Con người có khả năng thích nghi nhanh với thách thức trong dịch COVID-19 hơn là họ nghĩ - Ảnh: Wired
"Khi một tác nhân gây căng thẳng lớn xảy ra, nó đánh bật chúng ta khỏi những thói quen. Chúng ta cảm thấy mình không còn khả năng kiểm soát và không còn trước đây", Trevor Foulk, giáo sư tại trường kinh doanh Robert H. Smith thuộc Đại học Maryland (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
"Chúng ta luôn có xu hướng nghĩ rằng mình sẽ lấy lại cảm giác bình thường một khi căng thẳng biến mất", ông nói.
Tuy nhiên, Foulk nói rằng ông và các cộng sự phát hiện rằng khả năng "hồi phục tâm lý" từ những sự kiện căng thẳng có thể bắt đầu ngay khi chúng ta còn đang vật lộn trong các trải nghiệm này.
Nghiên cứu đã theo dõi 122 nhân viên qua việc khảo sát họ vài lần mỗi ngày trong vòng hai tuần về việc đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ra sao, và mất bao lâu để họ quay trở lại với trạng thái "bình thường".
Kết quả cho thấy vào những ngày đầu của cuộc nghiên cứu, hầu hết người tham gia cảm thấy bất lực và mất ý thức về cá nhân. Đại dịch hủy hoại cảm giác kiểm soát cuộc sống của họ, ngăn họ tham gia vào các hoạt động và thói quen góp phần vào việc tự nhận thức bản thân.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai tuần, người tham gia bắt đầu tìm đường quay trở lại với cảm giác bình thường.
"Họ cảm thấy ít bất lực hơn và có ý thức rõ hơn về bản thân - kể cả khi mức độ căng thẳng vẫn đang tăng lên", Foulk nói. "Tốc độ mọi người quay lại cảm giác bình thường rất đáng ghi nhận, nhấn mạnh khả năng hồi phục của chúng ta trước những thách thức chưa từng có trước đây", ông giải thích.
Điều nghịch lý trong phát hiện lần này là những người tham gia có khả năng thích nghi tốt nhất lại là những người mắc nhiều bệnh thần kinh nhất theo các định nghĩa tâm lý tiêu chuẩn.
Những người từng trải qua mức độ "căng thẳng, trầm cảm và tự ý thức" cao nhất có tốc độ hồi phục nhanh nhất kể từ khi bắt đầu tham gia nghiên cứu. Kết quả của nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy những người này có khả năng cảnh giác cao hơn và chủ động hơn khi đối mặt với các sự kiện căng thẳng.
Một trong những giới hạn của nghiên cứu chính là việc người tham gia tự báo cáo tình trạng của họ. Vì vậy, nghiên cứu chưa thể làm bật lên được làm cách nào và vì sao tốc độ quay lại cảm giác bình thường của mỗi người lại khác nhau, hay sau 2 tuần đó họ sẽ tiếp tục sống ra sao.
"Trái với rất nhiều điều u ám mà chúng ta đang nghe thấy, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một tia hi vọng, rằng hệ miễn dịch tâm lý của chúng ta làm việc nhanh hơn ta nghĩ rất nhiều, và chúng ta có thể cảm thấy mình đang sống một cuộc sống ‘bình thường’ ngay cả khi mọi thứ đang thay đổi", Foulk nói thêm.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Tâm lý Ứng dụng cùng với các nghiên cứu khác về công việc trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận