, các em vẫn phấn đấu học tốt, là những con ngoan trò giỏi.

Cô bé mồ côi ham học

Ngày 28-12, tại Vùng 1 hải quân, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” sẽ trao 120 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) dành cho học sinh là con cán bộ chiến sĩ hải quân đang học tập tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Trước đó, tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), chương trình đã trao học bổng này cho 64 học sinh vượt khó, học giỏi là con cán bộ chiến sĩ hải quân. Chương trình trao tổng cộng 333 suất học bổng với kinh phí 1 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đồng Tâm tài trợ. Những suất học bổng còn lại sẽ được trao cho học sinh tại các đơn vị hải quân.

Học bổng này nhằm tuyên dương học sinh vượt khó, học giỏi là con cán bộ chiến sĩ hải quân, qua đó động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ hải quân yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

Đến nay, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” đã tiếp nhận 55 tỉ đồng từ đóng góp của các cơ quan, đơn vị và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Phần lớn số tiền nói trên đã được sử dụng để mua trang thiết bị chuyên dụng và chăm lo hậu phương của cán bộ chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và trao học bổng cho con ngư dân bám biển... 

THÁI BÌNH

Mẹ mất từ lúc mới 9 tuổi, bố lại là lính công binh đi xây dựng đảo ngoài Trường Sa suốt, cô bé Phan Thị Nhật Hạ (lớp 10C10 Trường THPT An Dương, TP Hải Phòng) đã thay mẹ thay cha cáng đáng việc nhà, chăm sóc em nhỏ. Hạ vẫn học rất giỏi, nuôi ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch “để quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới...”.

Chuyển cho chúng tôi lá thư của con gái gửi người mẹ quá cố, trung tá Phan Đức Xuân (phòng kỹ thuật lữ đoàn công binh 131 Hải quân) xúc động, anh như muốn kìm dòng nước mắt vui sướng khi thấy con gái mình đã trưởng thành, cứng cỏi hơn chúng bạn và vui khi biết con được nhận học bổng 3 triệu đồng từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Anh tâm sự hơn sáu năm trước, khi Hạ mới 9 tuổi thì mẹ cháu (chị Trần Thị Vân, công tác cùng đơn vị với chồng) đã chết trong một vụ cướp. “Có lẽ bị ảnh hưởng từ đó nên cháu có vẻ chững chạc hơn chúng bạn”.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một cô học trò nhỏ nhắn có mái tóc dài óng mượt với đôi mắt buồn rười rượi. Hạ khá rụt rè, để tạo không khí chúng tôi hỏi Hạ: “Noel sắp đến, nếu được ước có một món quà, em sẽ ước gì?”. Chẳng cần nghĩ suy, cô học trò nói luôn: “Em ước mẹ còn sống để bố đỡ vất vả, để em Ngọc khỏi thiệt thòi”.

Nghe con ước, trung tá Xuân vội quay mặt giấu đi dòng lệ đang chực trào ra. “Điều ước của con quá chính đáng mà số phận trớ trêu như bỡn cợt tôi”. Trung tá Xuân tâm sự tiếp: thấy nhà cũ dột nát, năm 2012 đơn vị đã xây tặng “nhà đồng đội” với mức tiền gần 100 triệu đồng. Anh phải vay thêm bạn bè, đơn vị để cất nhà mới trị giá trên 500 triệu đồng, và hiện giờ vẫn còn nợ 350 triệu đồng.

“Điều ước của các con về mẹ thật vô vọng. Nhưng còn điều ước dễ dàng hơn tôi cũng biết mà chẳng làm gì được. Hạ đi học khá xa, sáng đi trưa về, ăn vội vàng, tranh thủ giặt giũ rồi lại đạp xe trở lại trường, chiều tối lại tất tả đạp về. Vất vả đấy tôi biết chứ, chúng bạn đi xe máy, xe đạp điện hết cả mà con mình vẫn xe đạp cà tàng. Cũng định mấy lần cố mua cho cháu, nhưng cháu biết gia cảnh túng bấn, nợ nần nên gạt đi... 

Vượt lên hoàn cảnh

Trong một chiều tan học sớm, cậu học trò Trần Hải Đăng (học sinh lớp 8A2 Trường THCS Hoa Động, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) lóc cóc trên chiếc xe đạp đón đứa em nhỏ Trần Hoàng Long (3 tuổi) ở nhà trẻ, rồi lại quay ra phụ mẹ việc nhà và cơm nước buổi tối.

Thời gian này, chị Hoàng Thị Hiền, mẹ Đăng, tất tả lo đi tìm nhà trọ bởi tới đây gian nhà cấp 4 thuê đã hơn năm năm nay sẽ được thu hồi để xây dựng công trình mới. Làm thêm việc giao bánh mì tới các cửa hàng trong huyện Thủy Nguyên, chị Hiền phải tranh thủ làm từ sáng và làm thông trưa, nhiều ngày phải nghỉ trưa ngoài đường...

Người chồng Trần Tuấn Minh, hiện đang công tác trong đoàn 170 Hải quân (có trụ sở tại Đà Nẵng), ít khi có dịp được về thăm gia đình. Một năm cũng chỉ tranh thủ về thăm các con được một lần trong tháng nghỉ phép, những lúc có nhiệm vụ khẩn cấp, vừa về nhà anh lại khăn gói lên đường... Những buổi nói chuyện với con trai phần lớn phải nhờ vào các cuộc gọi từ xa mỗi khi anh Minh có mặt ở đất liền.

Anh Minh công tác ngoài các đảo tại Trường Sa nên ít khi có mặt ở đất liền. Cả hai gia đình nội ngoại đều tại Quảng Bình, mọi gánh nặng, vất vả nuôi dạy con cái đều dồn lên đôi vai người vợ trẻ.

Hiểu được sự vất vả của mẹ, Đăng luôn chủ động phụ mẹ công việc gia đình, trông em nhỏ mỗi khi không phải học bài. Cậu học trò ít nói nhưng nhiều năm liền vẫn luôn là học sinh khá, giỏi ở trường, không để mẹ phải phiền lòng về việc học hành.

Sau giờ phụ mẹ việc nhà, Vũ Nhật Anh lại miệt mài đèn sách - Ảnh: Tiến Thắng
Sau giờ phụ mẹ việc nhà, Vũ Nhật Anh lại miệt mài đèn sách - Ảnh: Tiến Thắng

Vừa tan buổi học chiều, Vũ Nhật Anh, cậu học trò lớp 7C1 Trường THCS Lê Lợi (TP Hải Phòng), lại tất bật lao vào chiếc máy khâu nơi góc nhà để phụ mẹ. Cuộc sống khốn khó khi người cha Vũ Quang Khánh nhiều năm chống chọi với căn bệnh lao phổi.

Căn bệnh khiến bố Anh không thể tham gia những công việc nặng nhọc, mọi gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ đang công tác trong xưởng may 7-5, Cục hậu cần Hải quân. Thu nhập làm theo sản phẩm, những tháng làm đều đặn, ổn định cũng có thêm được vài triệu đồng để vừa lo thuốc thang chữa trị cho bố vừa chắt bóp cho việc học của con.

Thương mẹ, Vũ Nhật Anh quyết tâm học tập tốt, sáu năm liền đều là học sinh giỏi. Nhà cách trường hơn 1km nhưng em không đòi hỏi phương tiện đi lại mà vẫn cần mẫn đi bộ đến trường. “Đi như thế em thấy cũng tốt, vừa đỡ gánh nặng cho mẹ vừa tập thể dục mỗi ngày” - Vũ Nhật Anh cười trừ.

Không theo các bạn đi học thêm bên ngoài, tất cả việc học đều tự bản thân em là chính. Vũ Nhật Anh chia sẻ: “Ở trường và lớp khi các thầy cô giảng bài em đều cố gắng tiếp thu, phần nào chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi luôn cho hiểu, nên khi về nhà chỉ cần bỏ chút thời gian hệ thống hóa lại kiến thức là em có thể làm được các bài kiểm tra”.

Nhìn cậu học trò với dáng vóc hơi gầy, đen sạm nhưng ánh mắt luôn tươi cười tự tin vào tương lai tốt đẹp, ai trong gia đình cũng tự hào và tin tưởng cậu con trai sẽ thành công trên con đường học tập.

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên